"Thổi phồng" công dụng, Slimvita Plus vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo

Cục An toàn thực phẩm (bộ Y tế) phát đi thông tin cảnh báo về việc sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Slimvita Plus đang quảng cáo không đúng về công dụng của sản phẩm, gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Trong thời gian vừa qua, qua công tác hậu kiểm việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên internet và môi trường mạng, cục An toàn thực phẩm phát hiện trên website: https://www.giamcanslimvita.top đang quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Slimvita Plus vi phạm: Quảng cáo thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

chua-co-ten-1619826316.png
Sản phẩm Slimvita Plus quảng cáo gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh. 

Được biết, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo vi phạm nêu trên do công ty CP kinh doanh và  thương mại Everest (địa chỉ: Tầng 12 tòa nhà Văn phòng Viwaseen Tower, số 48 đường Tố Hữu, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm.

Quá trình hậu kiểm, Công ty CP kinh doanh và  thương mại Everest không thừa nhận website nêu trên là của Công ty, Công ty không chịu trách nhiệm về việc quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Slimvita Plus trên website nêu trên.

Để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, tránh sử dụng sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật về công dụng sản phẩm, trong thời gian cục An toàn thực phẩm phối hợp với các cơ quan chức năng của bộ Thông tin và Truyền thông xử lý vụ việc, cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Slimvita Plus quảng cáo vi phạm trên website nêu trên.

Theo quy định thực phẩm chức năng, tuyệt đối không được ghi là thuốc, có tác dụng điều trị bệnh, thay đổi chức năng bộ phận cơ thể người.

“Quảng cáo quá mức khiến người tiêu dùng tin theo, lúc họ mắc bệnh thay vì đến bệnh viện, họ lại tin vào quảng cáo dùng sản phẩm đó để chữa bệnh. Hậu quả bệnh bệnh sẽ nặng hơn, gây khó khăn cho việc điều trị bệnh, thậm chí với một số bệnh như ung thư sẽ mất đi “cơ hội vàng”, khi bệnh đã bước sang giai đoạn muộn”- PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cảnh báo.

Quảng cáo thực phẩm chức năng/TPBVSK gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 70 của Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/ 2013của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo với mức phạt tiền từ 20.000.000-30.00.000 đồng đối với cá nhân và mức phạt tiền của tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, đồng thời phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm buộc cải chính thông tin.