Tiêm vắc-xin là “tấm khiên” giúp học sinh trở lại trường

Thầy cô mong mỏi học sinh sớm được tiêm vắc-xin phòng Covid-19, trong khi đó chuyên gia y tế thì cho rằng việc này là cần thiết trước khi các em trở lại trường.

Mong học sinh được tiêm sớm

Tại Hội nghị trực tuyến để đánh giá và tiếp tục triển khai các giải pháp bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em, kịp thời ngăn chặn tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến trẻ em do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tổ chức, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết tính hết 31/8, cả nước có gần 40.000 trẻ em là F0, F1. Trong đó, Tp. Hồ Chí Minh là địa phương có số trẻ em là F0, F1 cao nhất với khoảng 2.500/40.000 bệnh nhân đang điều trị (tính đến ngày 1/9).

Cũng tại hội nghị ngành giáo dục toàn quốc vào cuối tháng 8, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ Y tế tìm nguồn vắc-xin tiêm cho trẻ em để trẻ có thể được đến trường.

Trao đổi với Người Đưa Tin về vấn đề ngành giáo dục đã có những kế hoạch đề xuất như thế nào để triển khai tiêm vắc-xin cho học sinh. Ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tp. Hà Nội cho biết: “Sở đã có đề xuất để tiêm sớm cho các học sinh, tuy nhiên vẫn cần phải chờ kế hoạch của Thành phố và Chính phủ. Đặc biệt, vẫn cần có đủ nguồn vắc-xin thì mới có thể triển khai tiêm cho học sinh, khi có đủ số lượng thì đây sẽ là nhóm đối tượng được ưu tiêm để các em sớm quay trở lại trường học”.

Cũng trả lời cho vấn đề trên, ông Trần Nguyễn Minh Thành, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tp. Đà Nẵng chia sẻ: “Chúng tôi đã có văn bản đề xuất UBND Thành phố và Sở Y tế sớm triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin cho học sinh các khối. Tuy nhiên, cụ thể triển khai như thế nào, ưu tiên nhóm học sinh nào thì vẫn cần sự tham mưu và phối hợp của Sở Y tế”.

Sự kiện - Tiêm vắc-xin là “tấm khiên” giúp học sinh trở lại trường

Các thầy cô mong học sinh sớm quay trở lại trường học.

Trong khi đó, chia sẻ tâm tư của mình, các thầy cô giáo trên địa bàn Thành phố Hà Nội cũng rất mong muốn các em học sinh sớm được ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Hiệu trưởng Trường THPT Tây Hồ, quận Tây Hồ, Hà Nội chia sẻ: “Nhà trường rất mong muốn Thành phố sớm triển khai tiêm vắc-xin cho học sinh để các em có thể sớm quay trở lại trường học. Bởi, hiện nay học online vẫn có nhiều hạn chế trong việc giao tiếp, truyền đạt kiến thức. Theo tôi, khi được tiêm đủ vắc-xin, sớm được đến trường thì hiệu quả học tập vẫn tốt hơn là học tại nhà”.

Vắc-xin phải đảm bảo an toàn mới tiêm

Thông tin riêng với Người Đưa Tin, đại diện Bộ Y tế cho biết, việc chích ngừa vắc-xin cho trẻ em đang được Bộ Y tế xem xét. Nhưng, hiện chưa có một vắc-xin nào chỉ định dùng cho trẻ em, các nước mới đang thử nghiệm tiêm dành cho nhóm này, WHO cũng chưa khuyến cáo.

“Bộ Y tế đang xem xét và tìm hiểu thêm các đối tác cung cấp vắc-xin xem trong thời gian tới có thể cung cấp loại vắc-xin cho trẻ em hay không, làm việc sớm và đặt mua. Kế hoạch là Bộ Y tế sẽ tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi trong năm 2022, hiện đang tìm kiếm các nguồn”, vị đại diện này thông tin.

Tuy nhiên, vị này cũng nhấn mạnh vắc-xin phải được phê chuẩn cho trẻ em, đảm bảo an toàn thì Bộ Y tế mới tiêm.

Năm 2022 đảm bảo tiêm đủ cho toàn bộ dân số từ 5 tuổi trở lên

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 diễn ra sáng 11/9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dự kiến từ nay đến cuối năm 2021 sẽ có khoảng 103,4 triệu liều vắc-xin về Việt Nam. Bộ Y tế đã và đang đàm phán và trao đổi với các đơn vị để cung ứng vắc-xin cho năm 2022 theo nguyên tắc đảm bảo tiêm đủ cho toàn bộ dân số từ 5 tuổi trở lên và thực hiện việc tiêm nhắc lại theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Nhìn nhận dưới góc độ chuyên môn, Ths.BS. Dương Quốc Phong, giảng viên khoa Y - ĐHQG TP.HCM, bác sĩ tại bệnh viện Thống Nhất Tp.HCM cho rằng việc tiêm vắc-xin cho trẻ em có nhiều ý nghĩa.

Bác sĩ Phong cho hay: “Mặc dù ít bị nhiễm hơn so với người lớn, nhưng trẻ em vẫn có thể bị nhiễm virus gây ra bệnh Covid-19, mắc bệnh và truyền virus sang cho những người khác. Trẻ em nếu nhiễm Covid-19 thì các triệu chứng cũng nhẹ hơn so với người lớn, giống cảm cúm thông thường. Tuy nhiên, trẻ em có thể là nguồn lây cho các thành viên khác trong gia đình, vì vậy việc tiêm chủng cho trẻ em cũng vô cùng cần thiết. Ngoài ra, một số đối tượng trẻ em cũng có thể diễn tiến nặng khi mắc Covid-19 bao gồm: Tăng áp phổi, bệnh tim bẩm sinh, rối loạn nội tiết bẩm sinh,...”.

Sự kiện - Tiêm vắc-xin là “tấm khiên” giúp học sinh trở lại trường (Hình 2).

Cần có đủ số lượng vắc-xin mới có thể triển khai tiêm cho đối tượng học sinh.

Theo bác sĩ Phong, để đẩy nhanh tiến độ có vắc-xin để tiêm cho trẻ em, cần phải tuyên truyền về hiệu quả bảo vệ của vắc-xin đối với trẻ em cho phụ huynh hiểu.

Thêm nữa, cần có nguồn vắc- xin sẵn có để có thể sẵn sàng tiêm 2 mũi. Đồng thời, có công tác tổ chức phù hợp với các điểm tiêm thân thiện cho trẻ em.

Cần xây dựng quy trình khám sàng lọc trước tiêm chủng và quy định rõ các đối tượng được tiêm, hoãn tiêm và không nên tiêm.

Cần có hệ thống chăm sóc và giải đáp các thắc mắc về việc tiêm chủng cho phụ huynh trước và sau tiêm.

Bác sĩ Phong cũng kỳ vọng thời gian tới sẽ có đủ vắc-xin để tiêm cho trẻ. Đồng thời, đưa ra lưu ý phụ huynh cần chuẩn bị kiến thức về vắc-xin và cách chăm sóc trẻ trước, trong và sau tiêm chủng.

Phụ huynh nên nói chuyện và giải thích cho trẻ về việc đi tiêm và lợi ích của việc tiêm chủng trước khi đến điểm tiêm; cần thông báo với bác sĩ hoặc nhân viên y tế về bất kỳ loại dị ứng nào mà trẻ đang có; động viên tinh thần cho trẻ trong quá trình chờ tiêm.

Sau khi tiêm vắc-xin, cần ở lại điểm tiêm 30 phút để có thể theo dõi trong trường hợp trẻ bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng và cần được điều trị ngay lập tức. Theo dõi các phản ứng sau tiêm có thể xảy ra trong các ngày sau đó.

Nhiều nước đã tiêm vắc-xin cho trẻ em

Thống kê của CDC Mỹ cho hay lượng trẻ 12 - 17 tuổi nhập viện do mắc Covid-19 và chưa tiêm vắc- xin nhập viện cao gấp 10 lần nhóm đã tiêm. Đến hết tháng 7 đã có 32% thiếu niên 12 - 17 tuổi ở Mỹ hoàn thành 2 mũi tiêm.

Pháp là một trong những nước đầu tiên khối EU cho phép người từ 12 tuổi trở lên tiêm vắc- xin Covid-19 Pfizer. Theo The Connexion, bắt đầu từ ngày 15/6 đến ngày 19/8, hơn 56% người thuộc nhóm tuổi 12-17 nước này đã tiêm ít nhất một liều vắc- xin trong khi 32,4% đã tiêm đầy đủ.

Tại Vương quốc Anh, từ hôm 23/8, toàn bộ người từ 16-17 tuổi được phép tiêm vắc- xin. Người từ 12-15 tuổi có nguy cơ về lâm sàng hoặc ở nơi nguy cơ cao cũng sẽ được tiêm, theo Euronews. Cơ quan y tế Anh đã cấp phép cho vắc-xin của Pfizer và Moderna để tiêm cho người từ 12-17 tuổi.

Tại Ý, người từ 12-15 tuổi được phép tiêm vắc-xin Pfizer từ tháng 7 trong khi người từ 12-17 tuổi được tiêm Moderna từ tháng 8, đặt mục tiêu tiêm cho hầu hết trẻ em để kịp năm học mới.

Báo cáo gần nhất của Bộ Y tế Tây Ban Nha hôm 20/8 cho thấy 55,4% trong tổng số 3,9 triệu người từ 12-19 tuổi đã được tiêm ít nhất một liều vắc- xin Covid-19.

Ngay như tại Campuchia, từ khi bắt đầu vào ngày 1/8 đến ngày 27/8, nước này đã tiêm ít nhất một liều vắc-xin Covid-19 cho 1,36 triệu người từ 12-17 tuổi, đạt 70% mục tiêu. Theo tờ Khmer Times, nhóm trẻ từ 10-11 tuổi sẽ sớm được tiêm vắc-xin nhằm giúp hầu hết trẻ em có thể đến trường từ tháng 10.

Như vậy, có thể nhận ra rằng, sau khi đạt mục tiêu tiêm chủng cho người trưởng thành và người có nguy cơ lây nhiễm cao, một số nước đã triển khai hoặc đang cân nhắc kế hoạch tiêm vắc-xin Covid-19 cho lứa tuổi trẻ hơn.

Việt Nam hiện có khoảng 9 triệu trẻ em ở độ tuổi 12-17

Ngày 14/7/2021, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có cuộc làm việc trực tuyến với ông John Paul Pullicino- Tổng giám đốc Công ty TNHH Pfizer Việt Nam. Tại cuộc họp, Bộ Y tế đã thoả thuận, đàm phán ban đầu với Pfizer về việc cung ứng, bổ sung cho Việt Nam 20 triệu liều vắc-xin Covid-19 để tiêm chủng cho trẻ em từ 12 -17 tuổi. Việt Nam hiện có khoảng 9 triệu trẻ em trong độ tuổi này. Phía Pfizer cam kết đảm bảo cung ứng 20 triệu liều vắc-xin này trong quý IV/2021 để Việt Nam kịp thời triển khai tiêm chủng. Bộ Y tế đánh giá đây là tín hiệu tốt trong tình hình hiện nay

Thanh Lam - Hồng Bích - Thu Thanh/ Người Đưa Tin