Sức sáng tạo bền bỉ qua “Vẻ đẹp của làng nghề Việt”

Triển lãm “Vẻ đẹp của Làng nghề Việt” giúp cộng đồng thấy được sức sống trường tồn của di sản văn hóa dân tộc và sức sáng tạo bền bỉ của người Việt.

Từ chiều 15/5, Bảo tàng Thế giới Cà phê (Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) chính thức khai mạc triển lãm “Vẻ đẹp của Làng nghề Việt”, với chủ đề với chủ đề tinh hoa truyền thống truyền cảm hứng tương lai.

Tham gia triển lãm “Vẻ đẹp của Làng nghề Việt” có 17 nghề, làng nghề tiêu biểu và 35 nghệ nhân, nghệ sĩ từ ba miền Bắc - Trung - Nam với nhiều sản phẩm sáng tạo, độc đáo dựa trên những giá trị tinh hoa truyền thống. Đây là sự kiện nhằm hưởng ứng ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5/2022 và giúp cộng đồng thấy được sức sống trường tồn của di sản văn hóa dân tộc, sức sáng tạo bền bỉ của người Việt, đồng thời tôn vinh các nghệ nhân, những người thợ thủ công.

Văn hoá - Sức sáng tạo bền bỉ qua “Vẻ đẹp của làng nghề Việt”

Du khách tham quan các sản phẩm sản xuất thủ công của các làng nghề.

Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện cả nước có trên 5.400 làng nghề, trải dài khắp 3 miền với khoảng 50 nhóm nghề bao gồm: gốm sứ, mây tre đan, sản phẩm từ cói - lục bình, điêu khắc gỗ, sơn mài, thêu, điêu khắc đá, dệt thủ công, giấy, tranh nghệ thuật, kim khí,… Các làng nghề không chỉ tạo lập thành mô hình kinh tế, giúp đời sống, văn hóa xã hội phát triển mà còn giúp những người thợ thủ công sáng tạo hơn, trở thành nơi hội tụ của tinh hoa văn hóa Việt. Dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân, nhiều sản phẩm đã trở thành tác phẩm nghệ thuật và có mặt ở nhiều bảo tàng danh tiếng trên thế giới. Đặc biệt, các làng nghề đang tạo việc làm cho hàng chục triệu lao động.

Triển lãm được bắt đầu từ sản phẩm của các làng nghề, nghề vẫn bảo tồn được quy trình sản xuất thủ công truyền thống như: Làng nghề mây tre đan Phú Vinh (Hà Nội), làng tơ lụa Cổ Chất (Nam Định), làng nghề đúc đồng Phước Kiều (Quảng Nam), làng nghề gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận),…

Văn hoá - Sức sáng tạo bền bỉ qua “Vẻ đẹp của làng nghề Việt” (Hình 2).

Các sản phẩm của làng nghề mây tre đan Phú Vinh (Hà Nội) có mặt tại triển lãm.

Bên cạnh đó, triển lãm “Vẻ đẹp của Làng nghề Việt” cũng nhận được sự hưởng ứng của nhiều nghệ sĩ trẻ cùng nhiều sản phẩm thủ công độc đáo được sáng tạo, phát triển từ cảm hứng văn hóa truyền thống như nghệ thuật giấy Trúc chỉ - đỉnh cao của nghệ thuật làm giấy thủ công Việt Nam, duy nhất có trên thế giới… hay sản phẩm từ sen vô cùng độc đáo, tinh xảo.

Họa sĩ Nguyễn Thanh Thảo đến từ tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học nghệ thuật năm 2014, anh đã chọn chất liệu lá sen để định hướng công việc nghệ thuật, chuyên sáng tác nghệ thuật. Theo đuổi, nghiên cứu lá sen trong vòng 2 năm, anh đã sáng tạo ra những bức tranh nghệ thuật từ lá sen.

Văn hoá - Sức sáng tạo bền bỉ qua “Vẻ đẹp của làng nghề Việt” (Hình 3).

Làng đúc đồng Phước Kiều (Quảng Nam) tham gia triển lãm.

Năm 2017, họa sĩ Thanh Thảo tiếp tục nghiên cứu lá sen để làm hàng mỹ thuật ứng dụng. Từ đó, sản phẩm nón lá sen chính thức có mặt trên thị trường vào năm 2018. Bên cạnh đó, người họa sĩ trẻ này còn nghiên cứu rất nhiều sản phẩm khác về sen.

“Khi được Bảo tàng Thế giới Cà phê mời vào triển lãm tác phẩm nghệ thuật sen ở Đắk Lắk, tôi mong muốn mang dòng sản phẩm nghệ thuật của Huế giới thiệu cho mọi người biết được, cây sen không chỉ được khai thác qua lá, cành, hạt mà còn làm hàng nghệ thuật ứng dụng” – họa sĩ Thanh Thảo chia sẻ.

Văn hoá - Sức sáng tạo bền bỉ qua “Vẻ đẹp của làng nghề Việt” (Hình 4).

Họa sĩ Nguyễn Thanh Thảo giới thiệu bộ sưu tập nón lá sen.

Là một du khách đến từ Tp.Đà Nẵng, anh Vũ Quốc Trọng cho hay: “Nghệ thuật giấy Trúc chỉ và tranh Trúc chỉ, tôi đã biết đến từ lâu nhưng chưa có cơ hội được chiêm ngưỡng. Hôm nay, thông qua triển lãm “Vẻ đẹp của Làng nghề Việt”, được trực tiếp nhìn, cảm nhận sản phẩm khiến tôi rất xúc động vì người Việt đã sáng tạo ra một loại sản phẩm rất độc đáo dựa trên nghề làm giấy thủ công và trở thành một sản phẩm nghệ thuật ứng dụng trong các không gian nội thất”.

Văn hoá - Sức sáng tạo bền bỉ qua “Vẻ đẹp của làng nghề Việt” (Hình 5).

Nghệ nhân làng nghề đúc đồng Phước Kiều biểu diễn đúc chiêng đồng.

Văn hoá - Sức sáng tạo bền bỉ qua “Vẻ đẹp của làng nghề Việt” (Hình 6).

Các nghệ nhân tạc tượng biểu diễn tại triển lãm.

Triển lãm “Vẻ đẹp của Làng nghề Việt” kéo dài từ 15/5 đến 15/6. Trong thời gian diễn ra triển lãm, khách tham quan sẽ được tìm hiểu quy trình sản xuất thủ công của các làng nghề, nghề truyền thống như các hoạt động trải nghiệm cách làm gốm của người M’nông, đúc đồng thủ công, đan lát, cách chế tác nhạc cụ…