Thông báo mới nhất về thời gian nghỉ của học sinh Hà Nội

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu tất cả các trường học cho học sinh nghỉ học đến 15/4.
Học sinh Hà Nội sẽ tiếp tục được nghỉ học đến 15/4. Ảnh: Trí Thức Trẻ.

Căn cứ vào tình hình thực tế của dịch bệnh Covid-19, ngày 27/3, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu tất cả các trường học nghỉ học đến 15/4, theo Trí Thức Trẻ.

Tính đến ngày 27/3, đã có 41 tỉnh thành đã kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh từ 2-3 tuần (đến giữa tháng 4 hoặc chờ có thông báo mới). Đặc biệt, học sinh THPT ở nhiều nơi cũng được nghỉ sau thời gian dài đến lớp trở lại.

Trước đó, ngày 26/3, bộ GD-ĐT đã ban hành Hướng dẫn dạy học qua hai hình thức này đối với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên năm học 2019-2020.

Hướng dẫn của Bộ GDĐT hướng tới 4 mục tiêu là: giúp học sinh được học theo chương trình giáo dục phổ thông trong thời gian nghỉ học ở trường để phòng chống Covid-19; phát triển năng lực tự học của học sinh và nâng cao kỹ năng tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình của giáo viên; tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường và gia đình trong việc tổ chức, hỗ trợ học sinh trong học tập; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học theo hướng tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, là những mục tiêu tiếp theo.

Yêu cầu đối với với dạy học qua internet, trên truyền hình

Hướng dẫn của bộ GD-ĐT quy định rõ các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, bài học và học liệu, việc tổ chức hoạt động dạy học. Trong đối tượng tham gia vào hoạt động này và có liên quan, như: cơ sở giáo dục, giáo viên, cán bộ hỗ trợ kỹ thuật, học sinh, phụ huynh, sở/phòng GD-ĐT đều được phân vai, phân nhiệm rõ ràng.

Theo đó, để tổ chức dạy học trên internet, cơ sở giáo dục cần xây dựng kế hoạch dạy học thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và các quy định, hướng dẫn của bộ GD-ĐT. Tổ chuyên môn, giáo viên xây dựng các bài học, học liệu để tổ chức dạy học theo kế hoạch của nhà trường; góp ý nội dung bài học và học liệu được tổ chức dạy học qua internet. Ngoài yêu cầu phải đảm bảo hạ tầng kỹ thuật để tổ chức và quản lý hoạt động dạy học theo hình thức này của giáo viên, học sinh, cơ sở giáo dục còn có trách nhiệm phối hợp với gia đình trong việc tổ chức thực hiện.

Giáo viên khi dạy học trên internet cho học sinh cần tổ chức các hoạt động như: thực hiện nhiệm vụ học tập, trao đổi, thảo luận giữa học sinh với nhau và giữa học sinh với giáo viên.

Đối với dạy học trên truyền hình, ngoài xây dựng kế hoạch dạy học chung cho nhà trường, cơ sở giáo dục cần thông báo thời khoá biểu theo lịch phát sóng các bài học cho giáo viên, học sinh, phụ huynh, để phối hợp tổ chức cho các em học tập. Cơ sở có trách nhiệm quản lý, giám sát, đánh giá, công nhận kết quả học tập của học sinh trong việc tổ chức dạy học theo hình thức này.

Các giáo viên, ngoài xây dựng kế hoạch, tổ chức, hướng dẫn học sinh học các bài được phát trên truyền hình, cần gửi tài liệu hướng dẫn, giao nhiệm vụ học tập cho các em theo các bài học trước khi được phát trên truyền hình. Quá trình học sinh học trên truyền hình, giáo viên phối hợp với gia đình để hướng dẫn, giám sát các em nhằm đảm bảo chất lượng.

Đối với cả hai hình thức dạy học qua internet và trên truyền hình, khi học sinh đi học trở lại, giáo viên có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá mức độ nắm vững kiến thức học sinh đã học qua các hình thức này. Từ đó, giáo viên tổ chức ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức cho học sinh trước khi dạy các bài học tiếp theo.

Học sinh tham gia học tập qua internet, trên truyền hình cần thực hiện đầy đủ nhiệm vụ học tập mà giáo viên giao, nộp báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập để thầy cô nhận xét, đánh giá.

Công nhận kết quả đánh giá thường xuyên

Hướng dẫn của bộ GD-ĐT quy định, trong quá trình tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình, giáo viên phụ trách môn học trực tiếp kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh thông qua các bài kiểm tra trên hệ thống dạy học qua internet; sử dụng các hình thức phù hợp để kiểm tra, đánh giá kết quả học tập trên truyền hình.

Kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên này được sử dụng thay cho các bài kiểm tra thường xuyên theo quy định của bộ GD-ĐT về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Cơ sở giáo dục phổ thông quản lý, theo dõi, giám sát việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên kết quả học tập của học sinh qua internet, trên truyền hình, bảo đảm công bằng, khách quan, trung thực.