TP.HCM muốn rút ngắn thời gian tiêm mũi 2 vắc xin AstraZeneca

Nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm và sớm đạt miễn dịch, TP.HCM muốn rút ngắn thời gian tiêm 2 mũi vắc-xin ArtraZeneca từ tối thiểu 8 thuần xuống 6 tuần.

Theo báo Thanh Niên, tại buổi họp báo định kỳ chiều 16/9, trả lời câu hỏi của phóng viên về lý do đề xuất rút ngắn thời gian tiêm mũi 2 vắc xin AstraZeneca xuống còn 6 tuần, Phó giám đốc sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết mỗi loại vắc xin có thời gian tiêm 2 mũi khác nhau; đa số dao động 3 - 4 tuần, riêng vắc xin AstraZeneca, khoảng cách giữa 2 mũi là 8 - 12 tuần. Thời gian qua, TP.HCM thực hiện đúng theo hướng dẫn của bộ Y tế.

Tuy nhiên, ông Nam thông tin, một số hướng dẫn cho thấy trong tình huống đặc biệt có thể rút ngắn thời gian tiêm mũi 2 AstraZeneca xuống, cách mũi 1 khoảng 6 tuần. Trên thực tế, một số đơn vị đã áp dụng việc rút ngắn thời gian 2 mũi tiêm như bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cách nhau 6 tuần và vẫn hiệu quả. Do đó, việc TP.HCM đề xuất rút ngắn thời gian tiêm mũi 2 vắc xin AstraZeneca nhằm giúp nhanh chóng phủ mũi 2 để đáp ứng miễn dịch nhanh nhất.

bsnguyenhoainam-uhba-1631847162.jpg
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc sở Y tế TP.HCM, thông tin tại buổi họp báo chiều 16/9. Ảnh: Thanh Niên

Theo báo cáo của sở Y tế TP.HCM, tính đến 7h30 ngày 16/9, TP.HCM đã tiêm tổng cộng hơn 8,4 triệu liều vắc xin Covid-19 cho người dân; trong đó có hơn 6,66 triệu mũi 1 và hơn 1,75 triệu mũi 2.

Báo Người lao động cho biết thêm, giải thích nguyên nhân về việc giãn cách thời gian dài nhưng số ca nhiễm vẫn tăng, bác sĩ Nam cho rằng TP HCM áp dụng thần tốc xét nghiệm, nhiều vùng nguy cơ đã xét nghiệm tới 7-8 vòng, "vùng xanh" hầu hết đã làm 3 vòng, có nơi làm tới 4 vòng. Do xét nghiệm tầm soát diện rộng khiến việc ghi nhận số ca tiếp tục tăng. Dù vậy, những ngày qua, số ca chỉ dao động trong khoảng 4.000 - 6.000/ngày.

Sau khi xét nghiệm, sở Y tế TP.HCM nhận thấy tỉ lệ nhiễm giảm đáng kể. Cụ thể, đợt 1 tỉ lệ dương tính ở "vùng đỏ", "vùng cam" là 3,6% nhưng đến đợt 2 còn 2,7% và sau khi kết thúc đợt 3 chỉ còn 1,1%. Kết quả này cho thấy dù số tuyệt đối lớn nhưng tỉ lệ giảm rất đáng kể.

Theo bác sĩ Nam, thời gian tới, TP.HCM vẫn rà soát, làm đi làm lại tối thiểu 2-3 lần xét nghiệm nhằm bóc tách hoàn toàn F0 trong cộng đồng.

Về việc một số địa phương đưa nước chanh sả, xuyên tâm liên và dược liệu vào điều trị F0, theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, sở Y tế TP.HCM hoan nghênh việc tìm tòi biện pháp điều trị sao cho người bệnh mau chóng hồi phục. Song, cần lưu ý phải áp dụng theo hướng dẫn của bộ Y tế trong việc chăm sóc người bệnh.

Cũng tại buổi họp báo, giải thích về tỉ lệ tiêm chủng tại thành phố chưa cao, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết tỉ lệ tiêm chủng chưa cao tại các quận 3, 4 và Bình Tân.

Theo ông Tâm, trong dữ liệu tiêm chủng, dân số của TP.HCM được lấy số liệu thống kê từ ngày 30/6, thời điểm này dân cư tại thành phố còn đông đúc. Nhưng sau đó, một lượng lớn dân ngoại tỉnh đã về quê.

"Điều này cho thấy mẫu số trước đây so với bây giờ thực tế không phù hợp. Thành phố đã cơ bản tiêm xong mũi 1 cho những người có thể tiêm trên địa bàn. Con số hiện thời không phản ánh chính xác tình hình tiêm chủng hiện nay" - ông Tâm chia sẻ và cho biết thêm: Ngoài ra, khâu nhập liệu còn chậm trễ tại một số địa phương khiến dữ liệu trên cổng thông tin tiêm chủng chưa chính xác.

Hải Đăng (T/h)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tphcm-muon-rut-ngan-thoi-gian-tiem-mui-2-vac-xin-astrazeneca-a559130.html