Trung thu mùa Covid: Đoàn viên là khi chúng mình có nhau!

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, mọi thứ đều diễn ra một cách thật đặc biệt. Và Trung thu cũng vậy.

Cảm xúc đầu tiên đón Trung thu tại gia

Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại một số địa phương, nên các hoạt động tổ chức lễ hội trên cả nước dường như bị gác lại, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Tuy nhiên, không nhất thiết phải đưa con đến một không gian lễ hội đông vui, nhộn nhịp, nhiều gia đình vẫn có bí quyết riêng tạo không khí cho con.

241366928-1684987211703710-437080587016854833-n-1632231212.jpg
Không khí Trung thu tại gia không cần quá cầu kỳ.

Cho dù gặp phải khó khăn gì, mẹ vẫn luôn muốn mang đến một Tết Đoàn viên thật ấm áp cho con. Vừa ôm cô con gái tên Min bé bỏng trong lòng, chị Phạm Dung (Cầu Giấy, Hà Nội) vừa bồi hồi chia sẻ: “Đoàn viên là khi chúng mình có nhau! Hôm nay là một ngày tôi vô cùng bận rộn, nhưng tôi vẫn muốn làm một điều gì đó đặc biệt cho cô con gái nhỏ. Không phải chỉ vì Trung thu năm nay con không được đi chơi đi học, mà còn vì Trung thu năm nay chỉ có hai mẹ con với nhau.

Khoảng 6h tối, tôi sấp ngửa chạy về với con và chuẩn bị mọi thứ, có thể chưa được tươm tất nhưng tôi thực sự hạnh phúc vì Min đã rất vui và cười thật nhiều. Được nhìn con nhảy nhót và ôm chầm lấy mình rồi nói “Con yêu mẹ!” thật không lời nào tả xiết… Trung thu, là ngày Tết Đoàn viên. Không có hạnh phúc nào bằng được ở cạnh và thấy những người mình yêu thương vui vẻ hạnh phúc”.

242175185-1685464611655970-3667754727268795485-n-1632231212.jpg
Chị Phạm Dung bên con gái đón Tết Đoàn viên ấm áp.

“Trung thu tại gia vẫn vui nè!”, đó cũng là chia sẻ của MC Nguyễn Hương Giang khi đón Trung thu cùng cô con gái Tâm Nhi. Đây quả là một Trung thu đặc biệt khi Hà Nội vừa trải qua những ngày giãn cách xã hội do dịch Covid-19, bé Tâm Nhi đã tự tay chuẩn bị một chiếc lồng đèn để cùng đón Tết Đoàn viên với mẹ.

giang-1632231912.jpg
Con gái của MC Nguyễn Hương Giang đã có một Tết Trung thu tại gia thật đặc biệt.

Còn với chị Nguyễn Thị Toán, mặc dù gia đình “bị kẹt” lại ở Phú Thọ sau chuyến thăm quê, nhưng lại là trải nghiệm vô cùng thú vị không chỉ cho cô con gái 6 tuổi. Chị tâm sự: “Trung thu năm nay đối với tôi cứ như thể “Tết Độc lập” ấy! Sáng có lệnh gỡ chốt tại Hà Nội, đây là điều mà cả gia đình đang mong mỏi suốt nhiều ngày qua; chiều tối lại gấp rút chuẩn bị “lên đồ” cho các con trông trăng. Cơ mà năm nay, cả nhà tôi lại được tận hưởng một Tết Trung thu trọn vẹn nhất: Có thời gian để chờ, đón trăng lên, có cả thời gian chuẩn bị góc trang trí nhỏ để các con cùng phá cỗ, bố thì có dịp ghi lại vài khoảnh khắc hồn nhiên của các con để làm kỷ niệm…

quyen-1632231212.jpg
Góc nhỏ được hai mẹ con cùng nhau trang trí để đón Trung thu.
btq-0029-1632231364.JPG
Không cần lên phố Hàng Mã, chỉ cần góc nhỏ ở tạp hóa trước cửa nhà cũng có thể ghi lại khoảnh khắc đẹp làm kỷ niệm.

Côn gái tôi đã 6 tuổi nhưng đây là năm đầu tiên con được ngắm vầng trăng tròn, sáng cả khoảnh sân. Con cứ luôn miệng chỉ trỏ: “Wow wow” vì lần đầu được thấy trăng như vậy: “Trăng gì mà chẳng bị vướng gì ấy mẹ nhỉ! Sáng như chiếc đèn lơ lửng đẹp đẹp ấy!”. Mọi năm, ở Hà Nội, con chẳng mấy khi thức để thưởng trăng, mà ánh đèn thành phố cũng lấn át hết vẻ đẹp của trăng, nên lần này, con thấy Tết Trung thu thật lạ!”.

Tự tay làm đèn lồng, bánh Trung thu

Các gia đình không chỉ tự tay trang trí góc Trung thu cho con chụp ảnh, mà còn dạy các con làm bánh nướng, bánh dẻo, làm đèn lồng handmade, để có cảm nhận về ngày Tết này đúng nghĩa nhất.

Chị Nguyễn Nụ (Lào Cai) chia sẻ: “Năm nay, do dịch bệnh Covdi-19, địa phương không thể tổ chức một đêm hội trăng Rằm như mọi năm. Nhìn các con cứ háo hức từ đầu tháng về buổi Trung thu có múa lân, rước đèn, múa hát, tôi liền nảy ra ý tưởng, thử cho con tận hưởng không khí “Trung thu của mẹ” ngày xưa, tự tay chuẩn bị mọi thứ.

Tôi còn nhớ, những năm thơ bé, bố mẹ luôn trải chiếu, xếp một mâm bột giữa sân, cả nhà cùng vừa ngắm trăng, vừa nặn bánh. Bố rất khéo tay, nặn ra rất nhiều hình các loài vật sống động, khiến mấy anh chị em vô cùng thích thú. Tôi đã chuẩn bị cho con cùng mẹ làm bánh Trung thu, bây giờ, mọi thứ cũng dễ dàng hơn nhiều vì đã có thể mua sẵn nguyên vật liệu.

Khi con được tự tay làm những chiếc bánh “nóng hổi”, con vui lắm, luôn miệng tíu tít khoe: Mẹ ơi, mẹ xem bánh con làm nè! Mẹ ơi, bánh của con là bông hoa đẹp quá! Thấy con cười, tôi cũng thấy thật ấm áp”.

z2781276713991-fb3476abffc667701a6134abc3a4acf9-1632231674.jpg
Bé Vũ Huyền Anh (7 tuổi) trải nghiệm làm bánh Trung thu dưới sự hướng dẫn của mẹ.
z2777071860406-d38f35b737c0d8d3cbf831d82104b7bc-1632231249.jpg
Cậu bé 1 tuổi thích thú khi được nếm thử bánh Trung thu handmade.

Tại Hà Nội, chị Lê Ngọc Quỳnh (Tam Hiệp, Thanh Trì) cùng hai gia đình “sát sườn” tổ chức Trung thu cho các con thật ấm áp. Chị cho biết: “Như các năm trước, chúng tôi thường lên phố Hàng Mã mua rất nhiều đồ chơi cho con nhân dịp Trung thu. Tuy nhiên, năm nay, đồ chơi cho các con thật đơn giản, gọn nhẹ, và “điểm nhấn” chính là những chiếc lồng đèn tự chế từ vỏ lon nước ngọt. Bố mẹ cùng làm và hướng dẫn các con làm những chiếc đèn lồng như vậy, cũng là cách để gia đình gắn kết nhiều hơn.

242392884-186643826912215-1510334059872972425-n-1632231248.jpg
Những chiếc đèn lồng tự chế từ vỏ lon nước ngọt mang tuổi thơ về.

Các con thích thú lắm! Dường như, đây là lần đầu tiên các con được cầm trên tay một món đồ chơi như vậy. Đây cũng chính là tuổi thơ của bố mẹ. Sau khi phá cỗ, chúng tôi ngồi ôn lại những câu chuyện thuở nhỏ và kể cho các con nghe về những Tết Trung thu của hàng chục năm trước”.

Mỗi gia đình có những cách riêng tạo không khí cho các con, nhưng gia đình nào cũng có một đêm trăng trọn vẹn cảm xúc, dù không phải tìm đến những không gian náo nhiệt, ồn ào như các năm trước. Đó có lẽ là kỷ niệm đẹp nhất, bình yên nhất giữa đại dịch Covid-19.

(Ảnh: NVCC).