Cơ hội nào cho ngành hàng không thức dậy sau "giấc ngủ đông"?

Theo đánh giá của các chuyên gia, mở cửa lại ngành hàng không là điều cần thiết, song cần thận trọng, tránh làm ồ ạt.

Điểm sáng trong bức tranh xám màu

Có thể nói, ngành hàng không Việt Nam vừa trải qua đợt “thập tử nhất sinh” khi liên tục hứng chịu sự tàn phá nặng nề của Covid-19. Đặc biệt, làn sóng Covid-19 lần thứ tư giáng thêm một đòn chí mạng xuống các doanh nghiệp hàng không khiến các hãng bay rơi vào thế nguy hiểm khi doanh thu sụt giảm 80-90%, dòng tiền thiếu hụt nghiêm trọng, nợ gốc tăng cao và các nguồn lực tài chính dần cạn kiệt.

Tình trạng ảm đạm đến mức, ngay cả “cánh chim đầu đàn” của hàng không Việt Nam là Vietnam Airlines, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đang đứng trước bờ vực phá sản do số nợ quá hạn quá cao và rủi ro trong việc không cân đối trả các khoản vay ngắn hạn đến hạn tại các ngân hàng.

Tuy đang phải đối mặt với những kỷ lục buồn chưa từng có trong lịch sử, song gần đây nhóm cổ phiếu của ngành hàng không  như HVN, VJC, ACV, SAS, AST đang có sự tăng trưởng mạnh, bất chấp đà suy giảm chung của thị trường.

Cụ thể, cổ phiếu HVN của Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tăng trần 7% lên mức 28.650 đồng/CP (chốt phiên 14/9). Đây cũng là mức mức giá đóng cửa cao nhất mà HVN đạt được kể từ đầu năm 2020.

Bên cạnh cổ phiếu HVN, một loạt cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp phụ trợ hàng không cũng đều tăng với mức tăng phổ từ từ 1,5 - 4% như AST – CTCP Dịch vụ hàng không Taseco tăng 0,5%, SAS – CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất tăng 4,8%, SGN – CTCP phục vụ mặt đất Sài Gòn tăng 0,4%,...

Đà tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu hàng không được cho là đến từ việc ngành này đang nhận được những thông tin hỗ trợ tích cực.

Cụ thể, Cục Hàng không Việt Nam vừa có đề xuất về kế hoạch phục hồi hoạt động vận tải hàng không nội địa thích ứng an toàn với tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Theo đó, Cục này có kiến nghị mở lại các đường bay nội địa đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo tiến trình 3 giai đoạn.

Trước đó, vào đầu tháng 9, sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) đã đón chuyến bay quốc tế đầu tiên thí điểm chương trình cách ly y tế 7 ngày. Các công dân trên chuyến bay phải tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19.

Đặc biệt, thời gian vừa qua, tình hình kiểm soát dịch Covid-19 tại nhiều địa phương đã có những tín hiệu tích cực, các điểm nóng về dịch bệnh như Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hà Nội,.. đều đã có những chuyến biến tốt sau nhiều nỗ lực. Đây đều là những điều kiện thuận lợi để hy vọng về việc thiết lập trạng thái bình thường mới và sự phục hồi của nền kinh tế.

Số liệu mới nhất từ Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, trong tháng 8 vừa qua, tổng chuyến bay khai thác sụt giảm tới 90,6% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 59,3% so với tháng trước, chỉ còn 1.536 chuyến.

Trong đó, tổng số chuyến bay khai thác của Vietnam Airlines là 1.025 chuyến, giảm 84,6% so với cùng thời điểm năm ngoái và giảm 47% so với tháng trước. Jetstar Pacifics khai thác 19 chuyến bay, giảm 98,6% so với cùng kỳ và là hãng có mức giảm cao nhất so với 5 hãng còn lại.

VietJet Air bay tổng cộng 332 chuyến, giảm 94,2% so với con số cùng kỳ năm ngoái là 5.756 chuyến.

Tương tự, Vasco khai thác 12 chuyến, giảm 98%. Bamboo Airways khai thác 148 chuyến, giảm 92,7% và Vietravel Airlines mới ra mắt từ đầu năm không có chuyến bay nào cất cánh.

Cơ hội phục hồi vẫn “rộng cửa”

Đánh giá về tương lai của ngành hàng không trong thời gian sắp tới, TS. Trần Quang Châu - Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam khẳng định, cơ hội phục hồi ngành hàng không là rất lớn bởi nhu cầu đi lại sẽ tăng cao sau khi khống chế được dịch bệnh.

Kinh tế vĩ mô - Cơ hội nào cho ngành hàng không thức dậy sau 'giấc ngủ đông'?

TS. Trần Quang Châu - Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hàng không Việt Nam.

Tuy nhu cầu cao, cơ hội lớn nhưng không thể làm một cách ồ ạt, bởi tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn ra rất phức tạp và khó lường. Do đó, theo ông Châu, việc mở lại các đường bay là vô cùng cần thiết, đặc biệt giữa các vùng xanh. Tuy nhiên cần phải làm nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả công tác an toàn phòng chống dịch, đảm bảo duy trì thành quả chống dịch.

“Điểm mấu chốt để phục hồi ngành hàng không sắp tới vẫn là việc triển khai tốt việc tiêm vắc-xin và mở rộng vùng xanh. Các hãng hàng không cũng có thể điều chỉnh giá vé để thu hút, khuyến khích nhu cầu đi lại của người dân. Nếu biết cách nắm bắt, hàng không có thể bứt phá đi lên”, ông Châu chia sẻ thêm với Người Đưa Tin.

Đồng quan điểm trên, TS. Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế cho rằng, cần thận trọng trong việc đánh giá về khả năng phục hồi của ngành hàng không. Bởi, hàng không là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề và cần ưu tiên được “giải cứu” nhất, song cũng cần dựa vào sự hồi phục của nền kinh tế và tình hình kiểm soát dịch bệnh.

Về chính sách hỗ trợ của chính phủ, TS. Ngô Trí Long cho rằng: “Nhà nước đã rất quan tâm đến hỗ trợ ngành hàng không, điểm đặc biệt cần lưu ý cần hỗ trợ bình đẳng, công bằng cho các doanh nghiệp để tạo môi trường đầu tư công bằng".

Cũng bàn về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ngành hàng không, tại toạ đàm trực tuyến "Giải pháp cấp bách về vốn để "giữ cánh" cho hàng không Việt" tổ chức hồi đầu tháng 8, ông Nguyễn Sỹ Hưng, nguyên Chủ tịch Vietnam Airlines cho biết, hiện Nhà nước đang chiếm cổ phần chi phối ở Vietnam Airlines (86%), do đó những giải pháp đối với hãng bay này rất khó có thể áp dụng được với doanh nghiệp hàng không tư nhân.

Tuy vậy, ông Hưng cũng đánh giá rằng, với vai trò quản lý, Nhà nước có thể tạo hành lang pháp lý, cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân có thể tiếp cận được nguồn vốn vay từ các ngân hàng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp hàng không cũng cần tái cơ cấu lại ngành nghề, phương tiện. Cụ thể, đối với hàng không là đội bay, chiếm một tỷ lệ vốn cực kỳ lớn. 

Theo báo cáo của Công ty chứng khoán Agribank (Agriseco), dù ngành hàng không đang gặp muôn vàn khó khăn nhưng vẫn có thể kỳ vọng vào khả năng phục hồi trong những tháng cuối năm 2021.

Dự báo này dựa trên cơ sở đánh giá về chiến lược tiêm vắc-xin được triển khai đồng loạt đúng tiến độ kỳ vọng, một số địa phương nới lỏng các lệnh giãn cách và tiến tới thiết lập trạng thái bình thường mới gắn với việc các đường bay dần được mở lại.

Lê Mạnh Quốc - Người Đưa Tin

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/co-hoi-nao-cho-nganh-hang-khong-thuc-day-sau-giac-ngu-dong-a559047.html