Mức xử phạt hành chính với hành vi làm thất thoát tiền, hàng cứu trợ

Ngày 6/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 03/2022/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; thủy lợi; đê điều.

Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai là 50 triệu đồng. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai và thủy lợi là 1 năm.

Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Nghị định 03/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi cố ý kê khai, báo cáo sai sự thật về thiệt hại do thiên tai gây ra. Biện pháp khắc phục hậu quả của hành vi này là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Sử dụng sai mục đích, làm thất thoát tiền, hàng cứu trợ, cứu trợ không đúng đối tượng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Chiếm đoạt hàng cứu trợ mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Thực hiện nhiệm vụ cứu trợ không kịp thời. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiếp tục thực hiện hoạt động cứu trợ do thực hiện các hành vi vi phạm.

Vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình phòng, chống thiên tai bị phạt đến đến 50 triệu đồng

Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi làm hư hỏng công trình kè, công trình chống sạt lở, công trình chống sụt lún đất, công trình chống lũ quét, công trình cảnh báo thiên tai gây thiệt hại dưới 100 triệu đồng.

Đối với hành vi xây dựng công trình xâm phạm công trình kè, công trình chống sạt lở, công trình chống sụt lún đất, công trình chống lũ quét, công trình cảnh báo thiên tai mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì mức phạt tiền thấp nhất là 3 triệu đồng và cao nhất là 50 triệu đồng tùy vào diện tích vi phạm.

Nghị định 03/2022/NĐ-CP cũng quy định mức phạt tiền thấp nhất là 3 triệu đồng và cao nhất là 50 triệu đồng đối với hành vi đổ đất, chất thải, để nguyên liệu, vật liệu, vật tư, phương tiện vào công trình kè, công trình chống sạt lở, công trình chống sụt lún đất, công trình chống lũ quét, công trình cảnh báo thiên tai.

Ngoài ra, phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng đối với một trong các hành vi lấn chiếm bãi sông, lòng sông, suối, kênh, rạch, bờ biển làm gia tăng rủi ro thiên tai mà không có biện pháp xử lý, khắc phục. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu

Phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về khai thác khoáng sản làm gia tăng rủi ro thiên tai như sau: Từ 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng đối với khai thác khoáng sản làm gia tăng rủi ro thiên tai mà không có biện pháp xử lý, khắc phục; Từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi khai thác khoáng sản gây sạt lở bờ sông, suối, kênh rạch, bờ biển. Hình thức xử phạt bổ sung của hành vi này là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm. Về biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/muc-xu-phat-hanh-chinh-voi-hanh-vi-lam-that-thoat-tien-hang-cuu-tro-a563161.html