Tâm thư của BS điều trị COVID tuyến cuối: "Không nỡ về nếu bệnh nhân còn cần"

"Nếu tụi em có lo lắng về thời gian đi bao lâu, thì hãy yên tâm là vào đây sẽ không muốn về đâu. Mình sẽ không nỡ về nếu bệnh nhân còn cần...", BS tuyến cuối viết.

Dân sinh - Tâm thư của BS điều trị Covid tuyến cuối: 'Không nỡ về nếu bệnh nhân còn cần'

Ca trực đêm tại BV tuyến cuối điều trị Covid-19.

Tp. Hồ Chí Minh đang mở rộng tối đa năng lực tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19 ở các cơ sở y tế quận/huyện, TP.Thủ Đức cho đến các tầng cao hơn trong mô hình tháp 5 tầng. Đồng thời, nâng cấp cơ sở vật chất, nhân lực, tăng cường chức năng điều trị cho các BV dã chiến.

Song song đó, thành phố này cũng huy động thêm các BV tư nhân, hiện có một số cơ sở đi vào hoạt động, tiếp nhận bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Dân sinh - Tâm thư của BS điều trị Covid tuyến cuối: 'Không nỡ về nếu bệnh nhân còn cần' (Hình 2).

Đội ngũ y tế đang căng mình chống dịch Covid-19 (Ảnh: BV Chợ Rẫy).

Có thể nói, Tp. Hồ Chí Minh đã huy động hầu hết các nguồn lực, kể cả đội ngũ y tế đã nghỉ hưu, các tình nguyện viên từ mọi ngành nghề, lĩnh vực khác tham gia vào công cuộc chống dịch theo tinh thần "như chống giặc". Đến nay, thành phố này đã ghi nhận những kết quả tốt.

Theo đánh giá của ngành y tế, những nỗ lực của Tp. Hồ Chí Minh đã có những tín hiệu tích cực sau hơn 2 tháng thực hiện giãn cách ở các cấp độ. Biểu đồ ca mắc Covid-19 đã dần đi ngang, số F0 được điều trị khỏi bệnh ngày càng nhiều.

Dù vậy, ngành y tế Tp. Hồ Chí Minh cũng nhận định: "Biến thể Delta với tốc độ lây lan nhanh, mạnh, nguy hiểm đã làm dịch bệnh "thấm sâu" vào cộng đồng và tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM vẫn còn diễn biến rất phức tạp, có thể kéo dài".

Dân sinh - Tâm thư của BS điều trị Covid tuyến cuối: 'Không nỡ về nếu bệnh nhân còn cần' (Hình 3).

Sự nỗ lực của các y, bác sĩ trên mọi mặt trận đang là lực nơi tuyến đầu, căng mình chống dịch, cứu người (Ảnh: HCDC).

Trong bối cảnh này, các y, bác sĩ là lực lượng luôn căng mình chống dịch, cứu người. Trong đó, đội ngũ y tế tuyến cuối càng "căng thẳng" hơn bao giờ hết.

Như tại BV Chợ Rẫy, kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, đội ngũ y, bác sĩ được điều động đi rất nhiều BV dã chiến, điều trị Covid-19 và BV hồi sức tại TP.HCM để tham gia công tác điều trị cho bệnh nhân. Từ đây, nhiều câu chuyận cảm động đã được ghi lại.

Theo thông tin từ BV Chợ Rẫy, số lượng bệnh nhân Covid-19 từ nặng cho đến rất nặng và nguy kịch được chuyển đến vẫn tăng lên từng ngày.

Khối lượng công việc lẫn áp lực dành cho đội ngũ nhân viên y tế tại bệnh viện cũng tăng cao theo số lượng bệnh nhân cùng với sự kéo dài của cuộc chiến chống Covid-19.

Dân sinh - Tâm thư của BS điều trị Covid tuyến cuối: 'Không nỡ về nếu bệnh nhân còn cần' (Hình 4).

Những nỗ lực của Tp. Hồ Chí Minh đã có tín hiệu tích cực sau hơn 2 tháng thực hiện giãn cách ở các cấp độ, biểu đồ ca mắc Covid-19 đã dần đi ngang (Ảnh: HCDC).

Nhưng bằng nỗ lực và quyết tâm, bằng tinh thần và ý chí, họ vẫn đang đêm ngày chiến đấu bên trong lẫn bên ngoài khu cách ly điều trị, với một niềm mong mỏi là người bệnh sẽ được cứu sống.

Để vượt qua thử thách, gian nan lẫn những nỗi sợ hãi, người đi trước động viên người đi sau.

Điển hình như BS CK2 Huỳnh Quang Đại, khoa Hồi sức cấp cứu BV Chợ Rẫy, hiện đang được phân công hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân nặng và rất nặng tại BV Hồi sức Covid-19, đã dành những lời động viên tâm huyết đến đội ngũ bác sĩ nội trú đang chuẩn bị vào "tuyến cuối" chống Covid-19”.

"Hôm nay nghe tin các em sắp tham gia chống dịch Covid-19 tại một trong những mặt trận lớn nhất, khốc liệt nhất. Nếu tụi em có chút do dự nào thì hãy đừng do dự nữa, hãy đi đi nhé!

Chưa bao giờ người bệnh cần bác sĩ như bây giờ. Rất và rất nhiều người bệnh chỉ mong ước được vào BV, có được một giường nằm, có được một ánh mắt trông nom, có được một bàn tay chăm sóc... Nên tụi em hay lên đường đi, đừng đắn đo nữa nhé!".

Dân sinh - Tâm thư của BS điều trị Covid tuyến cuối: 'Không nỡ về nếu bệnh nhân còn cần' (Hình 5).

Tâm thư của BS đàn anh (Ảnh: BV Chợ Rẫy).

Để các em theo mình, đàn anh trấn an: "Nếu tụi em có lo lắng về sự an toàn, lo con virus này hỏi thăm tụi em, lo mình trở thành người bệnh kế tiếp… thì tụi em hay tự tin lên vì mình đã được bảo vệ.

Nếu tụi em chưa tiêm vắc-xin mũi 2 thì sẽ được tiêm ngay. Nếu tụi em chưa từng gặp bệnh nhân Covid-19, tụi anh sẽ dắt vô tận phòng bệnh.

Nếu tụi em chưa bao giờ mặc đồ phòng hộ, tụi anh sẽ hướng dẫn. Nếu tụi em lo không có đồ phòng hộ hay khẩu trang N95, thì hãy yên tâm là tụi anh cũng sẽ không mặc bảo hộ hay mang N95 nếu tụi em không có.

Còn nếu vài người trong chúng ta có trở thành F0 thì sẽ chắc là sẽ buồn một chút vì không được lăn lộn cùng mọi người, nhưng yên tâm sẽ không thất nghiệp, sẽ có việc cho tụi em làm…".

Trả lời cho câu hỏi đi bao lâu/một lần thật khó, BS Đại viết: “Nếu tụi em có lo lắng về thời gian đi bao lâu, thì hãy yên tâm là vào đây sẽ không muốn về đâu. Mình sẽ không nỡ về nếu bệnh nhân còn cần, sẽ không nỡ về nếu bạn bè đồng đội mình còn ở lại.

Cho nên hãy đừng quan tâm nhiều đến chuyện đó nhé. Các BS nội trú ở Mỹ và các nước khác đã tham gia trong các đợt bùng phát dịch tại nước đó, giờ đến lượt chúng ta…

Dân sinh - Tâm thư của BS điều trị Covid tuyến cuối: 'Không nỡ về nếu bệnh nhân còn cần' (Hình 6).

Nếu tụi em có lo lắng về thời gian đi bao lâu, thì hãy yên tâm là vào đây sẽ không muốn về đâu (Ảnh: BV Chợ Rẫy).

Nếu tụi em có lo lắng là sẽ gian khổ, thì đúng là có đó. Nhưng gian nan thì có, vì quá nhiều bệnh nhân, vì nhiều ca bệnh nặng, vì nhiều tình huống khó... Nhưng khổ thì không, vì trong gian nan đó có niềm vui, có tiếng cười, có hạnh phúc…

Cho nên hãy cất bước đi nhé, hãy can đảm và mạnh mẽ lên nhé! “Ai cũng có một thời trẻ trai”, cho nên hay ghi thêm một dấu son vào thời thanh niên của mình, để mai sau này có chuyện kể lại...”.

TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (BV Chợ Rẫy) cho biết: "Hiện tại BV Chợ Rẫy tiếp nhận và điều trị cho khoảng 400 bệnh nhân mắc Covid-19/ngày, được phân bổ tại khu cách ly khoa Cấp cứu, khoa Hồi sức cấp cứu khu D (cho những bệnh nhân nguy kịch cần hỗ trợ ECMO) và nhiều nhất là tại 3 tầng cách ly ở khu E do khoa Bệnh nhiệt đới quản lý, với hàng trăm bệnh nhân ở mức độ từ trung bình nặng đến nặng và nguy kịch".

"Bên cạnh đội ngũ y, bác sĩ của khoa Bệnh nhiệt đới đã ngày đêm kiên cường bám trụ để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 từ đầu mùa dịch, nhiều nhân viên y tế từ các khoa, phòng khác cũng được điều động đến khoa Bệnh nhiệt đới để hỗ trợ các đồng nghiệp tại đây", BS Hùng cho biết thêm.

Theo Người Đưa Tin Pháp Luật