Tây Du Ký: Không phải vòng kim cô, đây mới là bảo vật giúp Tôn Ngộ Không biết hướng thiện

Ban đầu, khi mới phò tá Đường Tăng lấy kinh, Tôn Ngộ Không vẫn còn là con khỉ hung hăng, ngông cuồng nhưng nhờ một bảo vật ở Thuỷ tinh cung, hắn đã có những thay đổi, tâm bắt đầu hướng thiện hơn.

Trong tác phẩm Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, Tôn Ngộ Không được mệnh danh là Tề Thiên Đại Thánh với 72 phép biến hoá thần thông quảng đại. Hắn từng một mình đại náo thiên cung, làm đủ chuyện ngông cuồng, không sợ trời không sợ đất. Theo đó, khi mới bắt đầu nhận nhiệm vụ phò tá sư phụ Đường Tăng đi Tây Thiên thỉnh kinh, Ngộ Không vẫn mang tâm lý kẻ mạnh mà ngông nghênh như vậy.

Được biết, có một lần, hai thầy trò Đường Tăng đi giữa đường thì bất ngờ bị 6 tên cướp chặn đường, đe doạ. Thấy vậy, Tôn Ngộ Không bèn lấy gậy Như ý đập chết cả 6 người trước mặt sư phụ khiến Đường Tăng vô cùng kinh hãi. Vốn là người hướng thiện, Đường Tăng không chấp nhận được hành động trên của đại đồ đệ nên đã buông lời trách móc hành độc nhẫn tâm của Ngộ Không.

Tôn Ngộ Không vốn ngông cuồng, không sợ trời không sợ đất.

Về phía Ngộ Không, xưa nay vốn là Đại Thánh khiến ai nấy đều sợ hãi nên khi nghe sư phụ mắng nhiếc, hắn chịu không nổi bèn cưỡi mây bay về phía phương Đông, bỏ lại Đường Tăng một mình. Sau đó, Tôn Ngộ Không đã tới Đông Dương đại hải tìm Long Vương than thở về sư phụ. Cụ thể, hắn nói: "Đường Tăng không biết tính ta, có mấy thằng giặc cỏ chặn đường bị ta giết chết, mà Đường Tăng cứ càu nhàu mãi, nói ta như vậy là sai". Có thể thấy, Tôn Ngộ Không khi ấy vẫn chưa nhận ra cái sai của bản thân.

Bức tranh "Cầu Dĩ dâng giày" đã giúp Ngộ Không suy nghĩ lại, thực tâm quy y cửa Phật.

Sau đó, trong lúc uống chén trà "hạ hoả", Ngộ Không tình cờ trông thấy bảo vật là bức tranh "Cầu Dĩ dâng giày" bèn hỏi ý nghĩa. Long Vương lúc này mới giải thích: "Vị tiên này là Hoàng Thạch Công. Còn nhân vật kia là Trương Lương nhà Hán. Thạch Công ngồi trên Cầu Dĩ, bỗng bị rơi giày xuống chân cầu, bèn gọi Trương Lương nhặt hộ. Trương Lương nhanh nhẹn đi nhặt mang lên, quỳ dâng trước mặt. Ba lần như vậy, Trương Lương không chút tỏ ra lười biếng kiêu căng. Thạch Công quý mến Trương Lương cần cù lễ độ, nên đến đêm trao cho Trương Lương một cuốn thiên thư và bảo giúp cho nhà Hán. Về sau, quả nhiên Trương Lương mưu tính trong màn trướng mà quyết đoán được sự thắng bại ở nơi nghìn dặm. Sau khi thái bình rồi, ông ta từ quan vào núi, theo Xích Tùng Tử học được đạo tiên. Đại thánh ạ, ngài không theo Đường Tăng, không chịu khó nhọc, không nghe dạy bảo, cuối cùng vẫn chỉ là một con yêu quái mà thôi, thành chính quả sao được!"

Nghe vậy, Ngộ Không chỉ im lặng, không nói gì thêm về bức tranh và quay đầu rời đi, nói rằng: "Ta đi hộ vệ Đường Tăng". Có thể thấy, ý nghĩa câu chuyện trong bức tranh "Cầu Dĩ dâng giày" phần nào đã giúp Tôn Ngộ Không "nghĩ thông" và thật tâm muốn tu luyện, hướng thiện.