TP.HCM: Cưỡng chế, tháo dỡ 6 công trình xây dựng trái phép

Hàng loạt công trình xây dựng trái phép sẽ bị UBND quận 10 cưỡng chế, tháo dỡ bắt đầu từ 8/4.

Thông tin từ UBND quận 10 (TP.HCM), từ 8/4 sẽ tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ 6 công trình vi phạm xây dựng trái phép, tồn tại một thời gian dài trên địa bàn phường 12.

1kdid-1617847851.jpg

Một trong những công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn phường 12, quận 10

Thống kê cho thấy, từ cuối năm 2018 đến năm 2019 trên địa bàn phường 12 có 6 công trình (740/15A+17, 766/12 đường Sư Vạn Hạnh; 252/43, 252/45 đường Cao Thắng; 839/10 đường Lê Hồng Phong; 42/2 đường Trần Thiện Chánh) do ông Vũ Văn Quang và người thân trong gia đình tổ chức thi công xây dựng sai phép, không phép.

Tại thời điểm lập biên bản xử lý, cơ quan chức năng ghi nhận diện tích vi phạm 400-600m2/công trình, thậm chí có công trình diện tích vi phạm lên đến 900m2.

Hiện 5 trong số 6 công trình đã được UBND quận 10 phê duyệt phương án tháo dỡ, một công trình đang xây dựng phương án. Dự kiến, công trình số 766/12 Sư Vạn Hạnh bị tháo dỡ vào 8/4, các công trình còn lại bị cưỡng chế từ nay đến giữa năm.

nncuongche1kxrb-1617847907.jpg

Các công trình xây dựng trái phép sẽ bị UBND quận 10 cưỡng chế, tháo dỡ bắt đầu từ 8/4.

Nói thêm về các công trình vi phạm này, bà Nguyễn Thị Thu Nga, Phó Chủ tịch UBND quận 10 cho biết, tầng cao tối đa khu vực này 6-7 tầng, tùy theo chức năng.

Tuy nhiên, chủ đầu tư bất chấp, cho xây vượt lên 9-10 tầng. Ngoài ra, sau khi hoàn thiện, chủ đầu tư còn tự ý chuyển đổi công năng công trình làm khách sạn, karaoke.

Các công trình vi phạm nêu trên đã được Thanh tra sở Xây dựng TP.HCM và UBND quận 10 lập biên bản vi phạm, ra quyết định xử phạt, cưỡng chế. Tuy nhiên, việc cưỡng chế, xử lý đang gặp rất nhiều khó khăn.

“Hầu hết chủ đầu tư công trình vi phạm không hợp tác, thậm chí cản trở, chống đối khi lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý. Đáng chú ý, một số chủ đầu tư công trình vi phạm là thành viên của một hiệp hội.

Hiệp hội này có văn bản gửi Thành ủy TP.HCM, UBND TP.HCM, tác động quận cho tồn tại công trình trái phép”, bà Thu Nga giải thích nguyên nhân việc xử lý công trình kéo dài.

Ngoài ra, theo UBND quận 10, thủ tục, quy trình xử lý các công trình vi phạm còn bất cập cũng góp phần gây khó khăn trong quá trình xử lý.

Cụ thể, khi phát hiện vi phạm thì chủ đầu tư được phép điều chỉnh giấy phép xây dựng trong 60 ngày. Trong khoảng thời gian này, chủ đầu tư tìm cách né tránh các biện pháp xử lý của cơ quan chức năng.

Theo báo cáo của Thanh tra sở Xây dựng, năm 2019, Thành phố này ghi nhận 2.900 trường hợp vi phạm xây dựng không phép, sai phép, trung bình 8,5 vụ mỗi ngày. Quận Bình Tân, TP.Thủ Đức và huyện Bình Chánh... là nơi xảy ra vi phạm về xây dựng nhiều nhất.

Tháng 8/2020, một loạt cán bộ ở quận Thủ Đức (nay là TP.Thủ Đức), huyện Bình Chánh và huyện Củ Chi bị kỷ luật do buông lỏng quản lý, để xảy ra nhiều vi phạm trật tự xây dựng ở địa phương. Số vụ vi phạm xây nhà sai phép, không phép ở TP.HCM năm 2020 giảm còn 781 vụ.

Nguyễn Quốc Lâm - Người Đưa Tin Pháp Luật