Gây rối tại phiên tòa có bị phạt?

Tình huống pháp lý: Trong lúc nghị án phiên tòa xét xử ly hôn giữa tôi và chồng, bố chồng đã la hét, mắng chửi, lao đến đánh tôi nhưng lực lượng bảo vệ đã ngăn cản. Sau khi, HĐXX quay trở lại làm việc vẫn cho phiên tòa tiếp tục. Bố chồng tôi lại càng làm loạn, lấy dép ném về phía tôi. Quý Công ty cho tôi hỏi theo quy định pháp luật, bố chồng tôi có bị phạt không? Tôi cảm ơn.

Trả lời:

Theo các Điều 256 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, Điều 234 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Điều 153 Bộ luật Tố tụng Hành chính 2015 thì một trong các nội quy phiên tòa cần tuân thủ là “Mọi người trong phòng xử án phải tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa”. Trường hợp vi phạm, theo khoản 2 Điều 3 Thông tư 02/2017/TT-TANDTC, ngày 28/7/2017 của Tòa án nhân dân tối cao ban hành Quy chế tổ chức phiên tòa thì người vi phạm nội quy phòng xử án thì tùy từng trường hợp có thể bị Chủ tọa phiên tòa buộc rời khỏi phòng xử án hoặc khu vực xét xử, xử phạt vi phạm hành chính, tạm giữ hành chính. Trường hợp hành vi của người vi phạm nội quy phiên tòa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì Hội đồng xét xử có quyền khởi tố vụ án hình sự.

Cụ thể đối với trường hợp gây rối trật tự phiên tòa có thể bị xử lý như sau:

1. Bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm d Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, hành vi của bố chồng Quý khách có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng:

2. Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 391 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017:

 “Điều 391. Tội gây rối trật tự phiên tòa, phiên họp

1. Người nào tại phiên tòa, phiên họp mà thóa mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của Thẩm phán, Hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác hoặc người tham gia phiên tòa, phiên họp hoặc có hành vi đập phá tài sản, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 178 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Dẫn đến phải dừng phiên tòa, phiên họp;

b) Hành hung Thẩm phán, Hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 134 của Bộ luật này.”

Theo Nguyễn Thị Thanh Thanh Trà – Công ty Luật FDVN

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/gay-roi-tai-phien-toa-co-bi-phat-a559154.html