Tháng giãn cách xã hội, cuộc gọi "cầu cứu" vì bị bạo lực gia đình tăng 7 lần

Trong 2 năm có dịch Covid-19, số lượng cuộc gọi tham vấn về vấn đề bạo lực gia đình tăng lên rất nhiều so với trước đó. Điều quan trọng và cần thiết đối với mỗi nạn nhân là nhận ra sự mất an toàn và lên tiếng, tìm kiếm sự hỗ trợ.

Trước những vụ việc đau lòng về bạo lực gia đình xảy ra trong thời gian qua, bà Dương Thị Ngọc Linh, Ủy viên đoàn Chủ tịch - Giám đốc trung tâm Phụ nữ và Phát triển, hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với PV Phụ nữ và Pháp luật về vấn đề này.

PV: Thưa bà, xin bà cho biết, số liệu về các cuộc gọi đến hotline nhờ tư vấn của các trường hợp phụ nữ bị bạo hành gia đình trong thời gian nghỉ dịch Covid-19. Số liệu này so sánh với những năm trước có gia tăng?

Bà Dương Thị Ngọc Linh: Theo số liệu thống kê của trung tâm Phụ nữ và Phát triển, trong tháng 4/2020 (thời gian giãn cách xã hội), tổng đài ứng phó bạo lực trên cơ sở giới của Ngôi nhà Bình yên đã tiếp nhận gần 350 cuộc gọi của những người cần hỗ trợ, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2019; công tác phối hợp với các cơ quan, chính quyền địa phương để tham vấn, tư vấn và giải quyết khẩn cấp cho các trường hợp phụ nữ cần hỗ trợ về bạo lực cũng tăng lên 40%.

Số liệu đau lòng này tiếp tục tăng trong năm nay: 6 tháng đầu năm 2021, tổng đài đã tiếp nhận hơn 1.300 cuộc gọi (tăng khoảng 140% so với năm 2020), 83% trong số các cuộc gọi liên quan đến bạo lực gia đình.

Nếu tính riêng số trường hợp được tham vấn về bạo lực gia đình đã tăng gần 60% so với năm 2020 và tăng hơn 230% so với năm 2019.
Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, 30% các cuộc gọi vào tổng đài là cuộc gọi yêu cầu giải cứu khẩn cấp do bị bạo lực gia đình của các phụ nữ tỉnh khu vực miền Nam.

Tại Hà Nội, Ngôi nhà Bình yên đã tiếp nhận, hỗ trợ 74 trường hợp, tăng 120% so với cùng kỳ năm 2020 (54 người). Ngôi nhà Bình yên tại Cần Thơ hỗ trợ 12 người tạm trú tăng 266% so với năm 2020 (6 tháng đầu năm 2020, chỉ tiếp nhận mới 3 người tạm trú).

ba-duong-thi-ngoc-linh-uv-dct-gd-trung-tam-phu-nu-va-phat-trien-1629451421.jpg
Bà Dương Thị Ngọc Linh cho biết, trong 2 năm có Covid-19, số lượng cuộc gọi tham vấn về vấn đề bạo lực gia đình tăng lên rất nhiều. (Ảnh: CWD).

Những con số đó cho thấy, trong 2 năm có Covid-19, số lượng cuộc gọi tham vấn về vấn đề bạo lực gia đình tăng lên rất nhiều so với những năm không có Covid-19. Và những hình thức như bạo lực về thể chất, tinh thần và bạo lực tình dục cũng tăng lên về cả tần suất và cả mức độ.

PV: Bà có thể chia sẻ về một số trường hợp phụ nữ bị chồng bạo hành, phải “kêu cứu” trong thời gian gần đây. Và cách hỗ trợ đối với trường hợp đó từ phía trung tâm cụ thể như thế nào?

Bà Dương Thị Ngọc Linh: Mới đây, ngày 13/8/2021, tổng đài hỗ trợ phụ nữ 24/7 của Ngôi nhà Bình yên đã tiếp nhận cuộc gọi của chị N.T.N. về việc xin tạm lánh tại Ngôi nhà Bình yên (thuộc trung tâm Phụ nữ và Phát triển, hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) do bị chồng bạo lực.

Ngay lập tức, khoảng 13h50 cùng ngày, phòng Tham vấn Ngôi nhà Bình yên đã tiếp nhận hỗ trợ 3 mẹ con trong tình trạng khẩn cấp. Chị N. đến trong tình trạng bị bạo lực nghiêm trọng, toàn thân bị đánh, mình mẩy ê ẩm, tinh thần hoảng loạn; 3 mẹ con đến xin tạm lánh khi trên người không mang theo được bất kỳ thứ gì, giấy tờ tùy thân đã bị người chồng xé hết, người mẹ chỉ kịp mang theo 2 con đi cùng. Chị cho biết, đã bị chồng bạo lực hơn 10 năm qua và thời gian gần đây tình trạng bạo lực ngày càng nghiêm trọng hơn.

Đây là một trong những trường hợp hỗ trợ khẩn cấp của Ngôi nhà Bình yên. Đối với những trường hợp này, nhân viên tham vấn trực tổng đài khi tiếp nhận các cuộc gọi khẩn cấp yêu cầu hỗ trợ sẽ nhanh chóng hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn cho nạn nhân, nếu cần thiết phải có biện pháp tách nạn nhân khỏi người gây bạo lực, tạo điều kiện để nạn nhân có thể được tạm lánh trong tình huống cấp bách.
Trong giai đoạn đầu Bắc Giang đang bị phong tỏa, nhân viên trực tổng đài của trung tâm đã kết nối với hội Phụ nữ địa phương để giải cứu, hỗ trợ, đưa mẹ con 1 phụ nữ rời khỏi Bắc Giang do bị chồng bạo lực.

7671433647db7b469ebbea901ff4cf19-1629430472.jpg
Theo đó, phụ nữ khi nhận thấy sự an toàn của bản thân bị đe dọa, việc tìm đến những nơi tạm lánh an toàn là giải pháp đúng đắn. (Ảnh minh họa).

Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, 30% các cuộc gọi vào tổng đài là cuộc gọi yêu cầu giải cứu khẩn cấp do bị bạo lực gia đình của phụ nữ các tỉnh khu vực miền Nam. Rất nhiều tỉnh không có hoặc rất xa nơi tạm lánh nên việc tách rời họ khỏi môi trường bạo lực ngay lập tức là không khả thi.

Bởi vậy, nhân viên tham vấn trực tổng đài phải liên hệ với hội Phụ nữ địa phương đề nghị hỗ trợ. Để hỗ trợ tại chỗ và ngay lập tức, nhân viên tham vấn đã gợi ý, thảo luận cùng nạn nhân tìm giải pháp và lên kế hoạch an toàn trong chính ngôi nhà của họ.

PV: Vậy, phụ nữ cần phải làm gì để tự bảo vệ mình trong chính ngôi nhà đáng lẽ là nơi an toàn và bình yên nhất của mình, thưa bà?

Bà Dương Thị Ngọc Linh: Đối với nhiều người, gia đình là nơi an toàn và bình yên nhất nhưng cũng có những người lại là nạn nhân bị bạo lực trong chính gia đình mình. Khi các cánh cửa khép lại, chị em ở trong chính ngôi nhà của mình lại khó lên tiếng.

Khi sự an toàn của bản thân bị đe dọa, việc tìm đến những nơi tạm lánh an toàn là giải pháp đúng đắn. Điều quan trọng và cần thiết đối với mỗi nạn nhân bị bạo lực đó là nhận ra sự mất an toàn của bản thân và hãy lên tiếng, đứng lên tìm kiếm sự hỗ trợ.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!