Lý do đã tiêm 2 mũi vắc-xin vẫn có nguy cơ nhiễm Covid-19

Tiêm vắc-xin là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân khỏi Covid-19. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế nhiều trường hợp được tiêm chủng đầy đủ vẫn mắc bệnh.

ly-do-da-tiem-hai-mui-vac-xin-van-co-nguy-co-nhiem-covid-19-1631680946.jpg
 

Vắc-xin Covid-19 đã làm giảm đáng kể các trường hợp bệnh nặng, nhập viện và tử vong. Nhưng thống kê trên thế giới chỉ ra, khoảng 20% đã tiêm đủ 2 mũi vắc- xin nhưng vẫn nhiễm bệnh và 10% trong số đó có nguy cơ diễn tiến nặng, tử vong.

Theo phân tích của TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh, sau khi tiêm một mũi vắc-xin, cơ thể có kháng thể, ngăn khả năng mắc bệnh và bệnh nặng. Khi đã tiêm đủ hai mũi thì cơ thể sẽ có nhiều kháng thể hơn.

Về mặt khoa học, tất cả vắc-xin đều có tỉ lệ bảo vệ nhất định nhưng không bao giờ đạt 100%. Tỉ lệ bảo vệ nhiễm bệnh dao động khoảng 70 đến 80%, như vậy vẫn có khoảng 20% trường hợp bị nhiễm sau khi tiêm.

Trang Boldsky cũng cho rằng không có loại vắc-xin nào cung cấp khả năng bảo vệ 100% ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 đang đột biến và tạo ra các biến thể mới. Vì vậy trong một tình huống thuận lợi, virus sẽ phá vỡ hàng rào bảo vệ của vắc-xin được gọi là nhiễm trùng đột phá. Hiện tượng này thường phát sinh 14 ngày sau khi tiêm liều thứ hai của vắc-xin.

Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ khuyến cáo: "Mặc dù vắc-xin được phê duyệt có hiệu quả cao, nhưng vẫn có những trường hợp nhiễm Covid-19 đột phá, đặc biệt trước khi đạt được miễn dịch cộng đồng đủ để giảm nguy cơ lây nhiễm".

Theo Boldsky, người đã tiêm vắc-xin Covid-19 vẫn mắc bệnh có thể do các nguyên nhân sau:

- Việc chủng ngừa chỉ tạo ra phản ứng miễn dịch yếu (đặc biệt với người mắc các bệnh suy giảm miễn dịch, ung thư, tuổi cao...)

- Khả năng miễn dịch do vắc-xin cung cấp giảm theo thời gian

- Virus tiến hóa để đột phá

Ngoài ra khảo sát gần 600 người đã tiêm vắc-xin nhưng vẫn mắc Covid-19 ở Ấn Độ, 71% bệnh nhân có triệu chứng, số còn lại không có biểu hiện bệnh. Các triệu chứng phổ biến là sốt (69%), kế tiếp là đau mỏi người, đau đầu, nôn mửa (56%), ho (45%), đau họng (37%), mất vị giác, khứu giác (22%), đi ngoài (6%), khó thở (6%), sưng tấy (1%).

Theo một nghiên cứu ở Ấn Độ, 87% ca nhiễm Covid-19 đột phá ở Ấn Độ do các biến thể gây ra. Chỉ có 9,8% số ca bệnh phải nhập viện, tỉ lệ tử vong là 0,4%. Trong khi đó, tờ New York Times đánh giá tỉ lệ nhiễm Covid-19 sau tiêm vắc-xin ở Mỹ khoảng 1/5.000 người, thậm chí thấp hơn trong cộng đồng có tỉ lệ tiêm chủng cao và thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Chính vì vậy, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin tuyệt đối không được chủ quan. Người đã tiêm vắc-xin ngoài nguy cơ diễn tiến nặng, tử vong vẫn có thể mang mầm bệnh, lây nhiễm cho người khác. Do đó, tất cả cộng đồng cần thực hiện triệt để khuyến cáo theo thông điệp 5K + vắc-xin và các quy định về giãn cách xã hội.

Minh Hoa (t/h theo VietNamNet, Tiền Phong) - Người Đưa Tin

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ly-do-da-tiem-2-mui-vac-xin-van-co-nguy-co-nhiem-covid-19-a559063.html