Phía sau những tình yêu 'kiểm soát'

Ana không nghĩ rằng mối quan hệ của cô và bạn trai sẽ thay đổi sau khi hai người chính thức quen nhau. Bạn trai của Ana muốn xem cả hai như một...

Anh ấy muốn cô cũng thích món ăn anh thích, cảm thấy như đang tranh luận với chính mình khi cả hai cãi nhau và khăng khăng muốn nói chuyện điện thoại với cô nhiều giờ liền dù sống cách đó chỉ hai dãy nhà. Ana dần nhận ra rằng cô đang ở trong một mối quan hệ quá ngạt thở.

Theo bác sĩ Era Dutta, các mối quan hệ "không ranh giới" khiến cả hai không có không gian riêng và cuối cùng có thể khiến một trong hai phải làm điều họ không thích. Vị bác sĩ này cho biết, thời gian đầu của mối quan hệ này sẽ khiến người ta cảm thấy được nửa kia vô cùng yêu thương đến khi bản chất thật của nó được thể hiện.

"Trong một số trường hợp, việc cha mẹ kiểm soát quá mức mọi điều trong cuộc của con cái khiến chúng chịu không ít ảnh hưởng. Ngay cả khi đứa trẻ đã sẵn sàng bước vào đời, cha mẹ lại gieo rắc cho chúng nỗi sợ hãi về những người xa lạ hay sự nghi ngờ. Luôn cẩn trọng về mọi thứ đã xoáy sâu vào nhận thức về mối quan hệ của con trẻ và khiến chúng hình thành ý niệm riêng về một mối quan hệ tình cảm thực sự", bác sĩ Dutta cho biết.

Một nghiên cứu kéo dài hai năm với trẻ mẫu giáo và cha mẹ/người giám hộ của Viện Y tế Quốc gia Mỹ đã tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa các mối quan hệ trong gia đình và cách thức trẻ giao tiếp với thế giới bên ngoài. Nghiên cứu kết luận rằng trẻ ở những gia đình bị kiểm soát thái quá có thể gia tăng các vấn đề về rối loạn hành vi giao tiếp.

Khi bản thân không có quyền tự quyết

Với Shivani, giám đốc quan hệ công chúng 24 tuổi, mối quan hệ đầy kiểm soát của bạn trai có mối liên hệ chặt chẽ với cha mẹ anh. Người yêu cũ là mối tình đầu của Shivani trong những năm đầu đại học. Cô chấp nhận quan niệm của bạn trai, người cho rằng tình yêu đích thực là gọi điện cho nhau 5 lần một ngày, luôn cập nhật cho người kia về mọi động thái và ưu tiên đối phương hơn những việc khác - ngay cả khi điều đó tạo ra khoảng cách với bạn bè hoặc gia đình.

Mọi chuyện đạt đến đỉnh điểm khi Shivani bị bạn trai cưỡng hôn tại một sự kiện ở trường đại học. Giống như Ana, Shivani cũng không có bất kỳ quyền tự quyết cho những mong muốn của chính mình. "Sau đó, tôi và người bạn thân nhất cùng ngồi xuống, cô ấy nói với tôi rằng đây không phải là tình yêu", Shivani nói.

Khi Shivani chất vấn bạn trai về hành vi của anh, cô nhận ra rằng anh thiếu hỗ trợ về mặt tinh thần trong quá trình trưởng thành. Anh rất thân thiết với mẹ nhưng thay vì là chỗ dựa cho con, bà lại là người phụ thuộc vào anh để được an ủi và yêu thương. Cuối cùng Shivani lựa chọn chia tay.

Lối thoát

Cũng theo bác sĩ Dutta, mọi người cần có bạn bè bên cạnh khi yêu đương vì họ có thể giúp người trong cuộc nhận ra các mối quan hệ độc hại. Một dấu hiệu khác để nhận ra bản thân đang trong mối quan hệ quá kiểm soát là bị phụ thuộc vào bạn trai/gái, phải thích những gì người kia thích…

Chuyên gia tâm lý Pallavi Barnwal gợi ý rằng, trong trường hợp cá nhân cảm thấy không thể tiếp tục một mối quan hệ, bước đầu tiên để điều chỉnh hoặc ngăn chặn nó là tìm hiểu xem bản thân có thật sự muốn ở bên người đó hay không. Mọi người cần tự ngẫm liệu mối quan hệ này được duy trì là dựa trên tình yêu và nỗ lực gắn kết không ngừng hay chỉ gắn bó với người kia như một thói quen và vì sợ cô đơn.

Nếu đã xác nhận mối quan hệ là tiêu cực, Barnwal khuyến khích nên tìm những cách mới hơn để làm phong phú cuộc sống của bản thân như dành nhiều thời gian hơn cho cha mẹ, đọc sách, phát triển những sở thích mới hoặc nhận nuôi thú cưng, mở rộng phạm vi cuộc sống của mình ngoài các mối quan hệ và những người khiến bản thân kiệt quệ.

Nguồn: Vice

Kim Ngọc

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/phia-sau-nhung-tinh-yeu-kiem-soat-a566025.html