Sở Y Tế Tp.HCM quán triệt về việc sử dụng thuốc kháng virus điều trị Covid-19

Theo lãnh đạo sở Y tế Tp.Hồ Chí Minh, phác đồ điều trị cho các F0 sẽ chia thành các túi thuốc khác nhau. Trong đó, thuốc kháng virus phải thận trọng khi sử dụng.

Chiều tối 27/8, UBND Tp. Hồ Chí Minh tổ chức họp báo về tình hình phòng chống Covid-19 trên địa bàn. Tại đây, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc sở Y tế Tp. Hồ Chí Minh cho biết, các túi thuốc dành cho điều trị F0 đang có sự thay đổi so với trước đây.

Cụ thể, F0 khi được xác định đủ điều kiện quản lý tại nhà thì ngành y tế phối hợp chính quyền địa phương thực hiện phát túi thuốc, trong đó 3 nhóm.

Nhóm A gồm thuốc thông thường như hạ sốt, vitamin bồi bổ cơ thể. Nhóm B gồm thuốc đặc trị hơn dùng theo chỉ định như kháng viêm, kháng đông.

Còn nhóm C là thuốc kháng virus được quản lý nghiêm ngặt và khi dùng phải có chỉ định của bác sĩ. Sở Y tế Tp. Hồ Chí Minh sẽ căn cứ vào số lượng F0 từng địa phương để chuyển về cho bệnh nhân sử dụng.

Sức khỏe - Sở Y Tế Tp.HCM quán triệt về việc sử dụng thuốc kháng virus điều trị Covid-19

Ông Nguyễn Hữu Hưng, phó Giám đốc sở Y tế Tp. Hồ Chí Minh.

Phó Giám đốc Nguyễn Hữu Hưng cho hay: “Thuốc này khi dùng phải có đăng ký và kiểm soát đặc biệt. Người bệnh phải ký cam kết theo mẫu của bộ Y tế. Có nhiều nguyên tắc nghiêm ngặt như: không sử dụng cho phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, phải cam kết không có thai ít nhất sau 100 ngày sử dụng viên cuối cùng. Còn nam giới cũng ràng buộc như kiêng quan hệ tình dục trong thời gian uống thuốc...”.

Các yêu cầu từ bộ Y tế đã được sở Y tế Tp. Hồ Chí Minh quán triệt cho các cơ sở y tế, nhân viên y tế để truyền đạt rõ ràng đến bệnh nhân. Trường hợp đang điều trị bằng thuốc này mà vì lý do gì đó quyết định ngưng sử dụng thì người bệnh phải hoàn trả thuốc cho cơ quan y tế.

Hôm qua (26/8), ngành y tế thành phố đã nhận 16.000 liều thuốc kháng virus Molnupiravir tương đương 320.000 viên và bắt đầu triển khai cho các địa phương để sử dụng cho F0 từ hôm nay (27/8).

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, việc tăng cường phát hiện các F0 trong cộng đồng thông qua xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm ở các vùng và phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

Từ đó có biện pháp phù hợp, tăng cường phát hiện F0 để phân loại nằm ở tầng nào để đạt mục tiêu cao nhất là hạn chế thấp nhất tử vong, chăm sóc phù hợp.

“Với việc test nhanh ở vùng đỏ, đến nay đã thực hiện được 1.117.000 mẫu test nhanh, phát hiện 42.400 số người dương tính. Tỷ lệ 3,5%, là tín hiệu có thể yên tâm. Thời gian tới có thể thay đổi, nhưng ở mức độ chấp nhận được chứ không phải quá sức”, ông Hưng nói.

Về trạm y tế lưu động ở phường xã, sở Y tế Tp. Hồ Chí Minh chủ động triển khai hơn 400 trạm hỗ trợ F0 tại nhà và giải quyết khám chữa bệnh ban đầu cho những trường hợp khác, không phải là bệnh nhân Covid-19. Trong trường hợp quá khả năng, trạm y tế lưu động sẽ có trách nhiệm chuyển bệnh nhân vào bệnh viện.

Báo cáo của ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Tp. Hồ Chí Minh cho biết, từ 18h ngày 25/8 đến 18h ngày 26/8, thành phố đã lấy 377.390 mẫu test nhanh SARS-CoV-2, trong đó có 8.578 mẫu đơn và 6.620 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 350.947 mẫu.

Thành phố đang điều trị 38.559 bệnh nhân, trong đó có 2.310 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.739 bệnh nhân nặng đang thở máy và 20 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Trong ngày 26/8, thành phố đã có 2.236 bệnh nhân xuất viện. Tổng số xuất viện cộng dồn từ đầu năm đến nay là 99.955 ca. Tổng số tử vong cộng dồn từ ngày 1/1 đến nay là 8.097 ca.

Về vấn đề tiêm vắc-xin, đến hết ngày 26/8, thành phố đã tiêm được 5.741.654 mũi (tăng 113.926 mũi vaccine so với ngày 25/8).

Nguyễn Thành Nhân - Người Đưa Tin Pháp Luật