TP.HCM: Thông tin "bắt đầu sống chung với dịch bệnh từ ngày 15/9" là sai sự thật

Đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 TP.HCM khẳng định, thông tin "bắt đầu sống chung với dịch bệnh từ ngày 15/9" đang lan truyền trên mạng xã hội là thông tin sai sự thật.

Báo Tin tức thông tin, tại cuộc họp báo cung cấp tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn chiều ngày 5/9, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM cho biết, một số thông tin đang lan truyền trên mạng như "bắt đầu sống chung với dịch bệnh Covid-19 từ 15/9" là thông tin sai sự thật.

Theo ông Phạm Đức Hải, vừa qua, một số thông tin lan truyền trên mạng như: “Bắt đầu thực hiện sống chung với Covid-19 từ ngày 15/9. Mọi hoạt động sản xuất kinh doanh được hoạt động khi đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Việc mở cửa có lộ trình tăng dần tỷ lệ 30-50-70%. Cấp chữ ký số cá nhân để thực hiện online. Chuyển dân sang điều trị Covid-19 có thu phí...” là những thông tin sai sự thật và người dân cần cảnh giác.

haidich-1630845170.jpg
Ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 TP.HCM phát ngôn tại buổi họp chiều 5/9.

Ngoài ra, liên quan đến thông tin “ai tiêm 2 mũi sẽ được hoạt động sau 6/9 hoặc 15/9”, ông Phạm Đức Hải khẳng định TP.HCM chưa có chủ trương này. Sau khi kiểm soát dịch bệnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM sẽ có thông tin cụ thể cho từng đối tượng tham gia hoạt động và đến nay chưa có thông tin về quy định cụ thể. "Thành phố đề nghị người dân bình tĩnh và chờ quy định được ban hành từ UBND TP.HCM", ông Phạm Đức Hải đề nghị.

Từ ngày 23/8 đến hết ngày 6/9, TP.HCM thực hiện tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 11 của UBND TP.HCM với phương châm “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài chống dịch, mỗi người dân là một chiến sĩ”.

Trong diễn biến liên quan, báo Sài Gòn giải phóng cho biết thêm, UBND TP.HCM đã ký quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM, thành lập 4 tổ công tác.

Cụ thể, Tổ phòng chống dịch Covid-19 có nhiệm vụ chuẩn bị nội dung, các kịch bản và giải pháp cho công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP, giai đoạn 1 từ ngày 15/9 đến 31/12, giai đoạn 2 vào năm 2022 và những năm tiếp theo.

Tổ công tác an sinh xã hội chuẩn bị nội dung cho các công tác an sinh xã hội trong 2 giai đoạn tương tự.

Tổ phục hồi kinh tế chuẩn bị nội dung về các giải pháp phục hồi kinh tế TPHCM, cũng trong 2 giai đoạn trên.

Tổ công tác thúc đẩy các dự án đầu tư.

“Tất cả các tổ công tác đều đang chuẩn bị nội dung, giải pháp”, đồng chí Phạm Đức Hải khẳng định.

Thông tin về tiến độ xét nghiệm diện rộng toàn TP, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, tùy từng vùng nguy cơ sẽ có cách thức xét nghiệm khác nhau. "Vùng xanh" và "cận xanh" xét nghiệm theo đại diện hộ gia đình gộp 10 mẫu, "vùng vàng" gộp 5. "Vùng cam", "vùng đỏ" thì thực hiện test nhanh toàn bộ cư dân. Tùy từng vùng khác nhau, thực hiện test nhanh khác nhau.

Test nhanh thì sau 30 phút có kết quả nhưng PCR thì 2-3 ngày sau. Ưu tiên cho vùng nguy cơ cao và rất cao (vùng đỏ và cam), do đó, số lượng hoàn thành và phát hiện ở các vùng khác nhau, một số quận huyện có tốc độ hoàn thành khác nhau.

Đến ngày 4 /9, các quận huyện đã hoàn thành xét nghiệm hoàn toàn 5 vùng. Trong đó Cần Giờ, quận 7, Gò Vấp, Củ Chi hoàn thành sớm nhất. Đến nay, các địa phương hoàn thành 80% trong đợt 2, dự kiến hoàn thành trong ngày 6/9. Do đó chưa đánh giá được tình hình. “Tỷ lệ dương tính khi xét nghiệm vùng xanh là 0,8%, vùng vàng là 1,5%. Trong đợt 1, tỷ lệ dương tính của vùng cam và vùng đỏ là 3,6%; trong đợt 2 tỷ lệ là 2,7%. Tỷ lệ dương đã giảm nhưng không được như kỳ vọng”, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm đánh giá.