Tập đoàn Dệt may Việt Nam báo lãi đậm

Nhờ vào đơn hàng dồi dào, tập đoàn Dệt may Việt Nam báo lãi quý II/2021 với mức kỷ lục mới, con số chưa từng ghi nhận trong suốt lịch sử hơn 26 năm hoạt động.

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vừa công bố đánh giá Việt Nam là quốc gia giữ vị trí thứ 2 trong cung ứng hàng dệt may toàn cầu năm 2020, sau khi vượt Bangladesh.

Với đánh giá này, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng Thư ký hiệp hội Dệt may Việt Nam nhìn nhận, việc WTO công bố Việt Nam vượt Bangladesh để trở thành nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới năm 2020 (sau Trung Quốc), với giá trị hàng hóa tương ứng 29 tỷ USD là phù hợp với bối cảnh sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành năm 2020.

Số liệu của bộ Công Thương 7 tháng đầu năm nay cũng cho thấy, ngành dệt may xuất khẩu tăng trưởng, đạt 18,6 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với những kết quả tích cực, phía tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã: VGT) cũng công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II và 6 tháng đầu năm 2021 với những con số ấn tượng.

Theo đó, tính riêng quý II/2021, doanh thu thuần của Vinatex đạt 3.707 tỷ đồng, tăng 21%; giá vốn hàng bán tăng hơn 12% nên lãi gộp đạt 563 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Tài chính - Ngân hàng - Tập đoàn Dệt may Việt Nam báo lãi đậm

Bất chấp đại dịch Covid-19, Vinatext vẫn báo lãi sau thuế quý II/2021 đạt kết quả ấn tượng (số liệu: BCTC Vinatex).

Trong kỳ, Tập đoàn thu về hơn 91 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, tăng 20% so với cùng kỳ. Kết quả, khấu trừ các khoản chi phí, Vinatex báo lãi sau thuế 391 tỷ đồng, gấp 3,3 lần quý II năm ngoái, trong đó, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 193 tỷ đồng, gấp 9 lần cùng kỳ. Đây là mức lãi kỷ lục mà Vinatex từng ghi nhận trong suốt lịch sử hơn 26 năm hoạt động.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, Vinatex thu về 7.108 tỷ đồng doanh thu thuần; lợi nhuận trước thuế 621 tỷ đồng, tăng 118%. Lãi sau thuế hơn 591 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với nửa đầu năm 2020.

Theo giải trình từ phía lãnh đạo Tập đoàn, lợi nhuận tăng trưởng mạnh là thị trường dệt may trong nửa đầu năm 2021 đã dần phục hồi trở lại sau khoảng thời gian năm 2020 chịu ảnh hưởng nặng nền bởi Covid -19. Các đơn hàng bắt đầu phục hồi mạnh về cả số lượng lẫn giá bán.

Riêng trong quý II, khủng hoảng chính trị tại Myanmar cùng với làn sóng dịch bệnh bùng phát tại Ấn Độ, Bangladesh đã khiến nhiều hãng thời trang trên thế giới dịch chuyển sản xuất qua Việt Nam, đơn hàng dồi dào giúp nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các giải pháp quản trị sản xuất kinh doanh được quản trị tốt cũng giúp Vinatex ghi nhận hiệu suất hoạt động tốt trong 6 tháng đầu năm 2020.

Năm 2021, Vinatex đặt kế hoạch đem về 17.365 tỷ đồng doanh thu và 700 tỷ đồng lãi trước thuế, lần lượt tăng 17% và 18% so với thực hiện năm trước. Như vậy, với kết quả nói trên, Vinatex đã thực hiện được 41% chỉ tiêu doanh thu và 89% chỉ tiêu lãi trước thuế 2021.

Tại ngày 30/6/2021, tổng tài sản của tập đoàn ghi nhận hơn 18.751 tỷ đồng, tăng 4% so với hồi đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn hơn 2,815 tỷ đồng, tăng 6%.

Dịch Covid-19, thiếu hụt nhân sự ngành dệt may

Tài chính - Ngân hàng - Tập đoàn Dệt may Việt Nam báo lãi đậm (Hình 2).

Thiếu hụt lao động là thách thức lớn cho ngành dệt may thời gian tới.

Theo hiệp hội Dệt may Việt Nam, hiện mới chỉ có khoảng 3% doanh nghiệp trong ngành dệt may có thể đáp ứng “3 tại chỗ” để sản xuất, toàn ngành chỉ đang vận hành 10 - 15% công suất.

Song với tiêu chí đảm bảo “mục tiêu kép”, nhu cầu tuyển dụng lao động đối với nhóm ngành này đang được đẩy mạnh do thiếu hụt nhân sự.

Báo cáo thị trường nhân sự ngành dệt may của Navigos Group vừa công bố cho thấy, trong nửa đầu năm 2021, nhu cầu tuyển dụng của ngành này đã bùng nổ.

Nguyên nhân là tình hình bất ổn ở một số quốc gia láng giềng, khiến các đơn hàng dệt may đổ về Việt Nam nhiều hơn. Trong đó, tháng 6 và 7 là mùa cao điểm của việc sản xuất các đơn hàng thời trang Thu - Đông. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này vẫn chưa quay trở lại mức tăng như năm 2019.

Navigos cho biết, ngoài lao động phổ thông, ở nhóm lao động trung và cao cấp của ngành dệt may, doanh nghiệp vẫn đang ráo riết tìm các vị trí như: người tìm nguồn cung ứng vật tư, tìm chuỗi cung ứng sản phẩm (bao gồm cả lập kế hoạch, chăm sóc và hỗ trợ khách hàng), quản lý chất lượng, phát triển mẫu mã và kỹ thuật sản phẩm. Bên cạnh đó là các vị trí về kỹ thuật như kỹ sư, cải tiến sản xuất...

Báo cáo đánh giá, so với 5 năm trước, chất lượng nhân sự ngành dệt may đã có những cải thiện rõ rệt nhờ công tác đào tạo.

Nhất là việc các doanh nghiệp liên kết với các trường cao đẳng, đại học trong việc thiết kế và ứng dụng các chương trình đào tạo liên quan đến kỹ thuật nên khi các ứng viên mới ra trường đã có thể áp dụng từ 50 - 60% kiến thức vào thực tế. Tuy nhiên, trong thời gian tới, việc thiếu hụt lao động vẫn sẽ là thách thức lớn cho ngành này.

Nguyễn Thu Huyền - Người Đưa Tin Pháp Luật