Tiết lộ nguyên nhân hai anh em "đại gia" lan đột biến khét tiếng Quảng Ninh bị bắt

Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh - hai anh em "đại gia" lan đột biến khét tiếng Quảng Ninh vừa bị bắt giữ để điều tra về hành vi khai thác, tiêu thụ than trái phép.

Ngày 27/8, nguồn tin của Thanh Niên cho biết, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) vừa triệt phá chuyên án lớn về khai thác, tiêu thụ than trái phép liên quan nhiều đối tượng tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Thái Nguyên.

C03 đã bắt tạm giam nhiều người là lãnh đạo các doanh nghiệp, trong số này có cặp anh em song sinh Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh (33 tuổi) ngụ TX.Đông Triều, đồng thời tiến hành khám xét nhiều địa điểm tại Thái Nguyên, Hải Dương và Quảng Ninh.

Thông tin ban đầu cho biết, C03 đã phát hiện một đường dây khai thác, tiêu thụ than lậu quy mô lớn có liên quan đến anh em Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh.

Đáng chú, cặp anh em song sinh Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh được biết đến là những đại gia lan var (lan đột biến) không chỉ riêng tỉnh Quảng Ninh mà trên cả nước với nghệ danh "chủ vườn lan var đất mỏ".

tin-tuc-phap-luat-ngay-28-8-hai-anh-em-dai-gia-lan-dot-bien-khet-tieng-o-quang-ninh-bi-bat-dspl-1-1630112045.jpg
Hai anh em "đại gia" lan đột biến khét tiếng ở Quảng Ninh bị bắt. Ảnh: VTC News 

Nhiều thông tin cho biết, thông qua việc nuôi trồng lan đột biến, Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh đã được thăng hạng đại gia ngàn tỉ bởi những căn biệt thự hoành tráng và bộ sưu tập xe siêu sang.

Hồi tháng 3/2021, tên tuổi 2 anh em Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh gắn liền với thương vụ giao dịch lan đột biến lên tới 250 tỉ đồng. Tại thời điểm này, UBND TX.Đông Triều (Quảng Ninh) đã có văn bản gửi Công an cùng Chi cục thuế TX.Đông Triều đề nghị kiểm tra giao dịch tại P.Mạo Khê này.

Tuy nhiên, vụ việc này không đi đến hồi kết bởi những người thực hiện thương vụ lan var trăm tỉ này đã đưa ra nhiều giải thích khác nhau, chẳng hạn 250 tỉ đồng không phải là giá trị của một cây lan đột biến mà là hàng ngàn cây và thực hiện trong thời gian dài…

Thông tin về vụ án trên VTV, để tiêu thụ số lượng than trái phép, các đối tượng đã vận chuyển than từ mỏ Minh Tiến đến 3 bãi tập kết ở TP Thái Nguyên, sau đó tiếp tục theo đường thuỷ về thị xã Kinh Môn, Hải Dương.

Nhằm che giấu hành vi của mình, các đối tượng đã lợi dụng giấy phép khai thác khoáng sản lập hồ sơ khống và báo cáo số lượng khai thác với cơ quan chức năng thấp hơn cả trăm lần so với số lượng khai thác thực tế.

Trong khoảng 2 năm rưỡi, gần 2,5 triệu tấn than được khai thác ở mỏ than Minh Tiến. Tuy nhiên, theo báo cáo của chủ mỏ là Công ty CP Yên Phước và đơn vị khai thác là công ty Đông Bắc Hải Dương thì chỉ có 8.500 tấn (theo giấy phép). Như vậy, số lượng than khai thác vượt mức cho phép gần 120 lần.

Nhằm hợp thức hoá việc khai thác theo đúng sản lượng được cấp phép hàng năm, các đối tượng đã ký khống 2 hợp đồng khai thác than bằng phương pháp lộ thiên. Hiện tại mỏ vẫn còn tồn khoảng 1,5 triệu tấn than chưa kịp tiêu thụ.

Được biết, năm ngoái chủ mỏ này đã bị tỉnh Thái Nguyên xử phạt hơn 500 triệu đồng vi khai thác quá ranh giới và quá chiều cao tầng cho phép.

Tuy nhiên kết quả điều tra ban đầu cho thấy số tiền thu lợi bất chính từ các hành vi liên quan đến khai thác trái phép là trên 100 tỷ đồng, lợi nhuận thu được quá lớn so với tiền nộp phạt, cùng với việc tiêu thụ khá dễ dàng là những lý do chính dẫn đến tình trạng khai thác than trái phép kéo dài nhiều năm qua.

Hiện, cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an đang tiếp tục điều tra triệt để, mở rộng vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Quá trình điều tra vụ án, cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an cũng phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường kiểm tra các kho, bãi chứa than không rõ nguồn gốc của các doanh nghiệp kinh doanh than trên địa bàn thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương để xử lý theo quy định.