Khi luật sư bị chính khách hàng “xù nợ”

Sau khi giúp đòi lại căn nhà tranh chấp, luật sư Bình bị khách hàng bất ngờ “trở mặt”, không thanh toán nốt số tiền 30 triệu đồng như thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý. Không những “bùng” tiền, người này còn thách thức luật sư khởi kiện, thậm chí còn thuê giang hồ hù dọa.

“Tai nạn nghề nghiệp”

Tư vấn, giúp khách hàng đòi lại số tiền đã cho vay hoặc tài sản tranh chấp, thế nhưng, đôi lúc những người làm luật cũng gặp “tai nạn nghề nghiệp” khi bị chính khách hàng “bùng tiền”.

Chia sẻ với PV, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Năm 2019, tôi nhận hợp đồng đòi tài sản là một căn nhà cho vị khách ở Quảng Ninh với giá 50 triệu đồng. Họ nói không có tiền nên ứng trước 20 triệu, khi nào giải quyết xong vụ việc sẽ thanh toán nốt. Vì nể thân chủ nên tôi đồng ý dù thực tế biết họ là người có kinh tế”.

Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật.

Theo luật sư Bình, sau khi ký hợp đồng, anh bắt tay ngay vào việc thu thập chứng cứ, tài liệu liên quan. Với sự vào cuộc gắt gao, chuyên nghiệp của luật sư, phía bị đơn biết không thể tranh chấp căn nhà trên với nguyên đơn nên chấp nhận trả lại nhà. Vụ việc được giải quyết nhanh chóng, ngoài sự mong đợi của gia đình thân chủ.

Tuy nhiên thay vì cảm ơn luật sư, thanh toán đầy đủ tiền phí như thỏa thuận trong hợp đồng, thì khách hàng “trở mặt”, “bùng” luôn số tiền còn lại. Người này còn thách thức luật sư khởi kiện và gọi giang hồ để hù doạ. 

Luật sư Bình hết sức ngỡ ngàng trước sự “trở mặt” của thân chủ. Tuy nhiên, vì bản thân là người gánh trên vai trọng trách bảo vệ công lý, hết mình vì thân chủ và sẽ không hay nếu tranh chấp với khách hàng nên anh đã bỏ qua số tiền này.

Để tránh “mất lòng trước, được lòng sau”

Theo quan điểm của luật sư Diệp Năng Bình, việc cho vay, giúp đỡ nhau trong cuộc sống thể hiện truyền thống tương thân, tương ái tốt đẹp của dân tộc ta từ trước tới nay và được pháp luật cho phép. 

Những người vay tiền đều thực hiện tốt việc trả nợ, trả đủ, trả đúng hạn, nhưng cũng có không ít trường hợp chây ỳ không trả, kể cả khi họ đang có tiền. “Có không ít những vụ án thương tâm xuất phát từ vấn đề mâu thuẫn trong việc đòi nợ. Để không ‘mất lòng trước, được lòng sau’, giữa các bên nên thể hiện việc cho vay, giao nhận tiền bằng văn bản hoặc các dữ liệu điện tử”, luật sư Bình nói.

Cũng theo luật sư, trong trường hợp không đòi được nợ thì người cho vay nên nhờ luật sư khởi kiện người vay ra tòa án có thẩm quyền để thu hồi nợ. Đây là biện pháp có tác động mạnh đến tâm lý người vay.

Một trong những ưu điểm của biện pháp này là luật sư của người cho vay trong quá trình tố tụng có thể cân nhắc việc yêu cầu tòa án thụ lý áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời mà pháp luật cho phép như: Niêm phong hay không cho chuyển dịch tài sản, phong tỏa tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp, con nợ hay cấm một số người trong ban quản trị của doanh nghiệp con nợ xuất cảnh… Những việc này sẽ tạo áp lực đáng kể lên người vay, đặc biệt là người vay vẫn đang hoạt động kinh doanh bình thường. 

Ưu điểm thứ hai là luật sư thường tính phí trên cơ sở cố định và phí thường không quá cao nên nếu số nợ khó đòi mà thu hồi được thì chi phí bỏ ra để thu hồi nợ chỉ ở mức độ vừa phải. 

Ưu điểm thứ ba là các luật sư thường hoạt động dưới hình thức các văn phòng luật sư/công ty luật nên có thể xuất hóa đơn GTGT, nên chi phí thuê luật sư có thể đưa vào chi phí hợp lý hợp lệ của chủ nợ. 

“Và ưu điểm sau cùng là luật sư là những người có kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp và tố tụng nên họ có thể nắm bắt nhanh chóng hồ sơ, tài liệu có liên quan, hiểu rõ bản chất sự việc, từ đó tiến hành khởi kiện con nợ, đòi lại quyền lợi chính đáng cho chủ nợ”, luật sư Bình cho hay.

Theo Người Đưa Tin

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/khi-luat-su-bi-chinh-khach-hang-xu-no-a561952.html