Hướng dẫn chăm sóc và những sai lầm cần tránh khi trẻ bị sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết đã vào mùa và trẻ em là đối tượng dễ bị căn bệnh nguy hiểm này tấn công, do vậy cha mẹ cần lưu ý những điều sau để bảo đảm sức khỏe cho con em mình.

1. Triệu chứng điển hình khi trẻ bị sốt xuất huyết

Theo Lao Động, trong giai đoạn đầu khởi bệnh thường có các triệu chứng dễ nhầm lẫn với sốt phát ban, sốt siêu vi, tay chân miệng…nên phụ huynh cần theo dõi chặt chẽ các biểu hiện bệnh của trẻ để có hướng chăm sóc thích hợp cũng như đưa trẻ đến khám cơ sở y tế kịp thời.

Dấu hiệu bệnh thường gặp ở trẻ lớn là trẻ đang chơi khỏe mạnh thì đột ngột sốt cao, uống thuốc sốt hạ có bớt nhưng sau đó sốt trở lại.

Thông thường 2 ngày đầu trẻ có thể kèm theo một số triệu chứng khác như đau đầu, biếng ăn, mệt mỏi, nhức mỏi cơ giống như các triệu chứng cảm cúm, sau đó có thể có một số dấu hiệu như biểu hiện xuất huyết ở da, chảy máu mũi hoặc chảy máu răng, ói ra máu, đi tiêu phân đen.

tre bi sot xuat huyet 1

Ở trẻ nhũ nhi, bệnh diễn tiến bằng biểu hiện sốt cao, có khi kèm theo triệu chứng hô hấp như ho, sổ mũi, hắt hơi hoặc triệu chứng tiêu hóa như tiêu chảy, nôn ói, dễ nhầm với bệnh lý đường hô hấp hay đường tiêu hóa.

Khi thấy trẻ sốt cần đi khám để được chẩn đoán xem trẻ có bị sốt xuất huyết không. Trường hợp nhẹ có thể chăm sóc, điều trị, theo dõi, hạ sốt lau mát trẻ tại nhà. Khi trẻ sốt liên tục trên 2 ngày với các biểu hiện nặng thì phải nhập viện để tránh diễn biến xấu.

2. Hướng dẫn chăm sóc khi trẻ bị sốt xuất huyết

Theo Sức khỏe & Đời sống, khoảng 70% trẻ sốt xuất huyết được điều trị tại nhà (điều trị ngoại trú sau khi được thầy thuốc thăm khám). Trong trường hợp này, cần cho trẻ nằm nghỉ tuyệt đối, uống nước đầy đủ, ăn các chất dễ tiêu, thực hiện đúng đơn thuốc của bác sĩ và theo dõi chặt chẽ sự tiến triển của bệnh.

Về nghỉ ngơi và dinh dưỡng: Trẻ cần nằm nghỉ trong phòng thoáng mát. Tuyệt đối không ra mưa, ra nắng, không đi đâu vì nhiều trẻ tuy sốt những vẫn có vẻ khỏe mạnh. Cho trẻ uống nước đầy đủ là điều rất cần thiết vì bệnh SXH thường làm máu bị cô đặc lại, rất khó lưu thông. Đó chính là nguyên nhân chủ yếu gây ra biến chứng sốc. Để phòng tránh, nên cho trẻ uống oresol (để bù nước) hoặc nước cam, nước chanh, nước khoáng hay nước lọc đun sôi. Cho trẻ uống từ từ, thong thả vì việc uống quá nhanh, quá nhiều cùng một lúc có thể sẽ gây nôn, đầy bụng. Về ăn, cần chọn các chất dễ tiêu như cháo, súp và không bao giờ được ăn no quá.

tre bi sot xuat huyet 2

Về thuốc: Trong bệnh sốt xuất huyết, các bác sĩ thường cho trẻ dùng thuốc hạ sốt thông thường paracetamol (với nhiều tên khác nhau như acemol, cetamol, efferalgan, panadol) không bao giờ cho trẻ dùng các thuốc nhóm aspirine như aspegic, aspro... chúng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu và một số tai biến khác (có trường hợp dẫn đến tử vong). Không được tự ý cho trẻ dùng thuốc kháng sinh vì chúng không có tác dụng gì với bệnh sốt xuất huyết mà chỉ làm trẻ mệt thêm. Trường hợp trẻ sốt cao, có thể áp dụng thêm phương pháp lau mát; nếu sờ hai bàn chân trẻ thấy lạnh thì dùng 1 chai nước ấm ủ giữa 2 bàn chân.

3. Những sai lầm cần tránh khi chăm sóc trẻ sốt xuất huyết

Sai lầm phổ biến là nhiều bà mẹ do nóng lòng khi con sốt liên tục nên tự ý cho dùng thuốc hạ sốt hơn 4-5 lần mỗi ngày, dẫn đến lạm dụng thuốc. Việc sử dụng thuốc hạ sốt liên tục có thể làm tổn thương gan nặng nề, xuất huyết tiêu hóa...

Ngoài ra, không ít gia đình khi thấy con xuất hiện những mẩn bầm còn cắt lể để lấy bớt máu độc. Việc cạo gió, cắt lể này dễ dẫn đến hiện tượng chảy máu không cầm. Đây là ngả vào cho vi trùng xâm nhập, có thể gây rối loạn đông máu.

screenshot 90

Một số bà mẹ khi thấy con sốt kèm theo rối loạn tiêu hóa, nôn ói liên tục đã cho con nhịn ăn, nhịn uống. Việc này khiến trẻ không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng nên dễ mất sức, một số trường hợp có thể hạ đường huyết, gây co giật. Giải pháp tốt nhất là nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày. Cần cung cấp nhiều nước để tránh tình trạng thiếu nước và chất điện giải. Nên tránh các thức ăn, thức uống có màu đỏ, màu đen vì khó phân biệt với màu máu khi trẻ nôn ói hoặc đi ngoài.

Một sai lầm thường gặp nữa là phụ huynh khi thấy con hết sốt thì chủ quan, không tiếp tục theo dõi. Bệnh sốt xuất huyết do virus nên thường có hiện tượng sốt đi sốt lại và diễn tiến bất thường. Nếu trẻ hết sốt nhưng vẫn còn biểu hiện bất thường như tay chân lạnh, đau bụng, nôn ói nhiều thì cần theo dõi để đưa trẻ nhập viện cấp cứu kịp thời.

Linh Chi (T/h) - Người Đưa Tin

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/huong-dan-cham-soc-va-nhung-sai-lam-can-tranh-khi-tre-bi-sot-xuat-huyet-a560246.html