Mối nguy “viêm gan bí ẩn” và cách phòng ngừa cho trẻ

Bộ Y tế cho biết đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc nào nhưng khả năng ca bệnh viêm gan bí ẩn xâm nhập vào nước ta là rất cao. Vậy, các phụ huynh cần làm gì để bảo vệ trẻ trước bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này?

Phụ huynh băn khoăn lo bệnh mới

Thời gian qua, một vấn đề y tế đang là mối quan tâm toàn cầu, đó là bệnh viêm gan virus bí ẩn ở trẻ, khiến không ít phụ huynh, đặc biệt là phụ huynh có con nhỏ đang lo lắng.

Chị Nguyễn Nụ (một phụ huynh có con nhỏ tại Lào Cai) bày tỏ: “Nghe tin tức, thấy xuất hiện thêm bệnh lạ, tôi không khỏi lo lắng. Con tôi vừa bị Covid-19, mới khỏi được mấy tuần, nay lại nghe về một mối nguy mới, tuy chưa xuất hiện tại Việt Nam, nhưng chắc chắn tôi cũng không thể hoàn toàn yên tâm rằng con mình sẽ không bị”.

Cũng không giấu nổi nỗi lo lắng, chị Nguyễn Nguyệt (một phụ huynh có con nhỏ tại Vĩnh Phúc) chia sẻ: “Ở trên Facebook của tôi, trong tuần gần đây, xuất hiện khá nhiều các mẹ chia sẻ thông tin các con gặp phải các triệu chứng lạ như nôn trớ, đi ngoài, sốt mà không rõ nguyên nhân. Là một người mẹ có con nhỏ nên tôi khá lo lắng. Qua tìm hiểu, được biết đây là dịch giống như dịch rota ở trẻ nhỏ, nhưng chưa tìm ra nguyên nhân và phác đồ điều trị riêng.

Chưa hết, mới đây thông tin truyền thông có đưa tin về một bệnh lạ về gan ở trẻ em, lại càng khiến tôi lo lắng hơn. Vì các con còn nhỏ, những bạn nhỏ thì chưa thể nói được nên mỗi lần con ốm là rất vất vả cho con và bố mẹ, nhất là khi xuất hiện các bệnh lạ chưa từng có.

Về bệnh viêm gan theo tôi có tìm hiểu, một phần xuất phát từ thú cưng như chó, mèo. Nên tôi cố gắng hạn chế tiếp xúc, hạn chế cho con chơi đùa cùng vì hàng xóm cũng như các khu vui chơi công cộng đều xuất hiện nhiều thú cưng”.

276126877-4494023754030382-8524473358150900373-n-1652081537.jpg
Chị Nguyễn Nguyệt chia sẻ, các bậc phụ huynh cũng không nên quá hoang mang, hãy trở thành “bố mẹ thông thái” để phòng bệnh cho con. (Ảnh: NVCC).

“Mặt khác, theo tôi, các bậc phụ huynh cũng không nên quá hoang mang, hãy trở thành “bố mẹ thông thái” để phòng bệnh cho con.

Vì giao mùa là thời điểm thích hợp để vi khuẩn gây bệnh phát triển, vào thời điểm này, các bệnh viện nhi thường xuyên quá tải đa phần là các trẻ bị bệnh hô hấp.

Chính vì vậy, theo tôi, các mẹ có con nhỏ nên cho con đi tiêm phòng đủ liều vaccine viêm gan B và các vaccine về gan, bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất cho con, giữ gìn vệ sinh thân thể cho con sạch sẽ để tránh dịch bệnh. Ngoài ra nhà cửa cũng nên dọn dẹp thường xuyên, giữ nơi ở thông thoáng. Và quan trọng nhất là chế độ ăn uống sinh hoạt đầy đủ chất để cho con luôn khoẻ mạnh tránh được dịch bệnh” - chị Nguyễn Nguyệt cho hay.

Thực hư “bệnh lạ” và cách phụ huynh phòng bệnh cho con

Trao đổi với phóng viên, TS.BS Tạ Thanh Sơn (Tiến sĩ tại viện công nghệ dược sinh học, đại học Marburg, CHLB Đức) chỉ ra, các loại virus viêm gan A, B, C, D và E là những tác nhân được biết đến nhiều nhất gây ra bệnh viêm gan ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Mức độ nghiêm trọng, quá trình và sự lây truyền của bệnh viêm gan siêu vi phụ thuộc vào chủng loại virus gây bệnh. Viêm gan thường sẽ dẫn tới việc tăng nồng độ men gan.

Đây là một chỉ số quan trọng để chẩn đoán bệnh. Ngoài ra, bệnh viêm gan cũng có thể biểu hiện dưới dạng nôn mửa, tiêu chảy, sốt, khó chịu và vàng da.

Trong các trường hợp viêm gan cấp tính ở trẻ em được ghi nhận gần đây, các trường hợp lâm sàng cho thấy bệnh nhân có nồng độ men gan cao (aspartate transaminase (AST) hoặc alanine aminotransaminase (ALT) trên 500 IU/L). Các triệu chứng như sốt và hô hấp ít gặp hơn.

278659170-298832235770463-1040155094311067389-n-1652081140.png
TS.BS Tạ Thanh Sơn (Tiến sĩ tại viện công nghệ dược sinh học, đại học Marburg, CHLB Đức) chia sẻ về bệnh viêm gan bí ẩn. (Ảnh: FBNV). 

Viêm gan là một bệnh lý nguy hiểm, đặc biệt đối với trẻ em dưới 5 tuổi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, gần 10% trẻ em bị ảnh hưởng phải ghép gan do nhiễm bệnh viêm gan. Ít nhất 4 trẻ em đã chết vì viêm gan trong vài tuần qua. Nhiều trường hợp báo cáo các triệu chứng tiêu hóa bao gồm đau bụng, tiêu chảy và nôn mửa trước khi biểu hiện viêm gan cấp tính nặng.

Trước mối băn khoăn của một số phụ huynh về việc có thể có mối liên hệ với virus Corona hoặc tiêm chủng Covid-19 hay không, TS.BS Tạ Thanh Sơn thông tin: “WHO thông báo có nhiễm trùng kép ở gần 20 trong số 200 trường hợp được ghi nhận. Theo đó, những bệnh nhân bị ảnh hưởng dường như đã bị nhiễm cả virus Adeno và Corona.

Tuy nhiên, không có mối liên hệ nào giữa việc mắc bệnh với việc tiêm chủng Covid-19 vì những đứa trẻ bị ảnh hưởng đã không được tiêm phòng vào thời điểm bị bệnh. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác của các bệnh viêm gan mới vẫn chưa rõ ràng.

Một số chuyên gia và nhà khoa học phỏng đoán rằng đại dịch Covid-19 cũng có thể liên quan trực tiếp đến việc bùng phát các ca nhiễm bệnh gần đây. Hệ thống miễn dịch của trẻ em, đặc biệt là trong những năm đầu đời, đã bị suy yếu do giữ khoảng cách và các biện pháp phòng dịch khắc nghiệt.

Trong những năm này, việc hạn chế tiếp xúc khiến trẻ em tiếp xúc với ít virus và các loại mầm bệnh hơn, do đó không thể phát triển bất kỳ kháng thể tương ứng nào. Hiệu suất hoạt động của hệ thống miễn dịch qua đó cũng bị giảm đi đáng kể. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh khi trẻ nhỏ tiếp xúc với các mầm bệnh nguy hiểm”.

Đề cập đến những biện pháp phòng ngừa bệnh viêm gan mới, giúp phụ huynh phần nào yên tâm hơn, TS.BS Tạ Thanh Sơn cho biết: “Các bậc cha mẹ nên đặc biệt chú ý đến da và kết mạc của trẻ nếu chúng bị nhiễm virus đường tiêu hóa: Nếu da và kết mạc trở nên hơi vàng, nước tiểu sẫm màu hoặc phân trở nên nhạt hơn, bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhi khoa để thăm khám thêm.

Đặc biệt, vệ sinh cá nhân và rửa tay cho trẻ kỹ càng cũng có thể làm giảm nguy cơ nhiễm trùng. WHO khuyến cáo nên tiêm phòng virus loại B cho trẻ sơ sinh.

Lưu ý, chủng ngừa viêm gan A cũng được khuyến khích cho những người có nguy cơ cao và khách du lịch.

Ngoài ra, WHO vẫn chưa khuyến nghị bất kỳ hạn chế nào đối với việc đi lại đối với Vương quốc Anh, hoặc bất kỳ quốc gia nào khác nơi đã có trường hợp bệnh nhân được ghi nhận”.

Khả năng viêm gan bí ẩn vào Việt Nam là rất cao

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh (Chuyên gia dịch tễ học, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, bệnh viện Nhi đồng I, TP.Hồ Chí Minh), khả năng virus gây viêm gan bí ẩn vào Việt Nam là hoàn toàn có thể, do đó, cần cảnh giác, phát hiện bệnh sớm để điều trị, không nên quá hoang mang, cần giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ sạch sẽ.

Nếu theo đúng dự đoán của các chuyên gia, thì nguyên nhân gây bệnh do Adenovirus, bởi chúng được tìm thấy ở nhiều trẻ mắc bệnh viêm gan bí ẩn. Nhưng không phải là tất cả trẻ đều nhiễm Adenovirus. Adenovirus lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với các giọt bắn đường hô hấp hoặc bề mặt đồ vật có dính virus. Độ tuổi bị ảnh hưởng là trẻ từ một tháng tuổi đến 16 tuổi.

“Khả năng virus vào Việt Nam là rất cao và khó tránh khỏi. Trong đó, đa số bệnh nhi là trẻ từ 10 tuổi trở xuống. Mà theo tôi, khả năng bệnh vào Việt Nam rồi nhưng triệu chứng chưa đặc hiệu và chưa được báo cáo đầy đủ. Do đó, các bác sĩ, nhân viên y tế cần cảnh giác để phát hiện và báo cáo ca bệnh, cập nhật thông tin trên thế giới cha mẹ theo dõi triệu chứng ở trẻ, đặc biệt là vàng da vàng mắt, giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ” - bác sĩ Trương Hữu Khanh thông tin.

capture-1652081236.JPG
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, khả năng viêm gan bí ẩn vào Việt Nam là rất cao.

“Đặc biệt lưu ý, không tự ý uống thuốc và tránh quá liều” - đây là khuyến cáo mà bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh - “Vì không biết mầm bệnh đã tấn công gan của trẻ chưa nhưng việc sử dụng thuốc quá mức sẽ khiến cho gan của bé bị suy, ảnh hưởng trầm trọng”.

Trước diễn biến gia tăng các trường hợp trẻ mắc bệnh viêm gan cấp tính bí ẩn, mặc dù đến nay Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh nào, chiều ngày 8/5, bộ Y tế cho biết đã tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát, đề nghị các đơn vị theo dõi chặt chẽ, tổng hợp tình hình, phân tích dịch tễ bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân trên thế giới. Bộ cũng đề nghị các đơn vị phối hợp với địa phương phân tích trường hợp nghi ngờ viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân và báo cáo ngay những ca bệnh bất thường, đồng thời đánh giá nguy cơ, đề xuất các biện pháp phòng, chống tại Việt Nam.

Nguyên nhân gây ra bệnh viêm gan cấp tính ở trẻ em là gì?

Theo TS.BS Tạ Thanh Sơn, viêm gan cũng có thể lây truyền qua thức ăn hoặc nước uống bị ô nhiễm. Tuy nhiên, có thể loại trừ khả năng trẻ mắc viêm gan do thực phẩm bị ô nhiễm. Theo ghi nhận của WHO, có rất nhiều bệnh nhân là trẻ em từ các nhóm tuổi khác nhau. Do đó chế độ dinh dưỡng của trẻ cũng sẽ rất khác biệt để phù hợp với từng độ tuổi phát triển. Một loại thực phẩm bị ô nhiễm khó có thể là nguyên nhân gây ra bệnh cho nhiều trẻ ở các nhóm tuổi khác nhau như vậy.

Các xét nghiệm hiện tại trong phòng thí nghiệm cho thấy nguyên nhân gây bệnh không phải virus viêm gan loại A đến E như thông thường. Thay vào đó, virus Adeno loại 41 được phát hiện ở 75% trẻ em bị bệnh ở Anh. Virus Adeno cũng được biết đến là nguyên nhân gây ra các triệu chứng cảm nhẹ và nhiễm trùng đường tiêu hóa. Các biến chứng nghiêm trọng của viêm gan, có thể dẫn đến suy gan, không điển hình với nhiễm trùng virus Adeno. Những hậu quả nghiêm trọng như viêm gan cấp tính thường chỉ gặp ở những người có hệ thống miễn dịch đặc biệt yếu. Virus Adeno trước đây không được xem là nguyên nhân gây ra bệnh viêm gan ở trẻ em khỏe mạnh.

Giả thuyết hàng đầu hiện nay về căn nguyên của bệnh viêm gan cấp tính là xuất hiện đồng yếu tố gây ra nhiễm trùng nặng hơn hoặc tổn thương gan ở trẻ em bị nhiễm virus Adeno. Các đồng yếu tố có thể là:

- Do tăng tính nhạy cảm, do trước đó không tiếp xúc với virus Adeno trong đại dịch;

- Nhiễm Sars-CoV-2 trước đó hoặc các bệnh nhiễm trùng khác;

- Đồng nhiễm Sars-CoV-2 hoặc một bệnh nhiễm trùng khác;

- Tiếp xúc với chất độc, thuốc hoặc môi trường.

Các giả thuyết khác được coi là ít có khả năng xảy ra hơn bao gồm khả năng có một biến thể virus Adeno mới hoặc mầm bệnh mới khác.

Cho đến nay, không có yếu tố nguy cơ dịch tễ học rõ ràng nào khác được xác định. Nguyên nhân chính xác của các trường hợp bí ẩn của bệnh viêm gan ở trẻ em vẫn đang được nghiên cứu.

Tuệ Linh

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/moi-nguy-viem-gan-bi-an-va-cach-phong-ngua-cho-tre-a565715.html