Thực hư thông tin "cả nhà tổ trưởng xông vào đánh dân vì tiền trợ cấp"

Công an xác định những người trong đoạn clip xô xát là vì tranh giành chỗ bán hàng không liên quan đến vấn đề tiền trợ cấp dịch Covid-19.

Theo thông tin trên báo Lao động, trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip với nội dung “Cả nhà tổ trưởng dân phố xông vào đánh tôi vì tiền trợ cấp”.

Trong clip có hình ảnh một số người đàn ông xảy ra xô xát với một phụ nữ lớn tuổi khiến nạn nhân té ngã, bị đau nhiều chỗ trên người.

Đoạn clip sau khi xuất hiện khiến nhiều người xem bức xúc. Vụ việc được xác định xảy ra tại một ngôi nhà bán trái cây trên đường Tân Kỳ Tân Quý, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TPHCM.

to-truong-1634260399.jpg
Hình ảnh bà H và chị ruột sau khi bị hai người đàn ông bất ngờ tấn công. Ảnh cắt từ clip

Công an phường Tân Sơn Nhì đã tiếp nhận vụ việc, xác định vụ việc là do mâu thuẫn người thân trong gia đình từ việc tranh giành chỗ bán trái cây. Thông tin “Cả nhà tổ trưởng dân phố xông vào đánh tôi vì tiền trợ cấp” là hoàn toàn không chính xác.

Theo tìm hiểu, bà N.T.K.H (45 tuổi) làm chủ chỗ bán trái cây trên. Ngày 10/10, bà H. cùng chị ruột là bà N.T.V (52 tuổi) đang ở chỗ bán thì xuất hiện hai người đàn ông xông tới đánh tới tấp khiến chị em bà H. té ngã. Khi có nhiều người đến can ngăn thì vụ việc mới dừng lại.

Báo Pháp luật TP.HCM dẫn thông tin từ đại diện Công an phường Tân Sơn Nhì cho biết, đơn vị đã tiếp nhận thông tin phản ánh và mời các bên liên quan đến trụ sở để làm rõ. Công an xác định nguyên nhân vụ việc là do mâu thuẫn trong việc buôn bán giữa họ hàng với nhau chứ không liên quan đến vấn đề tiền trợ cấp.

TS Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết: Hành vi đưa tin giả mạo nêu trên có thể nhằm nhiều mục đích khác nhau như câu view, muốn nổi tiếng, làm mất uy tín của cá nhân tổ trưởng dân phố hoặc cũng có khả năng có ý đồ làm mất uy tín của hệ thống chính trị địa phương trong công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, dù cố tình hay vô ý, hành vi này là sai trái, phạm luật, cần lên án và bị xử lý nghiêm.

Theo ông Tuấn, trong vụ việc này, nếu cơ quan chức năng xác định việc đưa tin với mục đích cá nhân như câu view, muốn nổi tiếng… thì sẽ tiến hành xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền 10-20 triệu đồng (áp dụng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm bị phạt một nửa so với tổ chức). Căn cứ để xử phạt theo các điểm a, d khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020 (quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội).

“Nếu xác định người đưa tin giả mạo với mục đích gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của chính quyền địa phương trong công tác phòng chống dịch thì hành vi này có thể bị xử lý hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 BLHS. Mức phạt đối đa của điều luật này lên đến bảy năm tù” - TS Phan Anh Tuấn nêu quan điểm.

Cũng theo ông Tuấn, vấn đề hiện nay là các cơ quan chức năng cần nhanh chóng xác minh để đưa ra xử lý hành vi này. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự để tuyên truyền pháp luật cho người dân về nhận diện và xử lý hành vi đưa tin giả mạo. Các cơ quan truyền thông, báo chí cùng với sự đồng hành của bạn đọc, người dân… cần chỉ ra các thông tin xuyên tạc, bịa đặt.