Thành phố chết độc nhất trên thế giới

Đầu thế kỷ 20, một thành phố nhỏ mọc lên gần San Francisco (Mỹ) gồm chủ yếu là các nghĩa trang. Thành phố chết Colma ra đời nhờ “cơn sốt” tìm vàng và… bệnh dịch tả.

Ở Colma có người gọi những xác chết quanh nhà họ là "hàng xóm“. “Colma - thành phố đáng sống” - là khẩu hiệu của cái thành phố nằm cách San Francisco khoảng 10 cây số về phía Nam này. Mới nghe cũng không có vẻ gì là khôi hài. Cái thị trấn nhỏ bé này nằm len giữa những quả đồi cỏ mọc um tùm và các câu lạc bộ chơi Golf. Ở đây hầu như không cảm thấy không khí stress của đô thị lớn. Chỉ mỗi tội yên lặng, rất yên lặng mà thôi.

Cái tĩnh lặng đó là do cơ cấu cư dân ở đây, vì trong số hơn 1,5 triệu người ở đây, chỉ có 0,1% là người sống. “Chúng tôi tự phong cho mình là thành phố chết duy nhất ở Mỹ”, bà Maureen O’Connor chủ tịch Hội lịch sử Colma nói, "thành phố duy nhất trước hết dành cho các nghĩa trang”.

Một nghĩa trang ở Colma

Ở đây có tổng cộng 18 nghĩa trang cho người công giáo, người chính thống giáo Hy Lạp, nguời Nhật, người Serbia, người Italia, người Do Thái và cho... động vật, nơi khoảng 13.000 vật nuôi được chôn cất, đủ loại từ cá cảnh đến báo gê-pa (báo săn), có cả con chó của siêu sao Tina Turner được chôn trong một chiếc áo khoác lông thú của nghệ sĩ này.

Dưới đất Colma còn có các nhân vật lừng danh khác nữa, như huyền thoại thời hỗn loạn của miền Tây nước Mỹ Wyatt Earp hay ông trùm truyền thông William Randolph Hearst hoặc Levi Strauss, người sáng chế ra đồ Jeans huyền thoại.

Cái chết hiện hữu khắp nơi ở đây. Hàng dãy các khối đá, bia đá, thập tự bằng đá cẩm thạch và hình thiên thần vươn lên mọi phương trời. Cứ nơi nào còn chỗ, là ở đó người chết chiếm ngự, ngay cả khi người sống không nhận ra. Ví dụ như chỗ góc phố đi bộ Colma Boulevard và El Camino Real có một thảm có nhỏ bé, thoạt nhìn như một mảnh đất chưa xây dựng, nhưng thực ra đây là một nghĩa trang cho 12.000 người nghèo – không có bia mộ. Ngay cả khe hở giữa chợ bán đồ xây dựng và siêu thị cũng ló lên một khối đá giản dị đánh dấu một ngôi mộ tập thể của 28.000 người.

Tuy vậy, điều đặc biệt ở Colma không phải là số người chết, cũng không phải con số trung bình 75 người mới được chôn mỗi ngày ở đây, mà là việc đa số người chết trong số 1,5 triệu người yên nghỉ ở đây đã từng được chôn cất lần đầu ở một chỗ khác – cho đến khi tiền thuê đất nghĩa trang quá đắt và phải chuyển nhà.

Cơn sốt vàng và dịch bệnh

Nguyên nhân sâu xa của "cuộc bốc mộ vĩ đại này là cơn sốt vàng bùng nổ ở California năm 1848. Khi đó hàng trăm nghìn người kéo đến California để tìm vàng, nhiều người đến một thành phố cảng nhỏ bé tên là San Francisco. Eo biển bên cạnh San Francisco nhanh chóng được gọi là “Cổng vàng”. Năm 1848, dân số thành phố chỉ khoảng nghìn người, một năm sau, đã là 25.000 người.

Người mới đến kéo theo những vấn đề mới. Họ đem theo bệnh tật như dịch tả, thương hàn, sốt vàng da. Trong cái thành phố vô vọng vì quá đông người này tình trạng vệ sinh trở nên cực kỳ kinh khủng. Thế là San Fancisco, bên cạnh những công dân mới, còn phải xử lý cơn sóng của người chết nữa.

Đất đai cũng nhanh chóng trở nên quá chật chội đối với người chết. Hồi đó, ở Mỹ đất phần mộ không được cho thuê có thời hạn, mà được mua đứt. Thế là ở San Fancisco diện tích dành cho việc chôn cất liên tục tăng, cho đến khi cả thành phố có tới 27 nghĩa trang. Đồng thời nhu cầu chỗ ở cho người sống cũng gia tăng do người nhập cư vẫn đổ xô đến đây kể cả cơn sốt vàng chấm dứt năm 1854. Khác với người chết, người sống có nhiều tiền để mua nhà cửa. Lẽ ra phải là công chuyện kinh doanh cực hời của thành phố - nếu không có nhiều người chết ngáng chân.

Cuộc bốc mộ quy mô nhất lịch sử

Năm 1900, người ta quyết định cấm mở rộng các nghĩa trang của thành phố và từ năm1902 không cho phép mai táng trong thành phố nữa. Các công ty quản lý nghĩa trang đứng bên bờ phá sản. 

Một nhóm các tổ chức, trong đó có nhiều nhà thờ, đứng ra mua đất đai ở phía Nam San Fancisco để xây dựng nghĩa trang mới. Trong khi các nghĩa trang thành phố thường là những khu vực hoang vắng, chỉ những kẻ đáng ngờ vật vờ ở đó, thì ở đây mọc lên những vườn nghĩa trang, với những thảm cỏ, vườn hoa và đường đi được các chuyên gia cảnh quan thiết kế. Đây là nơi nghỉ ngơi, chứ không phải chỗ của cái chết. Cuối tuần, người thành phố chạy xe ra đây để thư giãn.

Tháng 1/1914, thị trưởng thành phố San Francisco - ông Jim Rolph tuyên bố chính quyền “có nghĩa vụ với người sống nhiều hơn là với người chết” và ký một đạo luật bốc người chết đã chôn ở San Francisco đến các nghĩa trang nằm ngoài thành phố.

Dự án khủng đó kéo dài vài chục năm. Mỗi ngôi mộ được bốc đi, người thân phải trả cho thành phố 10 đô la. Tuy nhiên không phải ai cũng trả được hoặc muốn trả, vì trước sau thành phố cũng phải bốc đi hết. Cho đến năm 1941, người ta bốc và chuyển bằng... đường tàu hỏa khoảng 15.000 người chết đến các ngôi mộ tập thể nằm trong các nghĩa trang mới bên ngoài thành phố.

Trong khi đó San Francisco tiếp tục phát triển bùng nổ, cho đến khi những khu đô thị mới ven thành phố tiến gần đến các nghĩa trang mới đó. Người ta lại phải bốc những người chết lên và di dời một lần nữa? Các công ty quản lý nghĩa trang đã ngăn chặn việc đó bằng một biện pháp khác thường: Họ đâm đơn đề nghị công nhận khu vực các nghĩa trang của họ là một thành phố. Thế là năm 1941, thành phố Colma ra đời.

Ngày nay, các nghĩa trang chiếm 73% diện tích thành phố Colma. Người dân ở đây không thấy phiền vì điều đó. Họ coi các nghĩa trang là những khu vườn, công viên của họ, nơi họ đến dạo chơi, đi picnic, nơi con cái họ nô đùa - các nghĩa trang là một phần trong cuộc sống của họ.

Theo Phan Trọng Hùng/Phụ Nữ Việt Nam