Rơi cảnh trắng tay vì anh họ vay tiền nhưng chây ì không trả

Khi cho người anh họ vay tiền, chị Phương không nghĩ có ngày rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười: Tiền cho vay không lấy được còn mất luôn tình cảm anh em.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo, chị Nguyễn Thu Phương (tên nhân vật đã được thay đổi) sớm phải nghỉ học đi làm kiếm sống. Sau mấy năm làm công nhân ở Bình Dương, chị về quê vay tiền đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Nhờ chăm chỉ và tiết kiệm, sau 1 năm sang Nhật, chị Phương đã trả được hết nợ nần. Ba năm sau chị về nước mang theo số tiền tích cóp được là 400 triệu đồng.

Chị Phương định dùng số tiền này để sửa sang lại nhà cho bố mẹ và số tiền còn lại mở cửa hàng buôn bán. Nhưng vì rơi vào năm tuổi, mọi dự định đành hoãn lại, chị Phương tạm thời đi làm công nhân ở xưởng may gần nhà.

Trong thời gian đó, một người anh họ tìm đến hỏi vay chị Phương tiền để kinh doanh quán bia và hứa sang năm sẽ hoàn trả đủ để chị sửa nhà. Qua sự thuyết phục của bố mẹ, chị đồng ý cho người anh họ vay số tiền 400 triệu đồng. Nhưng sau đó vì dịch bệnh, làm ăn thua lỗ, quán bia đóng cửa, nên đến hạn mà người anh họ vẫn không có tiền trả chị Phương. Mỗi lần chị nhắc về khoản nợ đã đến hạn trả, người anh họ lấy lý do làm ăn không thuận lợi nên xin khất.

vayno1

Cho họ hàng vay tiền, tưởng đơn giản nhưng lại lắm tình cảnh trớ trêu (Ảnh minh họa)

Để đòi nợ, chị Phương đã đến nhà tìm thì mới hay tin anh họ đã bỏ lên thành phố làm việc. Chị Phương tiếp tục gọi điện, gây áp lực để anh họ trả tiền cho mình. Lúc này, người anh họ đã lớn tiếng đe dọa và tuyên bố “cạch mặt” chị với lý do “anh em có mấy đồng bạc mà đòi suốt ngày, vì khó khăn mới cần giúp chứ không thì cũng chẳng thèm nhờ vả”. Sau đó người anh họ chặn hết liên lạc với chị Phương.

Khi vay tiền thì ngọt nhạt, đến lúc yêu cầu trả nợ thì người anh họ quay ngoắt thái độ khiến chị Phương rơi vào tình cảnh trớ trêu vì vừa không đòi được nợ, lại còn bị chính người họ hàng sỉ vả.

Về trường hợp này, Luật sư Phạm Hồng Kiên - Giám đốc Công ty Luật Cán Cân Việt cho biết: “Đối với việc cho người thân vay tiền, được xác lập bằng mối quan hệ tình cảm và có tính chất họ hàng thậm chí là huyết thống nên người cho vay cũng đã biết rất rõ về điều kiện, hoàn cảnh và kinh tế của người vay thì nên xác định, lường trước được các tình huống khi đòi sẽ xảy ra. Thông thường khi cho vay họ không lập thành văn bản mà chỉ là nói miệng, tuy nhiên đây là không nên mà cần phải có giấy tờ vay mượn rõ ràng”.

vayno2

Luật sư Phạm Hồng Kiên (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội)

Trong trường hợp của chị Phương, nếu người anh họ thừa nhận có việc vay tiền và thỏa thuận về lãi như trên, nhưng đến hạn chưa trả thì chị Phương có quyền khởi kiện ra tòa án dân sự yêu cầu anh họ trả nợ. Để khởi kiện, chị Phương phải xem địa chỉ cư trú hiện tại của anh họ ở đâu thì nộp đơn lên tòa cấp huyện nơi bị đơn cư trú.

“Nếu người anh họ chối bỏ việc nợ tiền thì chị Phương có thể gửi đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự về tội ‘Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản’ lên viện kiểm sát và cơ quan công an điều tra cấp huyện nơi anh ta đang cư trú”, luật sư Kiên thông tin.

Cũng theo luật sư Kiên, đối với những trường hợp vay mượn như trên, người vay cũng phải biết ơn và nên khất nợ tử tế, biết dành dụm chi tiêu để trả nợ, tránh hiện tượng nợ nần đầm đìa mà vẫn ăn sung mặc sướng.

Theo Người Đưa Tin

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/roi-canh-trang-tay-vi-anh-ho-vay-tien-nhung-chay-i-khong-tra-a561690.html