Ai chịu trách nhiệm vụ kè biển 35 tỷ đồng chưa nghiệm thu bị sóng đánh sập?

Một kè biển có tổng vốn đầu tư 35 tỷ đồng chưa nghiệm thu đã bị sóng đánh hư hỏng nặng nhưng tất cả các đơn vị liên quan đều khẳng định làm đúng.

Nghi vấn chất lượng công trình

Tuyến kè biển Nhật Lệ thuộc xã Quảng Phú, thành phố Đồng Hới, có chiều dài 860m, được đầu tư xây dựng nhằm gia cố, bảo vệ tuyến đường du lịch ven biển Nhật Lệ. 

Công trình có tổng mức đầu tư 35 tỷ đồng, trong đó vốn xây lắp 27 tỷ đồng, do Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư xây dựng Hà Nội - Quảng Bình thiết kế; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) là đơn vị thẩm định, hai đơn vị thi công là Công ty TNHH xây dựng và thương mại Hải Thành và Công ty TNHH xây dựng Tiến Thành (Công ty Tiến Thành).

Dân sinh - Ai chịu trách nhiệm vụ kè biển 35 tỷ đồng chưa nghiệm thu bị sóng đánh sập?

Kè biển Nhật Lệ vừa hoàn thành và đang chuẩn bị các thủ tục bàn giao (Ảnh: Ngô Huyền).

Tuyến kè này vừa được hoàn thành và đang chuẩn bị các thủ tục bàn giao thì bị sóng biển đánh tan hoang.

Theo ông Nguyễn Văn Sỹ, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất Thành phố Đồng Hới – đơn vị chủ đầu tư, cho biết, đoạn kè bị hư hỏng nặng có chiều dài 150m do Công ty Tiến Thành thi công.

Điều đáng nói, theo thiết kế, tuyến kè biển Nhật Lệ chịu được gió bão cấp 9, cấp 10. Tuy nhiên, từ khi tuyến kè này được khởi công xây dựng đến nay, mặc dù địa bàn chưa có cơn bão nào nhưng đã 2 lần bị sóng biển đánh tan hoang.

Dân sinh - Ai chịu trách nhiệm vụ kè biển 35 tỷ đồng chưa nghiệm thu bị sóng đánh sập? (Hình 2).

Đoạn kè bị hư hỏng nặng có chiều dài 150m (Ảnh: Ngô Huyền).

Sự cố này khiến nhiều người đặt ra nghi vấn về chất lượng công trình. Liên quan đến vấn đề này, cả đơn vị chủ đầu tư và đơn vị thi công đều khẳng định làm đúng với hồ sơ thiết kế.

“Vừa rồi có cuộc họp giữa Sở NN&PTNT, đơn vị thi công, thiết kế, nhằm đưa ra phương án để khắc phục chứ về biện pháp thi công thì đảm bảo cam đoan thực hiện theo hồ sơ thết kế”, ông Nguyễn Văn Sỹ khẳng định thêm.

Ông Bùi Ngọc Đảm, Giám đốc Công ty Tiến Thành, cho biết: “Việc hỏng kè là chuyện lớn, chúng tôi đã yêu cầu chủ đầu tư mời bảo hiểm và các đơn vị vào cuộc để tìm ra nguyên nhân. Nếu họ khẳng định thiết kế đúng, chúng tôi chấp nhận bỏ tiền ra làm lại nhưng làm lại như thế rồi cũng hỏng thôi. Còn việc nhiều chỗ không có thép thì cứ đưa bản vẽ ra đối chiếu là được. Riêng tôi khẳng định một thanh cũng không thiếu, mác bê tông cũng vậy. Quá trình thi công có tư vấn giám sát và chủ đầu tư, thi công không bao giờ sai được, hồ sơ kiểm định chất lượng công trình có cả”.

Đơn vị thẩm định nói thi công sai thiết kế

Trong khi cả 2 đơn vị trên đều khẳng định làm đúng hồ sơ thiết kế công trình thì đại diện Phòng quản lý xây dựng công trình, Sở NN&PTNT (đơn vị thẩm định) lại cho rằng đơn vị thi công làm sai thiết kế mới dẫn đến sự cố như vậy.

“Vấn đề không phải là sắt hay xi măng, mà nền đất, cát ở dưới thì thi công không xử lý. Cái quan trong của kè là phải đảm bảo đất, cát ở dưới kè không trôi, không bị xói mà họ không làm việc đó. Bê tông cứ đổ vào đấy, kè không có chân thì sập thôi. Sai từ khâu cơ bản chứ không phải phần ở trên mặt. Phần sập đó là chịu hậu quả của cái khác.

Nếu thiết kế cho gió bão cấp 9, nhưng cấp 7 cấp 8 đã hư là sai do thiết kế. Chưa có gió bão đã hư rồi thì trong quá trình thi công đã sai mà họ không báo ai cả”, vị này cho biết.

Dân sinh - Ai chịu trách nhiệm vụ kè biển 35 tỷ đồng chưa nghiệm thu bị sóng đánh sập? (Hình 3).

Tuyến kè bị sóng đánh sập tan hoang, thân kè bị đứt gãy (Ảnh: Ngô Huyền).

Dân sinh - Ai chịu trách nhiệm vụ kè biển 35 tỷ đồng chưa nghiệm thu bị sóng đánh sập? (Hình 4).

Nhiều mảng bê tông lớn bị sập lún, gãy đổ kê lên nhau ngổn ngang (Ảnh: Ngô Huyền).

Về việc tại sao sau khi xảy ra sự cố vào năm ngoái, các đơn vị vẫn tiếp tục thi công theo thiết kế cũ mà không thay đổi, vị cán bộ phòng Quản lý xây dựng công trình này cho biết: “Vào tháng 10/2020, đơn vị thi công mới làm đường công vụ, lún một số ống bi xuống thì bão vào, nó mới bị nghiêng ngả chứ đã làm gì đâu mà bảo sập, hư hỏng.

Sắp tới có thiết kế lại hay không, cũng phải đánh giá nguyên nhân trước, bây giờ chưa tìm được nguyên nhân thì thiết kế lại làm gì. Thiết kế cũ đảm bảo chẳng qua do thi công không đúng quy trình, không đúng thiết kế mới hư chứ sao phải thiết kế lại”.

Được biết, hiện tại tỉnh Quảng Bình đã có nhiều công trình làm cùng thời điểm, cùng một thiết kế với kè biển Nhật Lệ như: Kè biển Cảnh Dương giai đoạn 2, Quảng Phú, Nhân Trạch (đấu vào kè cũ), nhưng chưa xảy ra hư hỏng nào.

Dân sinh - Ai chịu trách nhiệm vụ kè biển 35 tỷ đồng chưa nghiệm thu bị sóng đánh sập? (Hình 5).

Kè bị sóng biển đánh tan hoang (Ảnh: Ngô Huyền).

Nói về phương án khắc phục, đại diện phía Sở NN&PTNT cho biết: “Đối với những sự cố này, có phương án khắc phục tạm thời, nhưng hiện tại chúng tôi đánh giá nguyên nhân hoàn toàn là do vấn đề thi công. Đã do thi công thì khắc phục làm gì nữa, dỡ lên trên mà làm lại. Còn khắc phục chỉ tốn thêm công, thêm chi phí”.

Về phía đơn vị chủ đầu tư, ông Nguyễn Văn Sỹ cho biết: “Vừa rồi làm việc với đơn vị thi công, trước mắt kinh phí nằm trong kinh phí của tổng công trình này luôn. Trong hợp đồng của họ nhưng chưa nghiệm thu hoàn thành thì xảy ra việc này nên chưa thanh toán. Nhà thầu cũng yêu cầu làm lại thiết kế, nếu phương án giữ nguyên, phải có đơn vị nào chắc chắn, Sở NN&PTNT và thiết kế giữ nguyên, nhà thầu cam kết sẽ làm lại”.

Được biết, hiện UBND tỉnh Quảng Bình đang chủ trì xem xét sự cố, để có hướng khắc phục.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.

Theo Người Đưa Tin

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ai-chiu-trach-nhiem-vu-ke-bien-35-ty-dong-chua-nghiem-thu-bi-song-danh-sap-a560482.html