“Chủ nợ” loay hoay tìm cách đòi tiền, tự trói mình vào lưới pháp luật

Đó là câu chuyện đáng buồn của bị cáo Bùi Thị Yên (SN 1982, trú tại phường Hà Cầu, Hà Đông, Hà Nội). Đến lúc Yên nhận thức được cách đòi nợ của mình là vi phạm pháp luật, lúc đó đã quá muộn.

Đòi nợ không đúng cách – Chủ nợ thành bị cáo

Có vay có trả, đó là đạo lý từ xa xưa, sau này được luật hóa dần dần cho đến khi ban hành các Bộ luật Dân sự (BLDS) qua các thời kỳ. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào, người vay nợ cũng tuân thủ những quy định về nghĩa vụ trả nợ đúng theo quy định. Từ đó dẫn đến không ít bức xúc từ phía bên cho vay, dẫn đến rất nhiều cách đòi nợ, đôi khi là những cách hành xử liên quan đến lĩnh vực này không đúng quy định pháp luật. 

C:\Users\Admin\Desktop\đòi nợ.jpg

Ảnh minh họa.

Thậm chí là không ít trường hợp, bên chủ nợ phải vướng vòng lao lý, bị khởi tố hình sự chỉ vì đòi nợ không đúng cách mà câu chuyện dưới đây là một ví dụ.

Cùng làm việc tại Công ty cổ phần Sông Đà – Thăng Long, từ năm 2016 đến tháng 6/2019, anh Bùi Văn H. (SN 1985, trú tại phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội) đã nhiều lần nhờ Bùi Thị Yên vay tiền, với tổng số tiền lên tới 305 triệu đồng, lãi suất 1.500 đồng/triệu/ngày. H. trả lãi đến tháng 12/2019 thì không còn khả năng trả cả lãi và nợ gốc nên Bùi Thị Yên đã nhờ Hùng râu (tức Nguyễn Tuấn Anh, SN 1983; trú tại phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội, đòi tiền giúp.

Trưa ngày 14/01/2020, Yên cung cấp hình ảnh, thông tin về chỗ làm việc là thông tin về thời gian anh H. rời trụ sở công ty đi ăn trưa; Tuấn Anh cùng Bùi Văn Vượng và đối tượng Đen (chưa xác định được nhân thân) đã điều khiển xe ô tô nhanh chóng áp sát “con nợ”, bắt giữ anh H. trái pháp luật, ép lên xe ô tô.

Trong thời gian bắt giữ anh H., Tuấn Anh và Vượng có hành vi ép anh H. viết giấy nhận nợ, buộc anh H. phải nhờ người chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của Tuấn Anh yêu cầu. Tuấn Anh và Vượng đã rút tiền, chiếm đoạt tổng cộng 440 triệu đồng.

Cơ quan tố tụng xác định, hành vi của Tuấn Anh phạm 2 tội là Bắt giữ người trái pháp luật và tội Cưỡng đoạt tài sản và phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là 9 năm 6 tháng tù. Bùi Thị Yên ngậm ngùi lĩnh 9 tháng tù về tội Bắt giữ người trái pháp luật.

Làm thế nào để đòi nợ đúng luật?

Chính vì nhiều người nghĩ đòi lại tiền của mình thì không có gì là sai. Đúng là như vậy, nhưng phải biết cách đòi, hay nói cách khác là đòi nợ không trái quy định pháp luật, không trái đạo đức.

Để những người chủ nợ hiểu hơn về hành vi đòi nợ của mình, tránh mắc phải sai lầm đáng tiếc như trường hợp bị cáo Bùi Thị Yên trong vụ án trên, Luật sư Nguyễn Trung Tiệp (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) phân tích: Vụ án đòi nợ trên, cơ quan tố tụng đã đủ căn cứ để kết luận Nguyễn Tuấn Anh là người khởi xướng và là người trực tiếp thực hiện việc bắt giữ anh H., sau đó lại là người trực tiếp đe dọa, uy hiếp H., buộc H. viết giấy, gọi điện nhờ người gửi tiền trả Tuấn Anh. 

D:\Bài viết 2021\Ảnh\Luật sư. Nguyễn Trung Tiệp.jpg

Luật sư Nguyễn Trung Tiệp – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Vậy Bùi Thị Yên có liên quan ra sao? Luật sư Tiệp cho biết: “Bùi Thị Yên là người tiếp nhận và thực hiện giúp sức cho Tuấn Anh thông qua việc cung cấp hình ảnh, thông tin về chỗ làm việc, thời gian H. rời trụ sở công ty cho Tuấn Anh biết để người này thực hiện việc bắt giữ. Do vậy, Yên tham gia vụ án với vai trò đồng phạm với Tuấn Anh về tội bắt giữ người trái pháp luật là đúng người, đúng tội”.

Trong những vụ đòi nợ tương tự, nếu như người vay thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ, không chây ì thì có lẽ không xảy ra những sự việc đáng tiếc như trên. Những người chủ nợ sẽ không trở thành bị cáo “bất đắc dĩ”.

Luật sư Tiệp cho biết: Bộ luật Dân sự 2015, Điều 466 quy định về Nghĩa vụ trả nợ của bên vay: “Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý”.

Trường hợp không trả nợ vay đúng hạn thì bên cho vay có thể khởi kiện ra tòa án để tòa thụ lý, xét xử. Nếu có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thì có thể làm đơn trình báo gửi cơ quan điều tra (có dấu hiệu bỏ trốn, sử dụng tài sản vay vào mục đích bất hợp pháp, dùng thủ đoạn gian dối…).

“Về phía bên đòi nợ, để đòi nợ đúng luật, chủ nợ tuyệt đối không được thực hiện một trong các hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần hoặc bắt giữ người vay trái pháp luật. Nếu hết thời hạn cho vay mà bên vay vẫn chưa trả nợ, chủ nợ có thể khởi kiện ra tòa hoặc gửi đơn tố giác đến cơ quan công an nếu bên vay có thủ đoạn gian dối cố tình chiếm đoạt số tiền vay”. – Luật sư Tiệp đưa ra lời khuyên.

Tư Viễn - Người Đưa Tin

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/chu-no-loay-hoay-tim-cach-doi-tien-tu-troi-minh-vao-luoi-phap-luat-a560955.html