Sự thật về “khuyến cáo không dùng thức uống có cồn trong 50 năm” sau tiêm vắc-xin Covid-19

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một tờ giấy xác nhận đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19, điều đáng nói dưới phần đóng dấu của đơn vị tiêm chủng lại kèm "khuyến cáo không dùng thức uống có cồn trong vòng 50 năm" khiến nhiều người hoang mang.
su-that-ve-khuyen-cao-khong-dung-thuc-uong-co-con-trong-50-nam-sau-tiem-vac-xin-covid-19-01-1624694827.jpg
Giấy xác nhận đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 lan truyền trên mạng.

Nên kiêng uống rượu sau khi tiêm vắc-xin

Ngày 23/6, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh về một tờ giấy chứng nhận đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại một bệnh viện ở TP.HCM khiến nhiều người hoang mang. Theo đó, dưới phần đóng dấu của đơn vị tiêm chủng lại kèm "khuyến cáo không dùng thức uống có cồn trong vòng 50 năm", nhiều người thắc mắc liệu tờ giấy chứng nhận đó có thật hay không và câu khuyến cáo ấy đúng hay sai.

Liên quan đến hình ảnh lan truyền trên mạng, trao đổi với báo chí, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, bệnh viện Chợ Rẫy xác nhận thông tin trên là không đúng.

Theo trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, đến nay chưa có bằng chứng nào cho thấy việc dùng thức uống có cồn làm giảm hiệu quả của vắc-xin Covid-19. Cũng không có bằng chứng cho thấy vắc- xin Covid- 19 không an toàn đối với những người sử dụng rượu bia.

Tuy nhiên, CDC và các chuyên gia đặc biệt cảnh báo người dân nên tránh uống rượu trước và sau khi tiêm chủng ngừa vì rượu có khả năng ức chế hệ thống miễn dịch, có thể khiến cơ thể mất nước. Tốt nhất, nên kiêng uống rượu trong vòng 1 ngày hoặc lâu hơn sau khi tiêm vắc-xin. Rượu còn làm suy yếu khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể, tăng nguy cơ biến chứng và có thể gây khó khăn trong công tác phân biệt phản ứng của rượu và phản ứng của vắc-xin.

Ngoài ra, rượu bia được chứng minh là chất làm căng thẳng hệ miễn dịch. Cụ thể, rượu có thể giúp người uống ngủ nhanh hơn nhưng lại gây rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng không tốt đến chất lượng và thời lượng giấc ngủ tổng thể, tác nhân gây rối loạn chức năng miễn dịch tối ưu.

Theo ghi nhận của PV, việc tiêm vắc- xin phòng Covid-19 tại TP.HCM đang được triển khai trên diện rộng. Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc sở Y tế TP.HCM cho biết, đợt này có số lượng tiêm nhiều nhất với 944.000 liều.

TP.HCM sẽ cần 14 triệu liều vắc-xin nếu tiêm đủ 2 mũi. Sau khi tiêm hết đợt 4, TP.HCM sẽ đạt 6% độ phủ vắc-xin trong cộng đồng. TP đang tiếp tục nỗ lực đàm phán với các nhà sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêm vắc-xin, phấn đấu đến cuối năm nay đạt tỉ lệ 2/3 người dân tại thành phố được tiêm vắc-xin Covid-19.

Lưu ý trước và sau tiêm vắc-xin Covid-19

Trong diễn biến liên quan đến tiêm vắc-xin phòng Covid-19, mới đây, bộ Y tế đã tổ chức tập huấn trực tuyến về bảo đảm an toàn tiêm vắc-xin Covid-19. Tại buổi tập huấn, chuyên gia của Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, theo khuyến cáo của nhà sản xuất, các phản ứng rất phổ biến sau tiêm vắc- xin Covid-19 là đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhạy cảm đau, đau, nóng tại vị trí tiêm, ngứa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt, ớn lạnh (rất phổ biến là sốt nhẹ và phổ biến là sốt từ 38 độ C). Các phản ứng phổ biến (chiếm từ 1% đến dưới 10%) là: sưng và đỏ tại vị trí tiêm.

Cũng như các vắc-xin khác, vắc-xin Covid-19 có thể có tai biến nặng, phản ứng phản vệ, thuyên tắc huyết khối kèm theo giảm tiểu cầu được ghi nhận. Thực tế tại Việt Nam ghi nhận, phản ứng sau tiêm hầu hết là phản ứng thông thường như khuyến cáo của nhà sản xuất. Các trường hợp nhập viện theo dõi, điều trị gồm sốt cao, nhịp nhanh, kẹt huyết áp, phản ứng phản vệ (tức ngực, khó thở...). Thời gian xuất hiện sớm trong vòng 1 giờ đầu sau tiêm, hầu hết trong ngày đầu.

Theo khuyến cáo của chuyên gia Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, để đảm bảo an toàn trong và sau tiêm vắc-xin Covid-19, nhân viên tiêm chủng khám sàng lọc kỹ và sẵn sàng thuốc chống sốc ngay tại bàn tiêm, theo hướng dẫn của bộ Y tế. Đồng thời, cần hướng dẫn người nhà hoặc đối tượng tiêm chủng theo dõi chặt chẽ sau tiêm chủng tại nhà, nơi làm việc trong vòng 24 giờ và tiếp tục theo dõi ít nhất 7 ngày sau tiêm chủng.

Cần thông báo cho nhân viên y tế nếu có dấu hiệu bất thường. Trong đó: Các dấu hiệu xuất hiện trong vòng 1 - 2 ngày đầu sau tiêm thường gặp: choáng, hoa mắt chóng mặt, bồn chồn; run tay chân, vã mồ hôi, da tái, ớn lạnh; miệng ngứa, sưng môi/lưỡi; tê mặt, tê bì tay chân, co quắp tay chân; da ngứa, phát ban, mẩn đỏ toàn thân, phù mặt; buồn nôn, nôn, nôn khan, đau bụng, tiêu chảy; tức ngực, khó thở, khò khè, cảm giác nghẹt thở; huyết áp tăng hoặc tụt, mạch nhanh, nổi hạch.

Các dấu hiệu xuất hiện từ 4 - 28 ngày sau tiêm vắc-xin: đau đầu dai dẳng, dữ dội; các triệu chứng thần kinh khu trú: yếu, liệt tay chân; co giật, nhìn mờ hoặc nhìn đôi; khó thở hoặc đau ngực; đau bụng dai dẳng; đau, phù chi dưới; chảy máu, xuất huyết da, đi ngoài phân đen...

Bộ Y tế vừa có hướng dẫn mới nhất về khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc- xin phòng Covid-19 áp dụng cho tất cả cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở tiêm chủng của nhà nước và tư nhân trên cả nước. Bên cạnh đó, bộ Y tế khuyến cáo các đối tượng trì hoãn tiêm chủng là người đang mắc bệnh cấp tính hoặc mạn tính đang tiến triển, chưa kiểm soát được. Những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù...

Theo Người Đưa Tin Pháp Luật

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ Bảy (26)