Quản lý thị trường TP.HCM: Kiểm tra đâu lòi sai phạm đến đó

Trong 6 tháng đầu năm, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM đã phát hiện 1.418 vụ vi phạm trong lĩnh vực QLTT như: Hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hết hạn sử dụng… Như vậy, bình quân mỗi ngày tại TP.HCM có 8 vụ vi phạm bị QLTT phát hiện.

Cục QLTT TP.HCM, cho biết: Tổng số vụ đã kiểm tra trong 6 tháng đầu năm là 8.929 vụ. Trong đó chuyên ngành kiểm tra 1.665 vụ, phát hiện 1.224 vụ vi phạm; Liên ngành kiểm tra 7.264 vụ và phát hiện 194 vụ vi phạm.

Mỗi ngày có 8 vụ vi phạm bị phát hiện

Ông Trương Văn Ba - Cục trưởng Cục QLTT TP.HCM cho biết: Nửa đầu năm nay, Cục QLTT TP.HCM đã tiến hành kiểm tra chuyên ngành 1.665 vụ, phát hiện 1.224 vụ vi phạm. Trong đó có: 57 trường hợp vi phạm kinh doanh hàng cấm; 299 trường hợp kinh doanh hàng lậu; 363 trường hợp vi phạm lĩnh vực hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; 51 trường hợp vi phạm quy định về giá; 178 trường hợp vi phạm trong kinh doanh; 53 vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm và 516 vi phạm khác.

Lực lượng QLTT TP.HCM đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 5 vụ: 1 vụ kinh doanh thuốc lá nhập lậu và 4 vụ sản xuất kinh doanh hàng giả.

Lực lượng QLTT TP.HCM kiểm tra hàng hóa tại chợ Bến Thành.

Những mặt hàng bị phát hiện vi phạm QLTT phần lớn là những mặt hàng nhu cầu xã hội đang cần nhiều hoặc bị cấm. Đối với những loại mặt hàng hàng này, lực lượng QLTT TP.HCM khi tiến hành kiểm tra là phát hiện ra sai sai phạm.

Điển hình như: Thuốc lá điếu kiểm tra 77 vụ có 57 vụ vi phạm với 25.518 bao thuốc lá điếu nhập lậu là hàng cấm và 15.800 bao thuốc lá điện tử nhập lậu; Mỹ phẩm kiểm tra 62 vụ có 59 vụ vi phạm với 69.821 đơn vị sản phẩm không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc; Dược phẩm kiểm tra 35 vụ có 28 vụ vi phạm với 26.919 đơn vị sản phẩm không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc; Thực phẩm chức năng kiểm tra 16 vụ có 15 vụ vi phạm với 7.434 đơn vị sản phẩm không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc… Lĩnh vực hóa chất kiểm tra 21 vụ có 20 vụ vi phạm…

Đặc biệt trong đợt dịch Covid-19, lực lượng QLTT TP.HCM đã kiểm tra 110 vụ liên quan đến khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn. Tạm giữ hơn 3 triệu chiếc khẩu trang, 12.000 khẩu trang bán thành phẩm và nguyên liệu, dụng cụ sản xuất khẩu trang, tạm giữ 7.115 đơn vị sản phẩm nước rửa tay.

Những "cuốc" hàng lậu tiền tỷ

Theo tài liệu, cuối tháng 12/2019, tại đường Phan Thúc Duyện (Q.Tân Bình), Đội QLTT số 2 tiến hành khám xét 2 xe ô tô tải mang biển kiểm soát 51C-169.76 do ông Bùi Công Luận làm tài xế và xe ô tô tải biển kiểm soát 51D-267.60 do ông Hà Quốc Khánh làm tài xế. Tại thời điểm khám xét, trên xe vận chuyển hơn 10.073 đơn vị sản phẩm thực phẩm chức năng trị giá khoảng 4,1 tỷ đồng và các loại vật dụng, thực phẩm khác: dày dép, rượu, thuốc tân dược… trị giá khoảng 1,4 tỷ đồng. Đội đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng trên để xử lý.

Ngày 20/2, Đội QLTT số 3 cùng Phòng Cảnh sát kinh tế (PC 03) – Công an TP.HCM tiến hành khám xét ô tô mang biển số 73A – 079.19 trên đường Lê Văn Quới (Q.Bình Tân). Trên xe đang vận chuyển 496 điện thoại di dộng hiệu iPhone đã qua sử dụng với trị giá hơn 3,5 tỷ đồng không có hóa đơn chứng từ do ông Lê Văn Hải làm chủ hàng.

Lực lượng QLTT TP.HCM kiểm tra hàng hóa ghi có dấu hiệu làm giả tại quận 12.

Mới đây, ngày 2/6, Đội QLTT số 14 kiểm tra kho chứa hàng tại địa chỉ 727 Âu Cơ (Q.Tân Phú) do ông Tằng A Quyền làm chủ. Tại đây đang chứa trữ kinh doanh giày dép do Trung Quốc sản xuất gồm 63.845 đôi dép nhựa gắn logo có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Nike, Adidas, Louis Vuitton, Chanel và 22.320 đôi dép nhựa có hiệu không có hóa đơn chứng tù. Trị giá vi phạm ước tính 1 tỷ đồng.

Gần đây nhất, ngày 11/6, Đội QLTT số 2 đã tiến hành kiểm tra kho hàng của Công ty CP Hùng Vương tại nhiều địa điểm ở các quận 11, quận 5 đã phát hiện hơn 2,2 triệu đơn vị sản phẩm búa, kiềm cưa tay, đũa; 44.064 kg đai ốc, vít các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Mới đây nhất, trong 2 ngày 11-12/6, các đội thành viên của lực lượng QLTT TP.HCM đã tiến hành kiểm tra kho hàng của Công ty CP nhựa Rạng Đông (Q.11) đã phát hiện hàng trăm nghìn đơn vị sản phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu giả mạo… do các đơn vị khác thuê địa điểm gửi hàng. Tại kho hàng số 36 do bà Nguyễn Hồng Hảo và 41 do ông Mai Văn Chiến làm chủ đã phát hiện 13.660 đơn vị sản phẩm kem đánh răng các loại, 1.570 con búp bê không có hóa đơn chứng từ; Kiểm tra kho số 22 do bà Nguyễn Thị Mỹ Duyên làm chủ phát hiện 1.032 đơn vị sản phẩm gồm: lọc gió, bơm xăng, dây bơm xăng, đĩa thắng, nhông đồng… có dấu hiệu làm giả nhãn hiệu Honda…