Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2021 dự kiến thay đổi những gì?

Theo dự thảo thông tư sửa đổi bổ sung một số điều trong Quy chế thi tốt nghiệp THPT mà bộ GD&ĐT vừa công bố, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 về cơ bản vẫn giữ ổn định như năm 2020.

Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2021 dự kiến thay đổi những gì? - Ảnh 1

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT. Ảnh minh họa

Mới đây, bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT.

Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 về cơ bản vẫn giữ ổn định như năm ngoái, tổ chức nhẹ nhàng, giao cho địa phương chịu trách nhiệm hoàn toàn.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 dự kiến diễn ra trong 2 ngày với 5 bài thi, gồm: 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ); 1 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc 1 bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội (gồm các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Nội dung thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12. Về hình thức thi, chỉ có bài thi môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, còn lại đều thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.

Năm 2021, đối với đề thi trắc nghiệm, bộ GD&ĐT dự kiến quy định cụ thể quy trình xây dựng đề như sau:

Thư ký sẽ dùng phần mềm rút ngẫu nhiên các câu trắc nghiệm từ ngân hàng câu hỏi thi để chuyển cho các tổ trưởng ra đề thi (có sự chứng kiến của chủ tịch hội đồng ra đề thi và các tổ trưởng ra đề thi).

Tổ trưởng ra đề thi phân công các thành viên trong tổ thẩm định từng câu trắc nghiệm. Tất cả các thành viên cùng thảo luận, lần lượt tinh chỉnh từng câu trắc nghiệm và tổ hợp thành đề thi theo đúng yêu cầu về nội dung; sau đó, tất cả thành viên cùng ký tên vào các đề thi và trình chủ tịch hội đồng ra đề thi.

Sau khi đề thi được chủ tịch hội đồng ra đề thi phê duyệt, thư ký sẽ thực hiện trộn đề thi thành nhiều mã đề thi khác nhau. Tất cả thành viên của tổ ra đề thi sẽ rà soát từng mã đề thi, đáp án và cùng ký tên vào từng mã đề thi đó.

Điểm mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 tập trung ở khâu coi thi. Dự thảo quy chế quy định, thành phần Hội đồng thi bao gồm Chủ tịch là Giám đốc sở GD&ĐT (hoặc là Phó Giám đốc sở GD&ĐT trong trường hợp đặc biệt).

Bên cạnh đó, bộ GD&ĐT cũng có những sửa đổi trong khâu chấm thi, trong đó yêu cầu tổ chức chấm chung ít nhất 10 bài thi tự luận đối với những hội đồng thi có từ 30.000 thí sinh thí sinh trở lên.

Cụ thể, trưởng môn chấm thi có thể triển khai việc chấm chung theo từng tổ chấm thi hoặc nhóm tổ chấm thi. Việc thực hiện quy trình chấm 2 vòng độc lập phải bố trí ở 2 phòng chấm độc lập.

Dự thảo cũng bổ sung thêm những lỗi dẫn tới việc bị đình chỉ thi. Theo đó, những thí sinh không tuân thủ hướng dẫn của cán bộ giám sát hoặc người quản lý phòng chờ khi di chuyển về phòng chờ và trong thời gian ở phòng chờ cũng bị đình chỉ thi.

Ngoài ra, bộ GD&ĐT đã sửa đổi, bổ sung vào quy định Xử lý thí sinh vi phạm Quy chế thi.

Theo đó, đối với các thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau sẽ bị đình chỉ thi:

Đã bị cảnh cáo một lần nhưng trong giờ thi bài thi đó vẫn tiếp tục vi phạm quy chế thi ở mức khiển trách hoặc cảnh cáo; mang vật dụng trái phép theo quy định tại Điều 14 Quy chế này vào phòng thi/phòng chờ và khi di chuyển giữa phòng thi và phòng chờ; đưa đề thi ra ngoài phòng thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi; viết, vẽ vào tờ giấy làm bài thi của mình những nội dung không liên quan đến bài thi; có hành động gây gổ, đe dọa những người có trách nhiệm trong kỳ thi hay đe dọa thí sinh khác.