Thanh tra dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội: Nhiều vi phạm xuất hiện

Thanh tra Chính phủ khẳng định, nhiều nội dung tố vi phạm tại dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội là có cơ sở.

Ngày 25/11, Thanh tra Chính phủ (TTCP) thông báo kết luận thanh tra về việc thanh tra theo đơn tố cáo một số nội dung tại dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội.

Theo báo cáo, kết luận thanh tra, hợp đồng trọn gói về dịch vụ tư vấn thực hiện dự án, ngay khi được triển khai đã nảy sinh các tồn tại, bất cập, bất hợp lý làm phát sinh những vướng mắc giữa các bên (Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội - MRB, Tư vấn Systra, các cơ quan thẩm quyền phía Việt Nam và các đơn vị liên quan khác).

Cụ thể, trong nội dung của hợp đồng trọn gói có sự bất cập, thiếu sót, nhiều nội dung không rõ ràng, dẫn đến việc hiểu khác nhau giữa các bên, ngoài ra việc hiểu nghĩa nội dung giữa bản tiếng Việt và bản tiếng Anh của các bên cũng có những điểm khác nhau nhất định.

Bên cạnh đó, đây là dự án có quy mô lớn và phức tạp đầu tiên áp dụng công nghệ và tiêu chuẩn mới của nước ngoài vào Việt Nam, nhưng hợp đồng chỉ xác định thời gian 25 tháng, với tổng giá trị 10,6 triệu euro là không khả thi, khó đáp ứng và chưa lường hết được các yêu cầu trong việc thực hiện dự án đặc biệt này.

Cũng theo TTCP, một số nội dung điều chỉnh tăng giá trị hợp đồng, nhưng không tăng nhiệm vụ, mà chủ yếu do quá trình thực hiện các nhiệm vụ của Systra bị chậm trễ, kéo dài so với tiến độ của hợp đồng trọn gói ban đầu, nên Systra phải huy động nhân sự và chi phí cho thời gian kéo dài, dẫn đến phát sinh tăng chi phí.

Cận cảnh dự án Metro Nhổn - ga Hà Nội.

Qua rà soát các nguyên nhân cho thấy việc điều chỉnh tăng giá hợp đồng tư vấn (hợp đồng trọn gói) bao gồm phần chi phí ngoài phạm vi nhiệm vụ, phần chi phí thuộc các trường hợp bất khả kháng theo quy định và phần chi phí trong phạm vi nhiệm vụ.

Tuy nhiên, khi lập, thẩm định và phê duyệt dự toán điều chỉnh bổ sung chủ đầu tư và các cơ quan chức năng đã không xác định cụ thể các khoản chi phí này. Mặt khác, quá trình thương thảo điều chỉnh hợp đồng tư vấn, chủ đâu tư không làm rõ trách nhiệm của Tư vấn Systra trong việc chậm trễ để xác định chi phí và giảm trừ khi lập dự toán bổ sung.

Trách nhiệm thuộc lãnh đạo của Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội qua các thời kỳ, các đơn vị thuộc MRB và tập thế, cá nhân có liên quan; các Sở Quy hoạch Kiến trúc, KH&ĐT.

TTCP cho biết, nội dung tố cáo việc lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu sô 1, đoạn tuyến trên cao, có dấu hiệu vi phạm pháp luật là có cơ sở.

Cụ thể, việc đánh giá giữa Tư vấn Systra và chủ đầu tư không thống nhất, có sự không minh bạch, không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đấu thầu, lựa chọn nhà thầu theo Luật Đấu thầu.

Ngày 18/10/2013, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội đã họp với Liên danh Ciencol-Lotte. Tại buổi làm việc, Liên danh Ciencol-Lotte tôn trọng kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu của Tư vấn Systra và Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội. Kết quả Nhà thầu Dealim đã trúng thầu với giá dự thầu là 65,2 triệu euro.

Việc sai phạm trong công tác đấu thầu đã được Sở KH&ĐT nêu trong văn bản 629/BC-KHĐT ngày 28/6/2013: vi phạm Điều 29 Luật Đấu thầu số 61/2005 và Điều 18 Nghị định số 85/2009 về Hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn Nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng.

Tương tự, nội dung tố cáo việc lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu số 3, hầm và các ga ngầm có dấu hiệu vi phạm pháp luật là có cơ sở.

Cụ thể, nhà thầu JV và MRB đã ký hợp đồng thi công Gói thầu số 3 khi chưa có mặt bằng sạch bàn giao cho nhà thầu để thi công. Nhà thầu JV đề nghị bổ sung chi phí vào giá hợp đồng dựa trên “Kế hoạch thi công sơ bộ” đã được xây dựng trên các mốc thời gian bàn giao mặt bằng công trình và đã được chứng thực.

Tuy nhiên, đến thời điếm thanh tra vẫn chưa bàn giao đầy đủ mặt bằng của Gói thầu CP03. Hiện tại mặt bằng các ga 9,10,11 đang điều chỉnh quy hoạch, chưa thể GPMB được, dẫn tới chưa có mặt bằng để bàn giao cho nhà thầu trong thời gian này.

Việc chậm bàn giao mặt bằng cho Nhà thầu thi công theo hợp đồng, dẫn đến Nhà thầu phải điều chỉnh kế hoạch triển khai theo hợp đồng đã ký, do đó Nhà thầu đã yêu cầu bổ sung khoản kinh phí cho việc này khoảng 40 triệu USD, nguy cơ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Thanh tra Chính phủ đề nghị xem xét, đảm bảo quyền lợi cho người tố cáo. Trong đơn tố cáo, ông Bình cho rằng có dấu hiệu trù dập, loại bỏ người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí thông qua công tác cán bộ.

Về nội dung này, TTCP cho hay trước khi ông Bình có đơn tố cáo thì ông đã có một số báo cáo về những sai phạm của MRB lên Bí thư Thành ủy Hà Nội và Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Ủy ban kiểm tra Thành ủy đã tố chức giám sát, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã giao Chánh Thanh tra TP Hà Nội thành lập Đoàn thanh tra để xem xét, nhưng ông Bình không nhất trí và tiếp tục có đơn gửi lên các cơ quan Trung ương tố cáo về các sai phạm của Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội.

Trong quá trình công tác ở vị trí Phó Trưởng ban, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội, ông Bình không bị kỷ luật gì và luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, nguyên nhân không được bổ nhiệm lại là khi lấy phiếu tín nhiệm trong hội nghị cán bộ viên chức, ông Bình không đạt tỷ lệ số phiếu cần thiết.

Tuy nhiên, kết quả lấy phiếu tín nhiệm của tập thể Đảng ủy Ban và Lãnh đạo Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội thì ông Bình đạt số phiếu. Do đó, TTCP đề nghị Thành ủy Hà Nội xem xét lại quá trình công tác của ông Bình, trên cơ sở đó đảm bảo quyền lợi cho ông Bình, không để tình trạng khiếu kiện kéo dài.