Nỗi niềm của người lao động xa quê: “Tết này con không về”

Tết đến, Xuân về là thời điểm để mỗi người được trở về với gia đình để sum vầy. Thế nhưng, vì dịch Covid-19, nhiều người lại ngậm ngùi chọn ăn tết xa quê hương.

“Con hơn một tuổi vẫn chưa được về thăm ông bà”

“Thế năm nay có đưa cháu về ăn Tết không con?

 Vâng, để con tính đã mẹ ạ!”

Chị Phạm Hương Giang (29 tuổi, quê ở Quảng Ninh) nghẹn ngào nói với mẹ qua điện thoại. Hai vợ chồng chị Giang dự định sẽ không về quê đón Tết, nhưng đứng trước câu hỏi cùng sự ngóng trông của bố mẹ, chị không biết trả lời thế nào.

Những ngày cận Tết, chị càng cồn cào nhớ cảm giác được về quê ăn tết như ngày còn chưa lấy chồng. Chia sẻ với Người đưa tin chị kể, vì dịch bệnh nên năm nay chị chưa thể đưa con về quê thăm ông bà ngoại.

“Tôi cũng dự định Tết này về quê để ông bà được gặp mặt cháu. Nhưng, tình hình dịch căng thẳng quá, đường xá xa xôi mà con còn nhỏ, chưa được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 nên đi đâu cũng không yên tâm. Nếu có vấn đề gì phát sinh thì khổ cả con và ông bà ở quê nữa, nên cả hai vợ chồng quyết định ở lại Hà Nội đón Tết năm nay”, chị Giang tâm sự.

Chị Giang chia sẻ thêm, ở Quảng Ninh đã xuất hiện thêm nhiều ca nhiễm mới trong cộng đồng, tình hình dịch cũng diễn biến hết sức phức tạp. Nếu như kịch bản năm ngoái, tỉnh lập chốt chặn, cách ly và kiểm soát chặt chẽ người ra vào địa bàn, thì lỡ dở hết công việc của hai vợ chồng.

Dân sinh - Nỗi niềm của người lao động xa quê: “Tết này con không về”

Chị Giang chia sẻ với Người Đưa Tin về quyết định sẽ đón Tết tại Hà Nội. 

Mỗi lần gọi điện thoại, bố mẹ chị đều hỏi bao giờ thì đưa con về. Biết ông bà nhớ cháu, nhưng đối với vợ chồng chị Giang, an toàn sức khỏe của gia đình và người thân là ưu tiên được đặt lên hàng đầu. Nhìn đứa con tíu tít ê a với ông bà qua màn hình điện thoại, chị càng cảm thấy chạnh lòng.

“Đành đợi ra Giêng xem tình hình dịch bệnh có khả quan hơn không, thì khi đó chúng tôi sẽ về quê, coi như ăn Tết muộn. Dù rất muốn được về nhưng tôi cũng đành gác lại mong muốn đó vì tình hình dịch bệnh chung, cũng đành lỗi hẹn với người thân rằng “Tết này con không về”. Ai đang ở đâu thì ở yên đó để dịch bệnh không nghiêm trọng hơn”, chị Giang nói.

Không về quê vì... không có tiền

Một trường hợp khác là chị Nguyễn Thu Quỳnh (32 tuổi, quê Nam Định) cho biết, gia đình chị cũng quyết định ở lại Đồng Nai ăn Tết. Lý do chị đưa ra chỉ ngắn ngủi "Không về vì không có tiền”.

“Đại dịch Covid-19 khiến cả năm gia đình không tiết kiệm được mấy đồng, về quê là chi tiền, rồi nội ngoại quà cáp, chưa kể về quê có thể phải cách ly, nên thôi đành hẹn gia đình dịp khác”, chị Quỳnh nói.

Chị Quỳnh nhẩm tính, nếu 2 vợ chồng và 2 con nhỏ của chị di chuyển bằng máy bay từ Đồng Nai về Hà Nội, sau đó đi xe khách từ Hà Nội về Nam Định, thì tiền xe cũng phải ngốn mất hơn 5 triệu đồng. Rồi chi phí quà cáp biếu xén, lì xì hai bên gia đình nội ngoại, một cái Tết Nguyên Đán cũng mất ít nhất vài chục triệu đồng. Năm qua, vì dịch bệnh nên kiếm được tiền ít hơn, vì thế gia đình đành tạm gác lại niềm vui sum họp.

“Năm ngoái 2 vợ chồng cũng cố đưa con về quê để sum vầy cùng ông bà, nhưng năm nay mọi thứ khó khăn quá, mình cũng đành chấp nhận thôi”, chị Quỳnh xót xa.

Dân sinh - Nỗi niềm của người lao động xa quê: “Tết này con không về” (Hình 2).

Nhìn những cây đào, cây quất được để chuẩn bị đón xuân mà lòng của người con xa xứ thêm chạnh lòng.

Còn đối với Nguyễn Minh Châu (20 tuổi, quê Hà Tĩnh), dịp Tết này chính là cơ hội để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình trong thời kỳ dịch bệnh khó khăn.

Châu hiện đang là nhân viên tại một cửa hàng quà tặng và phụ kiện tại Hà Nội. Vì cửa hàng chỉ đóng cửa 2 ngày Tết rồi trở lại làm việc, quê lại xa nên Châu quyết định ở lại thành phố đón Tết với bạn cùng phòng.

“Lúc đầu nghe tôi bày tỏ nguyện vọng, bố mẹ không đồng ý và muốntôi về quê ăn Tết, nghỉ 5,6 ngày rồi hẵng lên Hà Nội làm việc. Nhưng thấy tôi cương quyết nên bố mẹ cũng xuôi lòng”, Châu kể.

Theo lời chia sẻ của Châu,dịch Covid-19 khiến gia đình Châu bị giảm thu nhập, bố chạy xe tải ngày làm ngày không, mẹ ở nhà buôn gánh bán bưng nên Châu hiểu rõ gánh nặng tài chính mà gia đình đang gặp phải. Làm việc vào dịp Tết được nhân 4 lần ngày lương, chưa kể được thưởng Tết, nên Châu quyết định ở lại kiếm thêm để đỡ đần gia đình.

Dân sinh - Nỗi niềm của người lao động xa quê: “Tết này con không về” (Hình 3).

Nhiều người đành tạm gác lại niềm vui sum họp, mong dịch bệnh chóng qua để có thể thoải mái về bên gia đình bất cứ lúc nào.

Tuy buồn vì không được bên gia đình vào thời điểm năm mới, nhưng đối với Châu đây là trải nghiệm đặc biệt để Châu càng trân trọng thêm những giây phút được ở bên gia đình và bố mẹ. “Tôi nghĩ mỗi người đều có một lựa chọn riêng, còn theo tôi thì cứ lúc nào về được bên gia đình, đoàn tụ với nhau trong những giờ phút ấm áp thì đó đã là Tết. Tôi mong sau Tết, dịch bệnh đỡ căng thẳng để có thể trở về với gia đình. Đồng thời, có một khoản tiền nhỏ để giúp bố mẹ phần nào, nghĩ đến đó là tôi đã cảm thấy hạnh phúc rồi”, Châu tâm sự.

Hiện, một số địa phương có thư ngỏ đề nghị người dân ở xa không về quê ăn Tết để đảm bảo an toàn phòng, chống Covid-19.

Thanh Hóa là địa phương đầu tiên ban hành quy định cách ly người về quê ăn Tết, đồng thời ra thư ngỏ khuyến cáo, vận động người dân làm ăn xa không về quê dịp Tết nếu không thật sự cần thiết.

Tỉnh Bắc Giang yêu cầu các doanh nghiệp tuyên truyền, vận động công nhân ở lại ăn Tết và làm việc trên tinh thần tự nguyện. Công đoàn các cấp phát huy vai trò phối hợp với doanh nghiệp chăm lo đời sống cho những lao động xa quê ở lại khu công nghiệp ăn Tết.

Tỉnh Quảng Nam đề nghị người dân vận động, tuyên truyền người thân đang sinh sống, làm việc ở nơi có dịch không trở về địa phương khi không thật sự cần thiết; kiểm soát chặt chẽ và yêu cầu người từ vùng đang có dịch trở về địa phương phải thực hiện nghiêm việc khai báo, theo dõi y tế, cách ly theo quy định.

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/noi-niem-cua-nguoi-lao-dong-xa-que-tet-nay-con-khong-ve-a563543.html