Bị chồng đánh, người vợ cần thực hiện những biện pháp pháp lý gì?

Để chấm dứt hành vi bạo lực gia đình, trước hết người vợ cần chia sẻ và yêu cầu sự trợ giúp của người thân, người có tiếng nói trong gia tộc hỗ trợ ngăn chặn hành vi bạo lực tái diễn.

bao-luc-gia-dinh-hien-nay-1200x800-1633638359165423145265-0-128-670-1200-crop-1633638367567377342296-1633682383.jpg
 

"Tôi đọc báo thấy trường hợp cho biết, 1 ngày người phụ nữ này bị chồng đánh tới 4 lần. Xin hỏi luật sư, khi người chồng bạo hành vợ thì người vợ cần thực hiện các biện pháp pháp lý như thế nào để bảo vệ bản thân?".

Ngọc Nhung (TPHCM)

Trả lời: Nhiều phụ nữ hiện vẫn còn tư tưởng sợ không muốn "vạch áo cho người xem lưng", sợ "xấu chàng hổ ai" và xem mình là thế yếu trong gia đình nên phải âm thầm chịu đựng. Bạo lực gia đình có thể để lại hệ lụy rất lớn vì nó gây ra nhiều nỗi đau về thể chất lẫn tinh thần cho nạn nhân, tạo nên chất lượng đời sống hôn nhân không như ý nguyện. Quyền bình đẳng giữa vợ chồng ngày nay được đề cao và được pháp điển hoá thành luật như: Luật bình đẳng giới; Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật hôn nhân & gia đình...

Khi là nạn nhân của bạo lực gia đình, chị em phụ nữ cần mạnh mẽ lên tiếng, cần hiểu quyền và nghĩa vụ cá nhân được pháp luật bảo hộ. Theo khoản 1 Điều 5 Luật phòng, chống bạo lực gia đình quy định về quyền và nghĩa vụ của nạn nhân bạo lực gia đình thì người bị bạo hành trong trường hợp này có các quyền sau đây:

a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình;

b) Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật này;

c) Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật;

d) Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật này;

đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Để chấm dứt hành vi bạo lực gia đình, trước hết người vợ cần chia sẻ và yêu cầu sự trợ giúp của người thân, người có tiếng nói trong gia tộc hỗ trợ ngăn chặn hành vi bạo lực tái diễn. Thứ đến, người vợ hoàn toàn có thể thực hiện các quyền nêu trên, đề nghị các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình. Các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ cho người vợ trong trường hợp này được quy định cụ thể tại Điều 18 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình như sau:

1. Người phát hiện bạo lực gia đình phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 23 và khoản 4 Điều 29 của Luật này.

2. Cơ quan công an, Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về bạo lực gia đình có trách nhiệm kịp thời xử lý hoặc kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý; giữ bí mật về nhân thân và trong trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ người phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình.

Trong trường hợp bạo lực ở mức độ nghiêm trọng, gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe và tinh thần của người vợ thì nạn nhân có thể nộp đơn tố cáo đến Cơ quan công an về tội cố ý gây thương tích hoặc tội hành hạ người khác theo Bộ luật hình sự hiện hành. Ngoài ra, người vợ có thể thực hiện quyền ly hôn để chấm dứt hành vi bạo lực. Căn cứ theo quy định tại điều 51 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 thì ly hôn là quyền của một trong hai bên vợ chồng. Nếu cả hai vợ chồng đều tự nguyện muốn ly hôn thì thực hiện ly hôn theo hình thức thuận tình. Còn trường hợp người vợ có căn cứ bị bạo lực gia đình hoặc mâu thuẫn vợ chồng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài và mục đích hôn nhân không đạt được thì người vợ có quyền đơn phương xin ly hôn để chấm dứt đời sống hôn nhân.

Theo báo Phụ nữ Việt Nam

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/bi-chong-danh-nguoi-vo-can-thuc-hien-nhung-bien-phap-phap-ly-gi-a559949.html