Sở Y tế Lạng Sơn - Bài 1: “Tỉ lệ tiết kiệm thấp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngân sách Nhà nước”

Trong 3 năm (2019-2021), sở Y tế tỉnh Lạng Sơn đã có hàng loạt gói thầu tiết kiệm rất thấp, theo nghiên cứu của phóng viên, 18 gói thầu đều có tỉ lệ tiết kiệm trên dưới 1%. Luật sư Phúc nhận định, nhiều gói thầu có tỉ lệ tiết kiệm thấp sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến ngân sách Nhà nước.

Giá trị hàng chục tỷ đồng nhưng tiết kiệm nhỏ giọt

Khi nghiên cứu 18 gói thầu trong giai đoạn 3 năm (từ 2019-2021), phóng viên nhận thấy, chỉ có 2 gói thầu có tỉ lệ tiết kiệm cao hơn 1% (còn lại 16/18 gói có tỉ lệ tiết kiệm dưới 1%). Với tổng số tiền dự toán của cả 18 gói thầu này là 228.203.693.706 đồng (Hai trăm hai mươi tám tỷ, hai trăm linh ba triệu, sáu trăm chín mươi ba nghìn, bảy trăm linh sáu đồng), giá trúng thầu là 227.289.515.088 đồng (Hai trăm hai mươi bảy tỷ, hai trăm tám mươi chín triệu, năm trăm mười lăm nghìn, không trăm tám mươi tám đồng), tức là chỉ tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước 914.178.618 đồng (tương đương tỉ lệ tiết kiệm là 0,40%).

Trong 18 gói thầu ngẫu nhiên được nghiên cứu, có thể thấy nhiều gói thầu trị giá lên đến hàng chục tỷ đồng, trong khi tỉ lệ tiết kiệm lại siêu thấp, chỉ “tượng trưng” ở mức là 0,07-0,09%.

hieuunganhcom6263a3b9798b9

Rà soát ngẫu nhiên 18 gói thầu với tỉ lệ tiết kiệm chỉ loanh quanh trên dưới 1%.

Đơn cử, có thể kể đến gói thầu số 1: “Mua sắm trang thiết bị cho các bệnh viện tuyến tỉnh năm 2019” thuộc dự án “Mua sắm tập trung trang thiết bị cho các đơn vị thuộc ngành y tế năm 2019”, được ông Nguyễn Thế Toàn (Giám đốc sở Y tế tỉnh Lạng Sơn) ký phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho liên danh công ty Hưng Phát - Vitemed (bao gồm: công ty Cổ phần Thiết bị và Công nghệ Hưng Phát và công ty TNHH Thiết bị và Công nghệ y tế Việt Nam), theo Quyết định 2299/QĐ-SYT vào ngày 10/9/2019.

Ở gói thầu này, giá dự toán là 9.900.000.000 đồng (Chín tỷ, chín trăm triệu đồng), trong khi đó, giá trúng thầu là 9.893.000.000 đồng (Chín tỷ, tám trăm chín mươi ba triệu đồng), tức là chỉ tiết kiệm 7.000.000 đồng (tương đương tỉ lệ tiết chỉ mở mức “tượng trưng” 0,07%).

Ngày 25/9/2019, Giám đốc sở Y tế tỉnh lạng Sơn ký Quyết định 2485/QĐ-SYT phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu số 2: “Mua sắm trang thiết bị cho các trung tâm y tế huyện, thành phố năm 2019” thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu “Mua sắm tập trung trang thiết bị cho các đơn vị thuộc ngành y tế năm 2019” cho tổng công ty Kinh tế kỹ thuật Công nghiệp Quốc phòng với giá trúng thầu là 59.620.800.000 đồng (Năm mươi chín tỷ, sáu trăm hai mươi triệu, tám trăm nghìn đồng). Gói thầu này có giá dự toán là 59.700.000.000 đồng (Năm mươi chín tỷ, bảy trăm triệu đồng), nên chỉ tiết kiệm 79.200.000 đồng (tỉ lệ tiết kiệm là 0,13%).

Nhiều trường hợp tiêu cực làm mất tính cạnh tranh

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Dương Văn Phúc (công ty luật hợp danh FDVN - chi nhánh Huế) cho biết: Hiện tượng có quá nhiều gói thầu tỉ lệ tiết kiệm rất thấp, một số gói thầu có tỉ lệ suýt soát bằng “0” hay một số nhà thầu “quen mặt” với bên mời thầu rất có khả năng có các dấu hiệu vi phạm pháp luật, đặc biệt là trong quá trình mời thầu và lựa chọn nhà thầu”.

Theo luật sư Phúc, việc đấu thầu có tỉ lệ tiết kiệm thấp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngân sách Nhà nước. Hiện nay quy trình lựa chọn nhà thầu, thẩm định kết quả được quy định chi tiết trong luật Đấu thầu và Nghị định 63/2014/NĐ-CP, tuy nhiên bên mời thầu có thực hiện đúng theo những quy định đó hay không sẽ tác động đến kết quả đấu thầu.

Đề cập đến nguyên nhân của tình trạng những gói thầu “siêu tiết kiệm”, vị luật sư phân tích: “Chẳng hạn, quy trình công khai gói thầu, mời gọi nhà thầu không rõ ràng, minh bạch, không công khai, không được tiếp cận rộng rãi. Chủ đầu tư/bên mời thầu cố tình không cung cấp hoặc cung cấp không rõ ràng những nội dung gói thầu, khiến các nhà thầu khó tiếp cận, trong khi đó một số nhà thầu “quen” lại nắm đầy đủ những thông tin cần thiết phục vụ đấu thầu.

Hoặc do quá trình lựa chọn nhà thầu không có sự cạnh tranh, vì số lượng nhà thầu ít, đôi khi chỉ có 01 nhà thầu/gói thầu. Hoặc trong quá trình đấu thầu thì các nhà thầu liên thông với nhau, xuất hiện hiện tượng “quân xanh”, “quân đỏ”, khiến cho việc đấu thầu công khai mất tính cạnh tranh vốn có.

Bên cạnh đó, nhiều nhà thầu hiện nay chưa đáp ứng năng lực và kinh nghiệm, không đảm bảo điều kiện để trúng thầu.

Cũng có thể kể đến, có hiện tượng nâng khống giá trang thiết bị trong các gói thầu so với thị trường, đặc biệt là trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, có dấu hiệu trục lợi và vi phạm pháp luật hình sự.

Ngoài ra, cũng có thể do quá trình quản lý của cơ quan có thẩm quyền có vấn đề, có sự yếu kém hoặc có sai phạm, dẫn đến quy trình đầu thầu có nhiều điểm bất thường, không minh bạch, không cạnh tranh”.

Để ngăn chặn những tiêu cực tương tự trong hoạt động đấu thầu, luật sư Dương Văn Phúc nhắc đến một số giải pháp: “Nâng cao tính minh bạch trong đấu thầu, công khai đầy đủ, chính xác các nội dung gói thầu lên các kênh thông tin chính thống theo đúng quy định, đảm bảo tất cả các nhà thầu đều có thể tìm kiếm và tiếp cận được. Tăng cường và thực hiện tốt quy trình đấu thầu và công khai gói thầu qua mạng, nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu và đơn giản các quy trình. Đồng thời, giảm tình trạng chỉ định thầu, chú trọng mở rộng danh sách mời thầu, tạo điều kiện để càng nhiều nhà thầu đủ điều kiện tham gia đấu thầu sẽ càng tăng tỉ lệ cạnh tranh, từ đó tăng tỉ lệ tiết kiệm.

Đặc biệt, điều quan trọng nhất chính là trong nội bộ bên mời thầu, các cán bộ quản lý Nhà nước có thẩm quyền trong gói thầu phải có sự minh bạch khi công tác, đảm bảo đủ phẩm chất và năng lực nghề nghiệp, từ đó mới giảm tiêu cực trong đấu thầu”.