"Trái đắng" của Đất Xanh tại Công ty Dầu khí Nha Trang

Đất Xanh đã từng bỏ hàng trăm tỷ "thâu tóm" Dầu khí Nha Trang để nhận quyền phát triển dự án sân golf và biệt thự sinh thái Cam Ranh, thế nhưng, dự án lại bị chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư.
trai-dang-cua-dat-xanh-tai-cong-ty-dau-khi-nha-trang-dspl-1617259747.jpg

Đất Xanh từng bỏ hàng trăm triệu mua lại 28,65 triệu cổ phiếu của INT để nhận quyền phát triển dự án sân golf và biệt thự sinh thái Cam Ranh. Ảnh: DXG

Tháng 1/2018, Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC - Mã: PVX) và các đơn vị thành viên vừa ký kết hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty Cổ phần Đầu tư Dầu khí Nha Trang (INT) cho Công ty Cổ phần Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh (Mã: DXG).

Cụ thể, Đất Xanh đã mua lại 28,65 triệu cổ phiếu của INT, tương đương 90,83% vốn để nhận quyền phát triển dự án sân golf và biệt thự sinh thái Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Vốn điều lệ của INT là 315,4 tỷ đồng.

Trong đó PVC chiếm 15,44% vốn; Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (Petroland) chiếm 62,19%; Công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Sài Gòn (PVC-SG) chiếm 9,62% và Công ty CP Xây lắp Dầu khí miền Trung (PVC-MT) chiếm 3,58% vốn của INT.

Chỉ 1 năm sau đó, ngày 22/1/2019, HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh đã thông qua Nghị quyết chuyển nhượng toàn bộ 28.650.000 cổ phần thuộc sở hữu của DXG tại Công ty CP Đầu tư Dầu khí Nha Trang, ủy quyền cho ông Trần Công Luận - Phó Tổng Giám đốc tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phần, ký kết hợp đồng chuyển nhượng,...

Thời điểm đó, LDG một doanh nghiệp có mối quan hệ mật thiết với DXG đầu năm 2019 có Nghị quyết 03/2019 về việc nhận chuyển nhượng cổ phần của INT. Số cổ phần mà LDG mua vào cũng chính bằng số cổ phần mà DXG muốn chuyển nhượng (91%). Giá trị của thương vụ này không được công bố.

Tuy nhiên, theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 của DXG, ngày 18/8/2020, DXG đã nhận chuyển nhượng 31,5 triệu cổ phần INT với tổng giá mua 601 tỷ đồng (tương đương 19.079 đồng/cổ phần).

Việc DXG mua lại INT là muốn nhắm đến lô đất 171ha dự án sân golf và biệt thự sinh thái Cam Ranh. Tuy nhiên, từ năm 2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư Khánh Hòa đã ban hành Quyết định chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư của Dự án Sân golf và Biệt thự sinh thái Cam Ranhtheo quy định tại điểm g, khoản 1, Điều 48, Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014: “Sau 12 tháng mà chủ đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng kí với cơ quan đăng kí đầu tư và không thuộc trường hợp được giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư”.

Để vớt vát, Công ty CP Đầu tư Dầu khí Nha Trang đã có công văn gửi UBND tỉnh Khánh Hòa đề xuất thực hiện đầu tư dự án Khu dân cư – Thương mại dịch vụ Cam Lâm tại xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm ngay tại vị trí cũ và diện tích đất đề nghị thực hiện dự án vẫn khoảng 171,9ha.

Tuy nhiên, theo sở Xây dựng Khánh Hòa, việc Công ty CP Đầu tư Dầu khí Nha Trang đề xuất lập dự án Khu dân cư - Thương mại dịch vụ Cam Lâm (xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm với diện tích 171,9 ha)tại vị tríđược UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho Công ty CP Đầu tư Dầu khí Nha Trang để thực hiện Dự án Sân golf và Biệt thự sinh thái Cam Ranh trước đây là không hợp lý.

Dự án Khu dân cư Thương mại dịch vụ Cam Lâm thực hiện trên diện tích đất trước đây là dự án Sân golf và Biệt thự sinh thái Cam Ranh đã bị thu hồi, nên dự án phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Hơn nữa, dự án Khu dân cư Thương mại dịch vụ Cam Lâm không phù hợp với quy hoạch 1/2000 đã được phê duyệt trước đó.

Biết rõ tình hình dự án như vậy, nhưng không hiểu vì sao DXG trong năm 2020 vẫn quyết định chi 601 tỷ đồng để mua 31,5 triệu cổ phần INT. Hơn nữa, DXG và LDG có những mối liên hệ mật thiết, việc chuyển nhượng qua lại cổ phần tại INT với mục đích gì?

Trong một diễn biến khác, năm 2020 cũng là dấu mốc chấm dứt mối “tơ duyên” giữa DXG và LDG. Cụ thể, trong tháng 7/2020, DXG đã bán toàn bộ cổ phần tại LDG. Chia sẻ về mục đích thoái vốn, đại diện Đất Xanh Group cho biết, chiến lược và phạm vi hoạt động của LDG và DXG cơ bản giống nhau, dẫn đến phát sinh các xung đột lợi ích trong quá trình phát triển.

Trước khi “dứt tình” với LDG, Tập đoàn Đất xanh của đại gia Lương Trí Thìn đã chi hơn nửa nghìn tỷ đồng để mua lại 80,47% tỷ lệ sở hữu của Công ty cổ phần bất động sản LinkGroup (LinkGroup) – một doanh nghiệp có quan hệ mật thiết với LDG và DXG từ ngày mới thành lập.

Năm 2016, LinkGroup được LDG từng chi tạm ứng tới 208 tỷ đồng theo Biên bản Ghi nhớ số 01/2016/BBGN/LDG-LG ngày 23/12/2016. Nên biết, tại thời điểm mà LDG chi tạm ứng cho LinkGroup, LinkGroup mới thành lập được hơn 1 năm. Cụ thể, công ty này được thành lập ngày 30/11/2015, với vốn điều lệ 68 tỷ đồng, được đóng góp bởi 3 cổ đông: CTCP Đầu tư NAV (79,93%); Thạch Mạnh Sang (20%); Nguyễn Văn Bang (0,07%).

Theo đăng ký thay đổi ngày 09/05/2016, cơ cấu sở hữu LinkGroup chỉ còn 2 cái tên: CTCP Đầu tư NAV (80%); Thạch Mạnh Sang (10%).

Đến ngày 09/06/2017, LinkGroup đã điều chỉnh tăng vốn điều lệ từ 68 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng. Và đến ngày 3/5/2019, công ty này đã tăng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng.

Nói về cổ đông CTCP Đầu tư NAV (NAV), doanh nghiệp này thành lập ngày 31/07/2013, Chủ tịch HĐQT NAV, bà Phạm Nguyễn Thúy An (SN: 1983) cũng chính là Chủ tịch HĐQT Vina Holdings – Chủ sở hữu của Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Du lịch Khang Hưng (doanh nghiệp thuộc sở hữu công ty con của LDG).

Thêm nữa, NAV chính là một trong các nhà đầu tư đã tham gia đợt phát hành chào bán riêng lẻ 22,2 triệu cổ phiếu cho các cổ đông và đối tác chiến lược của CTCP Dịch vụ & xây dựng Địa ốc Đất Xanh vào đầu năm 2014. Lần đó, NAV đã nhận phát hành hơn 6 triệu cổ phiếu DXG để trở thành cổ đông lớn, với tỷ lệ sở hữu 8,05%.

Bạch Hiền

Theo Người Đưa Tin Pháp Luật