Trường học chờ “đèn xanh” đón học sinh trở lại giữa Thủ đô

Hà Nội yêu cầu các trường học sẵn sàng điều kiện đón học sinh trở lại, các cơ sở giáo dục trên địa bàn đang chờ “đèn xanh”, song vẫn còn nhiều băn khoăn nếu phải thực hiện giãn cách.

Sẵn sàng chờ “đèn xanh”

Mới đây, sở GD&ĐT Hà Nội đã ban hành văn bản gửi các trường học trên địa bàn thành phố, trong đó, yêu cầu các nhà trường chủ động xây dựng phương án phòng, chống dịch Covid-19, sẵn sàng các điều kiện đón học sinh trở lại trường khi dịch được kiểm soát; đảm bảo 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên được tiêm tối thiểu một mũi vắc-xin phòng Covid-19.

Năm học 2021-2022, Hà Nội có hơn 2,1 triệu học sinh theo học tại gần 2.800 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hiện tại, toàn bộ các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn đã chuyển sang học trực tuyến.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, dù chuẩn bị tốt đến đâu, dạy học trực tuyến thời điểm này cũng không thể mang lại hiệu quả như học trực tiếp tại trường. Vì vậy, đón học sinh trở lại trường cũng chính là điều mà các nhà trường trên địa bàn Thủ đô đang mong mỏi từng ngày.

Trao đổi với PV Phụ nữ và Pháp luật, cô giáo Ngô Thị Kiều Linh (Hiệu trưởng trường THCS Lê Lợi - Hoàn Kiếm) cho biết: “Thường thì các công văn cũng hay được ra “khẩn”, thời gian để các cơ sở chuẩn bị ngắn, nên chúng tôi luôn chủ động, sẵn sàng tinh thần. Chúng tôi đã lên phương án, xây dựng kế hoạch, từ chuẩn bị trang thiết bị đến công tác vệ sinh, khử khuẩn cũng được chú trọng thường xuyên.

ngo-thi-kieu-linh-thcs-le-loi-sao-chep-1631990911.jpg
Hiệu trưởng trường THCS Lê Lợi thông tin về công tác chuẩn bị đón học sinh trở lại trường.

Đồng thời, nhà trường cũng đã quán triệt tinh thần đến các thầy cô, khi các con đi học trở lại, phải luôn nhắc các con chú ý đến nguyên tắc 5K của bộ Y tế. Đặc biệt, mỗi lớp phải trang bị sẵn dung dịch diệt khuẩn và một hộp khẩu trang, các con nhiều khi mải chơi có thể quên đeo khẩu trang, hoặc làm bẩn, làm rơi, làm mất khẩu trang, nên phải được chuẩn bị sẵn tại lớp để đảm bảo an toàn”.

“Nếu không tính giáo viên đang nuôi con nhỏ hoặc đang mang thai, thì tỉ lệ tiêm mũi 1 vắc-xin tại nhà trường đã đạt 100%, và đang chờ tiêm tiếp mũi 2.

Tất cả đều sẵn sàng để đón học sinh. Thậm chí, chúng tôi cũng xây dựng những phương án ứng phó với những sự cố, tình thế khẩn cấp khi học sinh trở lại trường.

Nhìn chung, đến thời điểm này, chúng tôi đã chuẩn bị tư tưởng sẵn sàng, chỉ chờ “đèn xanh” là “nổ máy” và thực hiện”, Hiệu trưởng trường THCS Lê Lợi nhấn mạnh.

Thông tin thêm về kế hoạch cho học sinh ăn bán trú, cô Ngô Thị Kiều Linh cho hay: “Trước đây, nhà trường cũng tổ chức cho học sinh ăn bán trú tại trường. Tuy nhiên, thời điểm này, chúng tôi cũng cần phải “nghe ngóng” thêm. Nếu điều kiện thuận lợi, nhà trường vẫn sẽ tổ chức cho các con ăn trưa tại lớp, đó cũng là một thuận lợi, vì các con tự đi học nên hạn chế việc di chuyển ra ngoài khuôn viên trường, sẽ khó tránh việc các con tụ tập đông người và khó kiểm soát hơn.

Nói về kế hoạch của nhà trường, cô Hoàng Thị Thu Trinh (Hiệu trưởng trường THCS Yên Nghĩa - Hà Đông) nhận định: “Mặc dù hiện tại, học sinh trong trường cũng đã vào nền nếp, các thầy cô cũng thuận tiện hơn trong việc truyền đạt kiến thức, nhưng chắc chắn hiệu quả mang lại cũng không cao như học tập trung, do tương tác còn kém. Đặc biệt, đối với khối 6, học sinh vừa từ tiểu học lên, cô trò chưa được gặp mặt trực tiếp, giáo viên lại phải “thích ứng” với sách giáo khoa mới, khá nhiều khó khăn...

Hiện tại, nhà trường cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để đón học sinh trở lại trường khi được cho phép. Năm nay, nhà trường có kế hoạch bổ sung 14 phòng học, nhưng do giãn cách xã hội trong thời gian qua, nên vẫn chưa hoàn thiện được. Mong rằng, trong mấy tuần tiếp theo, học sinh chưa trở lại trường, bên thi công có thể kịp tiến độ, để đưa vào sử dụng, bởi nếu không có 14 phòng học đó thì không gian cho các con sẽ hơi bí, bởi năm nay, số lớp trong trường cũng tăng nhiều”.

5-hoang-thu-trinh-ht-thcs-yen-nghia-sao-chep-1631991143.jpg
Hiệu trưởng trường THCS Yên Nghĩa chia sẻ một số khó khăn ảnh hưởng đến chuẩn bị cơ sở vật chất trong thời gian giãn cách.

“Đối với các cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường, đã tiến hành tiêm 2 mũi vắc-xin được trên 80%, chỉ có một vài cô mới tiêm mũi 1, đang chờ tiêm mũi 2 trong một vài tuần tới”, cô Hoàng Thị Thu Trinh thông tin thêm.

Cô Giang Thanh Thủy (Hiệu trưởng trường tiểu học Trung Văn - Nam Từ Liêm) cũng cho biết: “Đây không phải lần đầu tiên tổ chức học trực tuyến trong thời gian chờ điều kiện cho các con quay trở lại học tập trung, nên nhà trường cũng đã có những kinh nghiệm từ các lần học trước. Khó khăn thì chắc chắn là có, nhưng cả phụ huynh và nhà trường xác định tinh thần và “thích nghi” với tình hình dịch bệnh như hiện nay. Đến thời điểm hiện tại, các cán bộ, giáo viên và nhân viên trong trường cũng đã được tiêm vắc-xin đầy đủ, sẵn sàng đón học sinh”.

Phương án cho học sinh đi học “giãn cách”

Trao đổi về vấn đề này, Hiệu trưởng trường THCS Yên Nghĩa cho biết thêm: “Nhà trường cũng đã lên sẵn hai phương án đón học sinh trở lại trường. Thứ nhất, nếu phải đảm bảo giãn cách trong lớp, chúng tôi sẽ tổ chức chia lớp cho các con, mỗi lớp thành hai nhóm, học riêng vào 2 buổi sáng - chiều. Phương án thứ hai, nếu đủ điều kiện để toàn bộ học sinh đến trường mà không phải ngồi giãn cách, thì chúng tôi vẫn chia theo khối lớp, mỗi buổi chỉ có học sinh ở 2 khối đến trường. Như vậy để đảm bảo an toàn cho các con, vì các con vẫn chưa được tiêm vắc-xin”.

Chia sẻ về kế hoạch đón học sinh trở lại trường, thầy Nguyễn Quốc Bình (Hiệu trưởng trường THCS&THPT Lê Quý Đôn) bày tỏ: “Nhà trường đã chuẩn bị sẵn sàng từ cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện đưa đón học sinh, chỉ chờ điều kiện dịch bệnh được kiểm soát, là học sinh sẽ được đến trường. Đây không chỉ là mong mỏi của riêng các thầy cô, mà cả học sinh và phụ huynh cũng đều đang trông từng ngày”.

img-6227-sao-chep-1631990911.jpg
Học sinh khi mải chơi có thể quên một số điều trong nguyên tắc 5K.

Tuy nhiên, nhắc đến phương án chia nhỏ học sinh để đi học đảm bảo giãn cách, thầy Nguyễn Quốc Bình lại không khỏi lo lắng: “Thực ra, nhà trường cũng tính đến phương án này. Nếu trong thời gian tới, theo quy định, chỉ cho phép một nửa học sinh đến trường trong một buổi, nhà trường cũng đồng ý cho các con đến trường, nhưng có thể theo kiểu, một số khối lớp đi học một tuần, và khối lớp còn lại đi học vào tuần tiếp theo.

Song, cũng cái khó! Bởi, nếu không tách lớp, thì sĩ số học sinh trong lớp vẫn giữ nguyên, rất khó để đảm bảo giãn cách trong lớp. Chia theo cách này, giãn cách ngoài sân trường thì được nhưng trong lớp thì lại rất khó. Nhưng nếu, chia học sinh mỗi lớp thành 2 nhóm, thì lại gặp vấn đề về nhân lực, về đội ngũ giáo viên phụ trách giảng dạy.

Vậy nên, giãn cách khi học sinh quay trở lại trường cũng là một việc nan giải, qua các đợt học trước tại nhà trường, cho thấy đây là một vấn đề cực kỳ khó khăn. Nói thì dễ, nhưng thực hiện rất khó”.

unnamed-1631991368.jpg
Thầy Nguyễn Quốc Bình còn một số lo lắng khi học sinh đi học trở lại.

Cụ thể, Hiệu trưởng trường THCS&THPT Lê Quý Đôn phân tích thêm: “Có thể trong 5K thì 4K kia rất dễ nhưng riêng “khoảng cách” thì lại rất khó. Đặc biệt, học sinh lâu ngày không gặp nhau, lại rất muốn gặp gỡ, giao tiếp, chia sẻ...

Diện tích trong một lớp cũng chỉ có như vậy, nhất là đối với các trường ở thành phố lớn như Hà Nội, sĩ số lớp rất đông, nên nói về giãn cách - “nới khoảng cách” trong lớp, thì cũng chỉ được tương đối. Cho dù có chia được số học sinh trong lớp ra thành nhóm nhỏ thì số lượng giáo viên phụ trách cũng khó mà đáp ứng đủ số tiết. Đây cũng là nỗi lo của rất nhiều trường, chứ không riêng một trường nào, bởi lẽ, rất ít trường có thể thực hiện được điều này”.

Mong học sinh sớm được tiêm vắc-xin

Thầy Nguyễn Quốc Bình cũng bày tỏ: “Cho học sinh trở lại trường nếu “đi kèm” điều kiện giãn cách thì rất khó thực hiện, mong rằng, dịch sớm bị kiểm soát và toàn bộ học sinh có thể quay trở lại trường. Chúng tôi mong học sinh cũng sớm được tiêm vắc-xin để đảm bảo an toàn. Có như vậy, mới không phải lo lắng phương án làm sao phân chia học sinh cho phù hợp...”.