Thừa kế đất từ cha, mẹ có phải nộp phí không?

Cha tôi đã qua đời và trong di chúc có để lại cho tôi một mảnh đất. Vậy để nhận thừa kế mảnh đất này, tôi cần phải thực hiện những thủ tục gì và có phải nộp phí gì không?

Người hỏi: Xuân Tùng - Hải Phòng

Trả lời:

Cảm ơn Quý độc giả đã gửi câu hỏi đến Tòa soạn Phụ nữ & Pháp luật. Đối với các yêu cầu tư vấn của Quý độc giả, sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, chúng tôi có một số trao đổi như sau:

[1] Về thuế thu nhập cá nhân:

Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế thường áp dụng đối với hoạt động chuyển quyền sử dụng đất. Nhưng riêng đối với trường hợp di sản thừa kế của cha, mẹ với con cái được pháp luật quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định 65/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật thuế thu nhập cá nhân và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thuế thu nhập cá nhân như sau:

“Điều 4: Thu nhập được miễn thuế:

Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản (bao gồm cả nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản) giữa: Vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị em ruột với nhau.”
Vậy, thu nhập nhận được từ thừa kế bất động sản giữa cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ thuộc trường hợp miễn thuế thu nhập cá nhân.

[2] Về lệ phí trước bạ:

Lệ phí trước bạ là loại phí áp dụng đối với các cá nhân, tổ chức khi đăng ký sử dụng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nhà, đất. Nhưng đối với trường hợp cha mẹ để thừa kế cho con cái là nhà và đất thì được quy định tại khoản 10 Điều 9 Nghị định 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ như sau:

“Điều 9: Miễn lệ phí trước bạ:

Nhà, đất nhận thừa kế hoặc là quà tặng giữa: Vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau nay được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.”
Vậy, việc đăng ký quyền sử dụng đất đối với mảnh đất được nhận thừa kế từ cha, mẹ ruột được miễn lệ phí trước bạ

[3] Thủ tục khai nhận di sản thừa kế:

Về địa điểm mở thừa kế: Theo khoản 2 Điều 611 Bộ luật dân sự 2015, địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản.

Về hồ sơ khai nhận thừa kế:

Cơ quan tiến hành khai nhận di sản thừa kế có thể bất kỳ tổ chức hành nghề công chứng nào trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi có bất động sản hoặc ủy ban nhân dân xã, phường. Hồ sơ khai nhận di sản thừa kế gồm:

– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nếu di sản để lại là bất động sản như nhà cửa, đất đai, công trình xây dựng khác…

– Giấy chứng tử.

– Giấy tờ tùy thân của những người nhận thừa kế.

– Những giấy tờ khác nếu có (như: Giấy khai sinh của anh/chị/em; giấy chứng tử của bố mẹ người mất; giấy đăng ký kết hôn của người để lại di sản;…).

Sau khi xác nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, hồ sơ khai nhận di sản thừa kế sẽ được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thực hiện mở thừa kế niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông tin được niêm yết công khai, nếu không nhận được tố cáo hay khiếu nại gì thì tổ chức hành nghề công chứng sẽ tiến hành công chứng văn bản chia di sản thừa kế theo quy định tại Điều 57 Luật Công chứng 2014.

Người khai nhận di sản thừa kế phải chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ theo quy định của pháp luật như trên thì khi làm thủ tục khai nhận di sản mới hợp pháp và sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật. Khi đó, người thừa kế sẽ chịu phí khai nhận di sản thừa kế theo quy định của pháp luật.

Tư vấn bởi Hoàng Thúy Quỳnh – Công ty Luật FDVN