Nhiều lao động nghèo sập bẫy tín dụng đen

Thời gian qua, trên địa bàn các quận, huyện thuộc TP.Cần Thơ, lực lượng chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền cũng như mở nhiều đợt tấn công, truy quét các đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi theo kiểu tín dụng đen. Tuy nhiên, trên thực tế, các đối tượng này vẫn lén lút hoạt động, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự ở địa phương.

Người nghèo sập bẫy khi dịch vụ cho vay săn đón khắp nơi 

Lợi dụng tình hình khó khăn do dịch Covid 19, các đối tượng cho vay tín dụng đen lén lút hoạt động khiến nhiều người lao động nghèo ở Cần Thơ “sập bẫy”. 

Bà Nguyễn T.V. (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) là một nạn nhân của vay tín dụng đen bức xúc kể: “Chồng tôi bệnh nặng phải chuyển viện điều trị. Không có tiền, tôi đi vay khắp xóm cũng chỉ được vài triệu đồng. Thấy trên cột điện có dán tờ giấy nội dung cho vay cùng số điện thoại đính kèm nên tôi đã gọi hỏi vay. Sau khi tôi đưa ra nhu cầu, không lâu sau đó, một thanh niên xăm trổ chở theo cô gái mang tiền tới nhà tôi. Họ coi giấy CMND, hộ khẩu và chụp hình nhà tôi rồi yêu cầu tôi ký tên vào tờ giấy vay 10 triệu đồng”.

C:\Users\Administrator.ICT-20210911LTB\Desktop\unnamed.jpg

Để tránh rủi ro, người dân hãy tìm đến các tổ chức tài chính được cấp phép (Ảnh minh họa)

Dù vay 10 triệu đồng nhưng bà V. thực nhận chỉ 8 triệu đồng vì phải đóng tiền “giấy tờ thủ tục” hết 1,2 triệu đồng, hoa hồng nhân viên 400.000 đồng và tiền góp cho lần đầu là 400.000 đồng.

“Theo hợp đồng, tôi phải trả góp mỗi ngày 500.000 đồng, trong vòng 60 ngày, nếu chậm 3 ngày thì quay lại đóng từ đầu. Vì chồng ốm, lại dịch bệnh nên tôi thường xuyên không trả đúng hẹn. Cuối cùng tổng cộng cả lãi lẫn gốc tôi phải trả 30 triệu đồng”, bà V. bức xúc nói. 

Cũng theo bà V., biết là dính bẫy “tín dụng đen”, nhưng vì xấu hổ, lại sợ rắc rối nên bà không báo công an mà cứ thế ầm thầm chịu đựng và trả nợ. Sau lần này bà V. nói sẽ không bao giờ dám vay tín dụng đen một lần nào nữa.

Cũng là nạn nhân của “tín dụng đen”, bà Trần Thị N. (ngụ phường Trường Lạc, quận Ô Môn) kể bà biết được thông cho vay qua một tờ rơi quảng cáo trên đường. “Tôi vay của họ 4 triệu đồng, trả góp 200.000 đồng/ngày trong 25 ngày và đóng phí hồ sơ là 400.000 đồng. Họ lấy trước tiền lãi 2 ngày và trừ phí hồ sơ, thực tế chỉ đưa cho tôi 3,2 triệu đồng”, bà N. kể.

Thấy bất ổn, bà N. đã tố giác sự việc trên tới Công an phường Trường Lạc. Công an phường đã vào cuộc và mời 2 đối tượng có dấu hiệu cho vay lãi nặng là Nguyễn Xuân Trường (sinh năm 1993) và Phạm Văn Toàn (sinh năm 1997, cùng ngụ xã Như Hòa, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) lên làm việc. 

Tại đây, hai đối tượng này đã khai nhận cho bà N. vay số tiền 4 triệu đồng. Ngoài ra, bọn chúng còn cho bà T., ngụ cùng địa phương (do bà N. giới thiệu) vay 3 triệu đồng, góp 150.000 đồng/ngày trong 25 ngày và 3 người khác ngoài địa phương vay với hình thức tương tự. Tính ra, lãi suất cho vay của bọn chúng tương đương 46%/tháng (552%/năm). 

Hiện nay, lực lượng Công an đang củng cố hồ sơ xử lý theo quy định pháp luật. Công an quận Ô Môn đề nghị ai là nạn nhân của các đối tượng trên, cần liên hệ ngay với Công an phường hoặc Ðội Cảnh sát hình sự, Công an quận Ô Môn để tiếp nhận, giải quyết theo quy định.

Cẩn thận chiêu bài “vay dễ, vay nhanh”

Thượng tá Nguyễn Phú Thương, Trưởng Công an quận Ô Môn (Cần Thơ) đề nghị người dân không nên vay tiền của các đối tượng, tổ chức hoạt động cho vay lãi nặng. Bởi thực tế lãi suất cho vay của bọn chúng rất cao, nếu con nợ chậm trả, các đối tượng sẽ có những hành động như chửi bới, đe dọa, uy hiếp tinh thần để bắt buộc trả theo yêu cầu của bọn chúng... Biến tướng của hình thức cho vay này đã tác động xấu đến nhiều cá nhân, gia đình và xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương.

Nói về vấn đề này, Luật sư Lê Gia Thọ (Văn phòng luật Thọ Gia & công sự cho biết): “Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng cho vay nặng lãi là ‘vay dễ, vay nhanh’, đặc biệt là không cần thế chấp tài sản, nên người vay không quan tâm đến các điều kiện ràng buộc khi vay. Các đối tượng này có chiêu thức phát tờ rơi trên các tuyến đường, khu công nghiệp, trường đại học hoặc nhắn tin qua điện thoại... với nội dung cho vay tiền thủ tục đơn giản, lãi suất thỏa thuận. 

Khi người vay đồng ý, các đối tượng làm hợp đồng có chữ ký của hai bên và thế chấp sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân/căn cước công dân, giấy đăng ký xe mô tô, bảo hiểm y tế... Các đối tượng xác định chính xác nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và tạm trú của người vay, mới lập hợp đồng cho vay, trong hợp đồng không ghi lãi suất mà chỉ ghi lãi suất do hai bên thỏa thuận để tránh việc xử lý của cơ quan điều tra về hành vi cho vay nặng lãi”.

Luật sư Thọ cũng đưa ra lời khuyên, người dân tuyệt đối không tham gia giao dịch vay tiền của các đối tượng hoạt động cầm đồ hay hỗ trợ tài chính, bởi lãi suất rất cao, thường theo hình thức “tín dụng đen” và người vay khó lòng trả nợ được. 

Khi xuất hiện tình trạng con nợ đến đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”, có hành vi đổ chất thải, đe doạ, đánh đập…, người dân cần báo lực lượng công an nơi gần nhất để có biện pháp hỗ trợ, giải quyết kịp thời. 

H.L - Người Đưa Tin

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nhieu-lao-dong-ngheo-sap-bay-tin-dung-den-a561305.html