Đánh bạc có bị đi tù không?

Tình huống pháp lý: Chào Luật sư, tôi vừa bị Công an bắt vì nhắn tin mua số lô, đề với tổng số tiền 6,5 triệu đồng. Luật sư cho tôi hỏi tội của tôi sẽ bị xử mức án như thế nào? Và tôi có thể xin được hưởng án treo hay không. Trước đây tôi chưa có tiền án, tiền sự gì? Tôi xin cảm ơn.

Trả lời:

Cảm ơn Quý Khách đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật FDVN, sau khi tìm hiểu, nghiên cứu các quy định pháp luật, chúng tôi có những thông tin trao đổi như sau:

1. Thực hiện hành vi đánh bạc nếu có các dấu hiệu pháp luật quy định dưới đây thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đánh bạc theo Điều 321Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.

Cụ thể Điều luật này quy định như sau:

 “Điều 321: Tội đánh bạc

1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;

c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”

Do vậy, tùy theo hành vi, tính chất, mức độ vi phạm mà sau quá trình điều tra, xác minh xác định hành vi của Qúy Khách có phạm tội đánh bạc hay không? và nếu phạm tội thì ở mức khung hình phạt nào?

2. Về điều kiện để được hưởng án treo, căn cứ quy định tại Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 và Điều 2, Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có quy định như sau:

Người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:

Điều kiện 1: Bị xử phạt tù không quá 03 năm

Điều kiện 2: Có nhân thân tốt.

Được coi là có nhân thân tốt nếu ngoài lần phạm tội này, người phạm tội luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc.

Đối với người đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích, người bị kết án nhưng đã được xóa án tích, người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 06 tháng, nếu xét thấy tính chất, mức độ của tội phạm mới được thực hiện thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo.

Điều kiện 3: Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

Trường hợp có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.

Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự, trong đó có một số tình tiết Qúy Khách có thể thực hiện để được áp dụng như: Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn; Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án; Người phạm tội đã lập công chuộc tội; Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác; Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ…

Điều kiện 04: Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.

Nơi cư trú rõ ràng là nơi tạm trú hoặc thường trú có địa chỉ được xác định cụ thể theo quy định của Luật Cư trú mà người được hưởng án treo về cư trú, sinh sống thường xuyên sau khi được hưởng án treo.

Nơi làm việc ổn định là nơi người phạm tội làm việc có thời hạn từ 01 năm trở lên theo hợp đồng lao động hoặc theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Điều kiện số 05: Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Quý Khách có thể đối chiếu các quy định pháp luật được trích dẫn nêu trên xem xét cho trường hợp của mình để sớm có phương án, định hướng bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Trên đây là ý kiến tư vấn của FDVN liên quan đến yêu cầu tư vấn của Quý Khách trên cở sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của FDVN sẽ hữu ích cho Quý Khách.

Theo Phạm Cao Linh – Công ty Luật FDVN

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/danh-bac-co-bi-di-tu-khong-a566145.html