La Nina khiến mùa hè năm nay không nắng nóng gay gắt, mùa đông đến sớm

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định do hiện tượng La Nina, nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng không gay gắt, không kéo dài như năm 2021.

VTV đưa tin, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia chiều 13/5 phát hành bản tin cập nhật về hiện tượng ENSO và nhận định xu thế khí tượng thủy văn từ tháng 6 đến tháng 11/2022. Theo đó, dự báo ENSO có khả năng tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina từ nay đến các tháng đầu mùa đông năm 2022, xác suất khoảng 55-65%.

Bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) từ tháng 5-7/2022, có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN), sau đó từ tháng 8-11/2022 có xu hướng ở mức xấp xỉ so với TBNN.

Từ nay đến cuối năm 2022, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng 10-12 cơn bão và ATNĐ, trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta khoảng từ 4-6 cơn, thấp hơn đến xấp xỉ so với TBNN (TBNN khoảng từ 12-14 cơn, ảnh hưởng trực tiếp khoảng từ 5-7 cơn). Đề phòng bão xảy ra dồn dập và có cường độ mạnh trong những tháng cuối năm.

Trong các tháng mùa mưa bão, lượng mưa tại Bắc Bộ có xu hướng cao hơn TBNN từ tháng 7-9/2022. Trái lại, tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ lượng mưa có xu hướng thiếu hụt so với TBNN từ tháng 6-9/2022.

Từ khoảng tháng 10-11/2022, khu vực ven biển Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ lượng mưa có xu hướng gia tăng. Cảnh báo nguy cơ xảy ra mưa, lũ dồn dập tại các tỉnh miền Trung trong tháng 10-11/2022. Ngoài ra, cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc.

la nina khien mua he nam nay khong nang nong gay gat mua dong den som 01

Mùa hè năm nay sẽ không có nắng nóng gay gắt. Ảnh minh họa

Theo Tri thức trực tuyến, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo trong các tháng mưa bão của miền Bắc (tháng 7-9), lượng mưa có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm. Nắng nóng tại khu vực khả năng không gay gắt và kéo dài như năm 2021. Không khí lạnh có thể hoạt động sớm trong khoảng tháng 10 và 11.

Trong khi đó, Tây Nguyên và Nam Bộ được dự báo ghi nhận lượng mưa thiếu hụt trong các tháng mùa mưa năm nay. Từ khoảng tháng 10, khu vực ven biển Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có xu hướng gia tăng lượng mưa.

Những ngày tới, miền Bắc đón một đợt không khí lạnh dù đã vào giữa tháng 5. Ngày 15/5, hình thái này ảnh hưởng đến khu vực vùng núi phía bắc, sau đó mở rộng ra những nơi khác ở đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ.

Từ đêm 14 đến hết ngày 15/5, vùng núi và trung du Bắc Bộ tiếp diễn mưa lớn với lượng phổ biến 50-100 mm/đợt, có nơi trên 120 mm. Đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa duy trì lượng mưa 40-70 mm/ngày, tập trung về đêm và sáng sớm.

Đầu tuần tới, thời tiết Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ chuyển mát khi đồng bằng ghi nhận mức nhiệt thấp nhất 20-22 độ C, vùng núi chuyển lạnh 17-19 độ C. Mưa dông kèm nền nhiệt giảm khiến thời tiết khu vực diễn biến xấu.

Tại Hà Nội, người dân đón hai ngày cuối tuần với thời tiết nhiều mây, âm u. Từ đêm 15/5, khu vực chuyển mát với nhiệt độ 20-22 độ C. Người dân đề phòng nguy cơ mưa rào và dông xuất hiện kèm theo lốc, sét, mưa đá, gió giật.

Trên biển, từ chiều tối 15/5, vịnh Bắc Bộ có gió chuyển hướng Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Ngày 16/5, khu vực bắc Biển Đông và vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8. Sóng cao 2-4 m.

Hoa Vũ (T/h)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/la-nina-khien-mua-he-nam-nay-khong-nang-nong-gay-gat-mua-dong-den-som-a565948.html