Trục lợi từ cấp thẻ luồng xanh, nữ chuyên viên đối diện mức án nào?

Chuyên viên Tổng cục Đường bộ móc nối, duyệt, cấp trái phép cho khoảng hơn 1.000 hồ sơ xe ô tô và thu tiền hưởng lợi bất chính hơn 200 triệu đồng.

Lợi dụng chức vụ được giao duyệt, cấp thẻ “luồng xanh” cho các đơn vị vận tải trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Hoàng Thị Thanh Nga (SN: 1976, trú tại Tổ dân phố 10 Nhân Mỹ, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã móc nối, duyệt, cấp trái phép cho khoảng hơn 1.000 hồ sơ xe ô tô và thu tiền hưởng lợi bất chính hơn 200 triệu đồng.

Theo cơ quan điều tra, Nga là chuyên viên công tác tại vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, được Tổng cục Đường bộ tăng cường hỗ trợ Sở Giao thông vận tải Hà Nội duyệt cấp thẻ “luồng xanh”.

Lại thêm một “con sâu làm rầu nồi canh”, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIV Bùi Văn Xuyền cho rằng: Hành vi tham nhũng ở bất kỳ thời điểm nào cũng bị xã hội phê phán, lên án mạnh mẽ. Quan điểm, chủ trường về phòng, chống tham của Đảng, Nhà nước ta cũng rất kiên trì, kiên quyết, xử lý triệt để, không có vùng cấm, kể cả người đứng đầu cơ quan, tổ chức.

Góc nhìn luật gia - Trục lợi từ cấp thẻ luồng xanh, nữ chuyên viên đối diện mức án nào?

Nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIV Bùi Văn Xuyền.

“Rõ ràng đội ngũ cán bộ, công chức của chúng ta hiện nay được đánh giá cao, họ là những người giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có trình độ quản lý nhà nước phù hợp với vị trí việc làm. Song không tránh khỏi những trường hợp cá biệt, thiếu tu dưỡng về phẩm chất đạo đức, không rèn luyện ý thức trách nhiệm về mặt pháp luật, dẫn tới vi phạm. Do vậy, trách nhiệm đầu tiên thuộc về cá nhân họ”, ông Bùi Văn Xuyền nói.

Bất kể người nào, chứ chưa nói đến cán bộ, công chức lợi dụng hoàn cảnh khó khăn, thiên tai, dịch bệnh để có hành vi trục lợi cá nhân thì đó có thể coi là tình tiết tăng nặng. Hành vi của đối tượng trên đã ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động của các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải, gây bức xúc trong dư luận, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang phức tạp như hiện nay. Bên cạnh những tấm gương tốt, những cán bộ Nhà nước đang ra sức chống dịch thì lại có những “con sâu” đục khoét ngân sách nhà nước, bòn rút tiền của nhân dân, hành vi này là không thể chấp nhận được.

Theo ông Bùi Văn Xuyền, khi cơ quan, tổ chức có cán bộ vi phạm thì cơ quan, tổ chức đó cần nhanh chóng phải xem xét, rà soát lại, kiểm điểm trách nhiệm của từng người, từng cấp, từng bộ phận để có biện pháp xử lý phù hợp; cần thiết phải công khai cho nhân dân, dư luận được biết để cảnh tỉnh, giáo dục, phòng ngừa chung.

Để giảm thiểu, ngăn chặn tiêu cực, không có cơ hội cho những kẻ tham nhũng, trục lợi, theo quan điểm của nguyên ĐBQH khóa XIV Bùi Văn Xuyền, cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò tố giác của người dân, doanh nghiệp khi thấy có dấu hiệu sai phạm.

“Cần công khai minh bạch quy trình làm việc, quy trình và thủ tục cấp thẻ “luồng xanh”. Khi cá nhân, doanh nghiệp thấy vướng mắc, bất cập trong việc cấp phát thẻ “luồng xanh” thì cần báo cơ quan, người có thẩm quyền để giải quyết, chứ không vì tâm lý muốn việc của mình được giải quyết trước hay sợ bị cán bộ sách nhiễu mà có hành vi “đút lót”. Chính hành vi này của người dân đã tiếp tay, đẩy nhanh quá trình phạm tội của một số cán bộ, công chức”, ông Bùi Văn Xuyền nói.

Cùng nêu quan điểm về sự việc, dưới góc độ pháp lý, luật sư Phạm Hồng Kiên – Giám đốc công ty luật Cán Cân Việt (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) đồng tình cho rằng, việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can kịp thời của cơ quan điều tra góp phần sớm ngăn chặn tội phạm, bảo vệ quyền lợi của công dân, tổ chức.

Căn cứ theo kết quả điều tra, Nga lợi dụng chức vụ, công việc được phân công đã móc nối, duyệt, cấp trái phép cho khoảng hơn 1.000 hồ sơ xe ô tô và thu tiền hưởng lợi bất chính hơn 200 triệu đồng; hành vi này của Nga có dấu hiệu phạm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Với số tiền hưởng lợi bất chính hơn 200 triệu đồng, phạm tội nhiều lần, bị can Nga có thể phải đối mặt với mức án cao nhất lên đến 10 năm tù, quy định tại khoản 2, Điều 356 BLHS năm 2015.

“Trong vụ án này, nữ chuyên viên Tổng cục Đường bộ không thể một mình thực hiện được hành vi cấp thẻ luồng xanh trái quy định. Chắc chắn đối tượng đã móc nối với những người khác. Do vậy, cơ quan điều tra cần tiếp tục điều tra những người có liên quan. Nếu có căn cứ xử lý hình sự thì cần nhanh chóng khởi tố vụ án, khởi tố bị can; kịp thời đưa vụ án ra trước ánh sáng; xử lý nghiêm kẻ phạm tội, trả lại niềm tin cho nhân dân”, luật sư Phạm Hồng Kiên phát biểu.

Nguyễn Thị Thúy - Người Đưa Tin Pháp Luật