Sáng 13/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)

Họp phiên toàn thể tại Hội trường sáng 13/11, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) hiện được xây dựng với bố cục gồm 8 chương, 69 điều, quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy.

Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy. Quá trình triển khai thi hành Luật đã thu được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực phòng, chống ma túy.

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập; một số quy định của Luật Phòng, chống ma túy hiện hành không thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính mới được ban hành… do vậy đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống ma túy.

Bên cạnh đó, do sự thay đổi tình hình, một số quan hệ xã hội mới xuất hiện liên quan đến công tác phòng, chống ma túy nhưng chưa có quy định của luật để điều chỉnh.

Ngày 16/8/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 36-CT/TW về “Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy” trong đó xác định “sớm sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản pháp luật khác có liên quan theo hướng đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn công tác phòng, chống ma túy, có chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy…”.

Xuất phát từ những lý do nêu trên, việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy hiện hành là cần thiết.

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). 

Thảo luận tại Hội trường, khẳng định sự cần thiết xây dựng và ban hành luật, ý kiến các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) phải nhằm nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy và khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008); phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy.

Đồng thời, nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi luật phải bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; phù hợp với thông lệ và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Về những vấn đề cụ thể, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị cần có quy định rõ hơn trong dự án luật về trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái trong công tác phòng chống ma túy. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét lại mô hình cai nghiện tại nhà vì đã xảy ra nhiều vụ việc rất nguy hiểm khi người nghiện lên cơn, ngáo đá, không kiểm soát được hành vi đã hành hung, đâm chém chính người thân của mình. “Tôi cho rằng, cần phát huy mô hình cai nghiện tại trung tâm, đây là mô hình cai nghiện an toàn và hiệu quả”, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nêu vấn đề.

Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) thì cho rằng, cần đa dạng hóa các loại hình cai nghiện để người cai nghiện và gia đình của người cai nghiện có nhiều sự lựa chọn và cảm thấy thoải mái, qua đó mang lại hiệu quả cai nghiện. Đồng thời, đại biểu cũng nhấn mạnh, đây là dự án Luật về phòng, chống ma túy, tuy nhiên các quy định chủ yếu chỉ là chống, đây mới chỉ là phần ngọn, trong khi nội dung về đề phòng còn ít. Vì vậy, dự án luật cần tăng cường nội hàm các quy định về phòng ngừa ma túy.

Lo ngại về tình trạng tái nghiện hiện nay tỉ lệ rất lớn, Đại biểu Huỳnh Cao Nhất (Bình Định) đề nghị dự án Luật cần có giải pháp hỗ trợ, quản lý, giám sát sau cai nghiện một cách hiệu quả hơn; đặc biệt cần có những hỗ trợ về sinh kế cho người sau cai nghiện cũng như những biện pháp để người sau cai nghiện dễ dàng tái hòa nhập với cộng đồng.

Đại biểu Mùa A Vàng (Điện Biện) đề nghị dự án luật có chế tài xử lý nghiêm khắc hơn nữa đối với các đối tượng có các hành vi thuê người khác vận chuyển ma túy. “Thực tế cho thấy, có rất nhiều đối tượng đã lợi dụng những người có ít hiểu biết, nhưng người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn để vận chuyển ma túy, trong số những người này, nhiều người không nhận thức được hành vi phạm pháp của mình dẫn đến vướng vào vòng lao lý”.

Còn đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, không nên quy định thời hạn đối với người cai nghiện ma túy như dự thảo luận, vì đây đây là bệnh mãn tính, để giúp người nghiện cai nghiện thành công thì quy định về thời gian cai nghiện là không khả thi.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật quan tâm rà soát về từ ngữ trong dự án luật, tránh những từ ngữ mang tính miệt thị, phân biệt đối xử đối với người nghiện ma túy.

Nhấn mạnh, việc xây dựng dự án Luật này phải thực sự dựa trên cả 3 trụ cột là giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại ma túy, Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng cần phải tăng cường hơn nữa các quy định về sự phối hợp giữa các lực lượng nồng cốt trong công tác phòng chống ma túy cũng như thực hiện hiệu quả các giải pháp quản lý của các cơ quan chức năng, gia đình, xã hội đối với người sau cai nghiện.

Ngoài ra, tại thảo luận, ý kiến của các đại biểu Quốc hội cũng đề xuất nhiều giải pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò nồng cốt của lực lượng lực lượng Công an nhân dân trong công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; các giải pháp về thu hút các nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy; công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy; ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma túy thẩm lậu vào trong nước; việc kiểm soát tốt các chất có tiền chất ma túy;…