Truyện cổ tích hay dành cho bé tiểu học, mang đến màu sắc mới trong cuộc sống

Những câu chuyện cổ tích mang yếu tố hoang đường, phản ánh nhiều mặt về cuộc sống, cùng với những bài học thú vị, bổ ích.
baner-1652835424.png
lm0801-j01-title01-1653617986.png

Truyện cổ tích Bốn anh tài

Ngày xưa, ở bản kia có một chú bé tuy nhỏ người nhưng ăn một lúc hết chín chõ xôi. Dân bản đặt tên cho chú là Cẩu Khây. Cẩu Khây lên mười tuổi, sức đã bằng trai mười tám; mười lăm tuổi đã tinh thông võ nghệ.

Hồi ấy, trong vùng xuất hiện một con yêu tinh chuyên bắt người và súc vật. Chẳng mấy chốc, làng bản tan hoang, nhiều nơi không còn ai sống sót. Thương dân bản, Cẩu Khây quyết chí lên đường diệt trừ yêu tinh.

Đến một cánh đồng khô cạn, Cẩu Khây thấy một cậu bé vạm vỡ đang dùng tay làm vồ đóng cọc để đắp đập dẫn nước vào ruộng. Mỗi quả đấm của cậu giáng xuống, cọc tre thụt sâu hàng gang tay.

Hỏi chuyện, Cẩu Khây biết tên cậu là Nắm Tay Đóng Cọc. Nắm Tay Đóng Cọc sốt sắng xin được cùng Cẩu Khây đi diệt trừ yêu tinh.

Đến một vùng khác, hai người nghe có tiếng tát nước ầm ầm. Họ ngạc nhiên thấy một cậu bé đang lấy vành tai tát nước suối lên một thửa ruộng cao bằng mái nhà. Nghe Cẩu Khây nói chuyện, Lấy Tai Tát Nước hăm hở cùng hai bạn lên đường.

4-anh-tai-1653815188.jpg
Ảnh minh họa.

Đi được ít lâu, ba người lại gặp một cậu bé đang ngồi dưới gốc cây, lấy móng tay đục gỗ thành lòng máng dẫn nước vào ruộng. Cẩu Khây cùng các bạn đến làm quen và nói rõ chí hướng của ba người. Móng Tay Đục Máng hăng hái xin được làm em út đi theo.

Bốn anh em tìm tới chỗ yêu tinh ở. Nơi đây bản làng vắng teo, chỉ còn mỗi một bà cụ được yêu tinh cho sống sót để chăn bò cho nó.

Thấy anh em Cẩu Khây kêu đói, bà cụ nấu cơm cho ăn. Ăn no, bốn cậu bé lăn ra ngủ. Tờ mờ sáng, bỗng có tiếng đập cửa. Biết yêu tinh đã đánh hơi thấy thịt trẻ con, bà cụ liền lay anh em Cẩu Khây dậy, giục chạy trốn. Cẩu Khây bèn nói:

– Bà đừng sợ, anh em chúng cháu đến đây để bắt yêu tinh đấy.

Cẩu Khây hé cửa. Yêu tinh thò đầu vào, lè lưỡi dài như quả núc nác, trợn mắt xanh lè. Nắm Tay Đóng Cọc đấm một cái làm nó gãy gần hết hàm răng. Yêu tinh bỏ chạy.

Bốn anh em Cẩu Khây liền đuổi theo nó. Cẩu Khây nhổ cây bên đường quật túi bụi. Yêu tinh đau quá hét lên, gió bão nổi ầm ầm, đất trời tối sầm lại. Đến một thung lũng, yêu tinh dừng lại, phun nước ra như mưa. Nước dâng ngập cả cánh đồng.

Nắm Tay Đóng Cọc đóng cọc be bờ ngăn nước lụt, Lấy Tai Tát Nước tát nước ầm ầm qua núi cao, Móng Tay Đục Máng ngả cây khoét máng, khơi dòng nước chảy đi. Chỉ một lúc, mặt đất lại cạn khô. Yêu tinh núng thế [5], đành phải quy hàng.

lm0801-j01-title02-1653618180.png

Thầy cứu trò

Ngày xưa có một anh học trò côi cút hiền lành. Nghe tin ở một tỉnh Đàng ngoài có một ông thầy nổi tiếng tài cao học rộng, ngoài “bách gia chư tử”, các môn “nhâm, cầm, độn, toán” hết thảy đều tinh thông, anh học trò liền để người vợ trẻ ở nhà, cố lặn ngòi noi nước tìm đến tận nơi theo học. Học được ba năm, một hôm anh bỗng nhớ tới vợ bèn xin phép thầy trở về thăm quê. Thầy bảo trò ngửa bàn tay cho xem, xem xong, thầy bảo:

– Con về lần này lành ít dữ nhiều, không nên con ạ!

Tuy người học trò vâng lời, nhưng thầy thấy vẻ mặt anh ta không được vui, việc học có phần trễ nải, nên sau đó ít lâu, thầy lại bảo:

– Như chí con đã quyết thì con cứ về. Con sẽ gặp một số tai nạn, để ta đọc cho nghe mấy câu này, con nhớ kỹ lấy và theo đúng thì mới tránh được:

Gặp đình chớ tới,Gặp thơm chớ gội,Gặp gà chớ đuổi,Ba, Bốn, Sáu chớ hỏi.

Anh học trò nhẩm lấy thuộc lòng và từ giã thầy ra về. Đi luôn mấy ngày đường, một hôm anh bỗng gặp một trận mưa lớn, lúc ấy anh đang đi giữa một cái đồi vắng, anh vội vã bước mau để tìm chỗ nấp.

Vừa hay trong lùm cây trước mặt, anh thấy thấp thoáng có một ngôi đình cổ trong đó có mấy người đang ẩn mưa. Anh co cẳng chạy tới nhưng lúc sắp tới nơi bỗng sực nhớ tới lời dặn đầu tiên của thầy nên anh dừng lại. Những người nấp trong đình gọi rối rít:

– Anh kia chạy vào mau kẻo ướt!

Anh thủng thỉnh đáp:

– Thầy tôi đã dặn không được trú trong đình, bà con hãy ra đi kẻo nguy.

Mọi người đều cười khi thấy anh cứ đứng giữa mưa gió mà không chịu vào. Nhưng chỉ một chốc sau đình bỗng dưng đổ xuống rầm một cái, mấy người nấp trong đó đều thiệt mạng. Anh học trò chỉ còn biết nhỏ nước mắt khóc cho những người xấu số, rồi lại tiếp tục lên đường về nhà.

Lại nói chuyện người vợ của anh, sau khi chồng đi học vắng, ở nhà tằng tịu với một gã trai khác. Hai người say mê nhau và điều ước muốn của họ là làm sao lấy được nhau mới thỏa dạ. Cuối cùng họ trù tính chỉ có tìm cách khử anh chồng của ả kia đi thì mới có thể sum họp với nhau lâu dài.

Thấy chồng về, vợ làm bộ mừng rỡ rồi rít. Chuyện trò được một chốc, vợ đòi đi chợ để sắm cái ăn, kỳ thực là chạy đến nhà tình nhân báo tin cho y biết để y định liệu. Anh tình nhân bảo người đàn bà:

– Về nhớ nấu nước bồ kết trong đó bỏ vào một ít lá thơm cho nó gội. Đêm đến ta sẽ có cách.

Vợ trở về nhà nên cứ y kế nấu nước thơm cho chồng gội đầu rồi bảo với chồng:

– Mình yêu quý của tôi ơi! Hãy tắm gội thay áo quần đi kẻo đi đường bao nhiêu ngày bụi bặm. Tôi đã nấu sẵn bồ kết nước thơm cho mình đây!

Chồng nghe nói đến hai tiếng “nước thơm” thì giật mình, sực nhớ tới lời dặn thứ hai của thầy, bèn chối từ không gội. Vợ cố dỗ dành đôi ba lần. Thấy vợ nài mãi, chồng kiếm cách nói cho vợ khỏi phật lòng:

– Ngày hôm qua khi đi qua bến tôi đã tắm gội sạch sẽ, mình đừng có lo gì cho tôi cả.

Vợ thấy nói không được mà đổ đi thì tiếc của, sẵn đầu tóc lâu ngày chưa gội, cuối cùng đành dùng nước ấy gội đầu cho mình.

Đêm hôm ấy, khi hai vợ chồng đang ngủ say, thì người tình nhân lẻn đến bên giường tay cầm một con dao sắc. Tuy đêm hôm tối tăm hắn cũng tìm ra cái đầu thơm một cách dễ dàng và dùng dao cắt cổ êm thắm và mau lẹ. Khi giết xong, hắn toan gọi tình nhân dậy để cùng mình khiêng xác vứt xuống sông, nhưng bỗng hắn nhận ra là mình đã giết nhầm người yêu. Sợ quá, hắn bèn nhanh chân thoát ra khỏi nhà, may làm sao không một ai biết cả.

Anh học trò ngủ một giấc mê man mãi đến sáng mới tỉnh dậy. Anh hết sức kinh ngạc khi thấy vợ mình đã đầu lìa khỏi cổ. Anh vội kêu cứu ầm lên. Làng xóm đổ tới rất đông. Anh kể hết mọi việc. Có mấy người đồ rằng anh này đã tự tay giết vợ rồi bày chuyện la làng để đánh lừa mọi người. Bọn hào lý không cần phân biệt phải trái, sai đóng gông anh lại và giải lên quan.

cuu-tro-1653815239.jpg
Ảnh minh họa.

Sau những ngày tra khảo, anh học trò vẫn một mực khai rằng mình không can cớ gì làm hại vợ cả. Vả chăng, nếu đã định tâm giết vợ thì trốn đi, dại gì mà kêu làng tới. Nhưng anh cũng không có cách gì để chỉ ra thủ phạm, vì thế vẫn cứ phải giam vào ngục để còn cứu xét.

Một hôm ở nhà giam, người ta phơi thóc để bắt tù phạm xay giã. Anh học trò được bọn lính cắt cho công việc canh gà là việc nhẹ nhất. Anh ngồi ở một góc sân nhìn ra. Bầy gà trong trại thấy có thóc thì rủ nhau mò tới kiếm ăn. Nhưng anh học trò bỗng nhớ tới lời dặn thứ ba của thầy nên cứ để cho gà ăn mà không chịu xua. Bọn lính gác thấy vậy mắng anh:

– Sao bảo canh gà mà mày cứ ngồi trơ ra như phỗng thế?

Anh chỉ cười khì không đáp. Sau đó mấy lần bầy gà lại sà vào, anh vẫn ngồi nhìn và không nhúc nhích. Thấy vậy, bọn lính cho anh là một tên bướng bỉnh, sẵn roi quất cho một trận. Anh nhăn nhó kêu khóc rầm lên. Lúc bấy giờ quan đang ngồi ở công đường, nghe tiếng ồn ào, vội sai người đến xem chuyện gì. Khi biết đầu đuôi, quan bèn cho gọi anh tới và hỏi:

– Anh là học trò mà lại là kẻ có tội, vậy tại sao lại bướng thế? Người ta thương hại chỉ bắt xua gà là công việc nhẹ, sao anh nhất định không chịu làm?

Anh học trò đáp:

– Bẩm quan, trước khi ra về thầy học của tôi có cho tôi bốn câu thơ để phòng thân. Tôi đã theo hai câu đầu, nhờ đó thầy đã cứu trò tránh được tai nạn, nên câu thứ ba không thể không theo.

– Thơ như thế nào? Quan hỏi.

– Câu thứ nhất là “Gặp đình chớ tới”. Suýt nữa tôi đã tự chuốc lấy cái chết thê thảm vì trên đường về toan vào ẩn mưa trong một ngôi đình sắp đổ. Tránh được là nhờ nhớ đến câu ấy. Câu thứ hai là: “Gặp thơm chớ gội”. Chính vợ tôi đã gội nước thơm thay tôi nên bị một kẻ lạ mặt cắt cổ. Còn câu thứ ba thầy tôi dặn là “Gặp gà chớ đuổi”. Vì vậy mà tôi không dám đuổi gà, chứ không phải bướng đâu.

Quan vội hỏi tiếp:

– Vậy còn câu thơ thứ tư là gì?

– Bẩm quan, câu thứ tư là: “Ba, Bốn, Sáu chớ hỏi”.

Đêm hôm đó quan nằm suy nghĩ mãi về câu thơ thứ tư. “Ba, Bốn, Sáu chớ hỏi, vậy thì chỉ có thể là Năm. Phải chăng có một người nào đó tên là Năm đã hạ sát người đàn bà”. Nghĩ vậy, sáng dậy, quan lập tức thảo trát đòi lý hương của xã xảy ra án mạng phải khai ngay trong xã có người nào tên là Năm hay không. Nếu có ai đúng tên đó thì phải bắt giữ lại và giải lên quan.

Trong xã ấy quả có một người tên là Năm. Và chính hắn là tình nhân của người đàn bà. Khi thấy bỗng nhiên vô cớ có nha lại về bắt giải đi, hắn nghĩ rằng nếu không phải oan hồn của người nhân ngãi bị mình giết nhầm hiển hiện, thì làm sao quan lại bắt được đích danh như thế. Nghĩ vậy, hắn không đợi tra tấn, tự thú.

lm0801-j01-title03-2-1653443907.png

Người học trò và ba con quỷ

Ngày xưa, ở một vùng nọ có hai vợ chồng một nhà phú hộ tuổi đã già mới sinh được mụn con gái, nên hết sức chiều chuộng. Cô gái lớn lên dung nhan đẹp đẽ ít ai bì kịp, bố mẹ lại càng nâng niu như vàng như ngọc. Họ bỏ tiền ra xây một ngôi lầu cho con ở. Lầu dựng xong, phú hộ lại cho người đi tìm hoa thơm cỏ lạ trồng xung quanh vườn để con thưởng ngoạn.

Bấy giờ trong đám rừng sâu gần đấy có ba con cáo sống lâu năm thành quỷ, có phép biến hóa, thường quen thói hại người. Nghe tin có cô gái đẹp cấm cung mà bố mẹ thì đang bỏ tiền ra mua các cây hoa trồng ở vườn, chúng rắp tâm phá phách, bèn hóa thành một thứ cây có hoa rất lạ.

Hoa có ba cánh: một cánh màu xanh, một cánh màu trắng, một cánh màu đỏ. Một người tiều phu lên rừng hái củi thấy hoa đẹp chưa từng có, liền bứng lấy đưa về bán cho phú hộ.

Thấy cây hoa đặc biệt, phú hộ vội mua ngay rồi đem trồng ở vườn. Tuy hoa rất lạ và trông thật đẹp mắt nhưng cô gái lại tỏ vẻ không thích, vì thế mưu kế của lũ quỷ không thành.

Lâu ngày hoa tàn cây héo, lũ quỷ sắp sửa bỏ đi nơi khác. Giữa lúc ấy, người phú hộ chặt cây thấy thớ gỗ đẹp, bèn chọn lấy một khúc, đẽo thành then cửa đem về chốt ở cửa buồng của con gái.

Thế rồi sau đó mấy hôm, một đêm kia, trong khi cô gái đang ngủ, thì một con quỷ từ chiếc then cửa bỗng hiện ra, lên giường, toan sinh sự với cô. Nhưng cô đã vùng dậy, hết sức chống cự và kêu la inh ỏi. Biết không xong, con quỷ liền hớp lấy hồn nàng rồi lại biến vào then cửa.

Khi vợ chồng phú hộ và người nhà chạy vào buồng thì thấy cô gái nằm thiêm thiếp trên giường như người đã chết, ngực thoi thóp đập nhưng lay gọi mãi vẫn không tỉnh.

Chưa kịp tìm thầy cứu chữa, thì tối hôm sau, trong khi người cha một mình chăm sóc cho con, con quỷ thứ hai lại hiện ra hớp lấy hồn ông. Tối hôm sau nữa lại đến lượt một người nhà bị con quỷ thứ ba hớp hồn.

Vợ phú ông sợ quá vội cho người mời một thầy phù thủy đến bắt quỷ trừ tà. Thầy làm phép trong ba ngày ba đêm thì phú ông và người hầu tỉnh lại. Duy chỉ có cô con gái là quỷ đầu đàn vẫn không chịu buông tha.

Thầy tuy đã cao tay nhưng quỷ vẫn chẳng coi ra gì. Cuối cùng thầy đành xách gói cáo từ vì phép thuật đã giở ra hết mà cô gái vẫn nằm lịm trên giường, nửa mê nửa tỉnh. Từ đấy người ta tin rằng ngôi lầu có quỷ nên không ai dám lui tới.

Một buổi chiều nọ, có một thầy cử tên là Long đi thi hội, đến đây thì lỡ độ đường. Thấy có ngôi nhà tốt, anh bèn ghé vào xin nghỉ trọ. Người nhà kể lại câu chuyện đã qua và nói:

– Chẳng giấu gì ông, nhà chúng tôi đang bị lũ quỷ quấy nhiễu. Ông nên tìm chỗ khác mà trọ, kẻo mang vạ vào thân.

Nghe đoạn, Long vội nói với vợ chồng phú ông:

– Đã là học trò đọc sách thánh hiền thì yêu tinh ma quỷ dám đâu trêu ghẹo. Ông bà cứ cho tôi nghỉ lại một đêm. Biết đâu tôi lại có thể trừ được nạn cho ông bà.

Vợ chồng phú hộ nghe nói bèn mở cửa đón khách vào. Ăn xong bữa chiều, Long khoan thai bước lên lầu. Anh chỉ xin nhà chủ cho mình một ngọn đèn và một con dao sắc. Đêm lại, anh thắp đèn ngồi trước án thư đọc sách, con dao để sẵn bên người.

Đến khuya, một con quỷ từ then cửa buồng cô gái hiện ra với trạng mạo một cô gái xinh đẹp. Long vẫn điềm nhiên đọc sách không nói gì cả cho đến lúc nó biến đi. Lần thứ hai, một con khác tiến vào dưới dạng một người mặt mày hung ác, tóc xõa, lưỡi thè chừng một gang.

Nó chạm vào người Long, nhưng anh vẫn thi gan mặc kệ. Đến lượt con thứ ba tức là con quỷ đầu đàn đang hớp hồn cô gái, bước vào. Thấy bóng anh học trò, nó vội quay trở ra, chỉ kịp rú lên mấy tiếng:

– Có bậc quý nhân… Trốn cả mau!.

Long lần này đã cầm sẵn dao ngồi rình, nhanh như cắt, nhảy đến chém một nhát, con quỷ đứt mất một chân. Long chạy theo đến cửa buồng cô gái thì thoáng thấy cả ba con quỷ chui biến vào then cửa. Anh cầm lấy chân quỷ soi vào đèn xem, thì thấy đấy là một cái chân con cáo.

Vì quỷ đau quá phải buông thả hồn ra nên ngay lúc đó cô gái cũng tỉnh dậy. Long liền đến gần hỏi chuyện. Biết đó là người cứu mình, nàng cúi đầu chào và ngỏ lời cảm ơn. Long dẫn nàng ra cho vợ chồng phú hộ. Lại đem chân con quỷ cho mọi người xem. Ai nấy đều lắc đầu lè lưỡi phục tài anh học trò.

Sáng hôm sau lúc lên đường, Long từ chối vàng bạc của hai vợ chồng phú hộ đưa tặng, chỉ xin họ cái then cửa buồng giắt vào thắt lưng. Đi được nửa ngày, anh đã thấy ba con quỷ hiện ra, phủ phục trước mặt, khẩn khoản xin anh làm phúc bỏ lại cái then cửa. Long cười:

– Không được! Các ngươi có tài phép gì thì cứ giở ra cho hết để ta xem, rồi ta sẽ cho các ngươi vào lửa.

– Xin ngài tha cho chúng tôi – ba con quỷ đáp – chúng tôi xin tặng ngài những vật quý.

Con quỷ thứ nhất đưa tặng Long một cái mặt trời đựng trong túi, dặn rằng ban đêm hễ rút ra khỏi túi thì trời sẽ sáng như ban ngày, cất vào túi thì trời lại tối sẫm như cũ.

hoc-tro-1653815265.jpg
Ảnh minh họa

Con thứ hai tặng một mặt trăng cũng vậy, hễ ban đêm tối tăm rút ra khỏi túi thì không cần đến đèn đuốc. Còn con thứ ba tặng một con ngựa mỗi ngày có thể đi ngàn dặm đường. Long vui lòng nhận lấy những món quà tặng rồi ném cái then cửa vào một bụi rậm bên đường.

Sau đó, Long nhảy lên lưng ngựa, bảo đưa mình tới kinh đô. Lập tức ngựa hý lên một tiếng rồi lao rất nhanh, bàn chân không chạm đất. Chỉ một lát sau, ngựa đã đặt anh xuống ở phía ngoài hoàng thành. Long ở lại đây sắm sửa mọi thứ để dự kỳ thi hội.

Hôm bắt đầu thi, bài của Long làm rất đắc ý. Cho nên thi vừa xong buổi sáng, anh bỗng nhớ đến vợ. Sẵn có con ngựa quý, anh nhảy lên lưng, bảo nó đưa mình về quê nhà. Ngựa phóng tít mù, chỉ vừa chập tối là đã đến nơi. Anh khe khẽ gọi cửa.

Vợ Long đang ngủ, rất kinh ngạc vì thấy chồng mình đi thi chưa được mấy ngày đã vội trở về. Long không muốn thức cha mẹ dậy, nên dặn vợ giấu kín chuyện mình về. Rồi hai vợ chồng nhỏ to trò chuyện cho đến tờ mờ sáng anh mới lại lên đường.

Mặc dầu vậy, đêm ấy tiếng chuyện trò rì rầm của đôi vợ chồng đã thức tỉnh cha mẹ Long nằm ở buồng bên. Hai ông bà không tin là con trai mình về, chỉ ngờ rằng nàng dâu có nhân tình nhân ngãi chi đây.

Cho nên sáng hôm sau ngủ dậy – lúc ấy Long đã cưỡi ngựa trở lại kinh đô để kịp nghe loa báo tin – hai ông bà vội vào buồng nàng dâu gạn hỏi. Vợ Long trước còn giấu quanh, nhưng sau thấy không giấu được nữa, đành phải kể lại câu chuyên chồng về tối hôm qua, cùng những việc chồng mình trị quỷ và được chúng tặng ngựa quý ra sao, v.v…

Nhưng bố mẹ chồng làm sao mà tin được một việc khó nghe đến thế, nên trách mắng con dâu thậm tệ. Vợ Long không biết lấy gì làm chứng, đành chỉ ôm mặt ngồi khóc. May sao chiều ấy Long lại về. Được tận mắt thấy con trai và con ngựa thần, hai ông bà mới tin là thực. Long kể chuyện cho bố mẹ và mọi người cùng nghe:

– Sáng hôm nay ngựa đưa con vào đến kinh đô thì cũng vừa lúc tiếng loa trường thi bắt đầu gọi tên những ai thi đỗ. Nghe loa gọi đến tên con, con mừng rỡ vội ra nhà trọ thu xếp hành lý, phóng ngựa về đây. Ba ngày nữa con lại trẩy kinh để còn dự yến đêm do đức hoàng đế đãi các ông nghè ở điện Thiên Quang.

Nghe nói có con ngựa thần một ngày ngàn dặm, người cha ngỏ ý muốn cưỡi thử. Long hỏi:

– Bố muốn đi chơi đâu bây giờ?

– Bố thường ao ước được vào tận trong Đồng Nai, Gia Định để du ngoạn một phen.

– Vâng, vậy ngày mai bố hãy lên đường.

Sáng hôm sau, ông già cơm nước xong, nai nịt chỉnh tề bước ra sân. Long nắm dây cương trao cho bố. Ông già vừa nhảy lên yên thốt ra hai tiếng “Gia Định!”, ngựa đã phóng đi vùn vụt, loáng một cái không thấy đâu nữa.

Cho đến tận chiều, vào lúc mặt trời gác núi, con ngựa quý lại phóng như bay trở về, đặt ông già xuống giữa sân. Ông vui vẻ mở tay nải lấy quà mời mọi người nếm thử, rồi kể chuyện tai nghe mắt thấy ở Gia Định.

Mẹ Long nghe chồng hết lời ca ngợi con ngựa thần, cũng có ý định muốn đi chơi Đồng Nai, Gia Định một chuyến dối già. Qua hôm sau, Long lại dắt ngựa ra sân rồi đỡ mẹ lên yên. Nhưng ngựa chưa kịp bước ra khỏi cổng, tự nhiên ngã khuỵu, hất bà già ngã lăn xuống đất.

Một luồng khói trắng từ trong mình ngựa phóng ra và bay cuộn lên trời. Mọi người xúm lại xem thì con ngựa đã tắt thở từ lúc nào. Thì ra bà mẹ Long đã cưỡi ngựa thần không đúng lúc, vì bà đang đến kỳ nguyệt san nên thần ngựa hoảng sợ, bỏ lốt ngựa mà đi.

Không những mất một tặng vật vô giá, ông tiến sĩ tân khoa còn đứng trước mối hiểm nguy khó thoát được tội “khi quân”, vì trước mắt không có cách gì để tiến kinh cho kịp chiều mai dự yến.

Đường từ quê Long đến kinh thành đi bộ mất bốn năm ngày đường, đi ngựa cũng phải hơn hai ngày. Không còn kế gì hơn, Long đành bắt một con ngựa thường, chẳng kịp từ biệt cha mẹ vợ con, vội ra roi cho con vật phi nước đại.

Con ngựa đi đến tối mịt mà vẫn chưa được một nửa đường. Nằm nghỉ ở quán trọ, Long lo lắng hết sức. Anh sực nhớ tới một tặng vật “mặt trời” do con quỷ thứ nhất biếu vẫn còn cất trong túi vải. Thế là Long nghĩa ra một diệu kế.

Ngay hôm sau, Long lại lên ngựa phóng đi Cho đến khi mặt trời sắp gác núi, anh liền lôi “mặt trời” của mình ra treo trước đầu ngựa. Thốt nhiên, một chuyện lạ chưa từng có xảy ra: đâu đâu cũng không thấy tắt ánh mặt trời. Cho đến khi con ngựa đưa Long đến trước điện Thiên Quang, anh mới cất “mặt trời” vào túi, bấy giờ bầu trời đang từ ban ngày mới chuyển sang đêm một cách đột ngột.

Long buộc ngựa xong, bước vào điện. Nhưng cũng đã muộn mất rồi. Mọi người chờ mãi không thấy đêm xuống, song thức ăn thì đã nguội cả, nên sau cùng Hoàng đế đành ra lệnh cha các ông tiến sĩ cứ bốn người một, ngồi vào mâm.

Khi Long bước vào. thì tiệc rượu đã hầu tàn. Biết việc chậm trễ có thể khiến mình mất đầu như chơi, nên anh cởi mũ “phủ phục” trước sân điện, một hai viện lý do “không thấy trời tối” để mong được nhẹ tội.

Vua tha cho chàng, nhưng để chàng nhớ lỗi, bắt bổ chàng về làm tri huyện một huyện từng nổi tiếng có nhiều vụ án ma. Mặc dầu vẫn nghe nhiều tin đồn rùng rợn rằng từ trước đến nay, hễ quan nào được bổ về huyện ấy đều bị ma quỷ vật chết, Long vẫn ung dung về trị nhậm.

Theo tục lệ ở vùng này, mỗi khi quan mới bổ đến, dân các làng xã đều phải mang lễ vật đến chào quan. Cho nên những ngày Long mới chân ướt chân ráo đến nơi, dân các làng kéo nhau đội lễ vật đến đầy cả công đường.

Long tiếp chuyện mọi người rất ân cần, nhưng nhất thiết từ chối mọi lễ vật. Chàng kín đáo dặn lính hầu mỗi khi có toán dân nào ra về thì lén đi theo để biết rõ tung tích.

Vào ngày thứ ba, một trong những người lính hầu mà Long phái đi theo bén gót hai người dân đội một mâm lễ vật trở về. Người lính thấy hai người này đi mãi, đi mãi, bóng chiều đã ngả mà vẫn chưa đến nơi.

Cho đến khi tắt ánh mặt trời mới thấy họ đến sát một cái giếng hoang bên cạnh đường. Thốt nhiên họ đội cả mâm, lội vùng xuống giếng, rồi thoáng một cái đã biến mất. Vừa kinh ngạc, vừa sợ hãi, người lính vội đi suốt đêm trở về báo lại tình hình cho quan biết.

Sáng hôm sau, Long hạ lệnh cho một toán lính huyện tới tát cạn cái giếng ấy. Họ ra sức tát suốt cả một ngày. Nhưng thật là lạ lùng! Tát được bao nhiêu nước lại đầy ắp bấy nhiêu. Mấy ngày sau nữa công việc cũng không nhích lên được tý nào. Bọn lính huyện cảm thấy rất chán nản.

Một đêm nọ, vào giữa canh khuya, một người lính nằm ngủ bỗng thức giấc thấy có hai con quỷ đang ngồi vắt vẻo trên cành cây nói chuyện với nhau. Một con hỏi:

– Nếu chúng nó kéo tới đông thì có tát cạn chăng?.

Con kia đáp:

– Nhiều người cũng vô ích thôi. Chỉ có rồng mới có thể tát cạn, ngoài ra không có cách nào khác.

Người lính bèn đem câu chuyện ấy trình lên quan. Long nói ngay:

– Chính ta là rồng đây! Ta sẽ thân hành tát cạn giếng.

Nói xong Long cưỡi ngựa đến tận nơi. Sau khi xem xét tình hình, quan xắn áo quần cầm lấy gầu tát lấy tát để. Quả nhiên chỉ một mình Long đã làm cho nước giếng dần dần cạn thấu đáy. Nhưng khi giếng cạn hết, cả quan và lính đều không tìm thấy quỷ.

Giữa ban ngày, quỷ có phép tàng hình, mắt người không thể nhìn thấy được. Nhưng đêm đến, quỷ lại dựa vào tối trời, lẩn lút trốn nấp trong các hang hốc làm cho Long và lính hầu tìm hết hơi mà không ra.

Họ thắp đuốc lên nhưng bó đuốc nào hễ đưa vào cửa hang cũng đều tắt ngấm, không thể chụm lên được. Long sực nhớ tới món tặng vật bèn mở túi lấy “mặt trời” ra treo lên đầu ngọn tre. Lập tức cả một vùng sáng rực như ban ngày. Nhưng vì là ban ngày nên quỷ lại tàng hình lọt khỏi con mắt của mọi người.

Sau cùng, Long nhớ đến món tặng vật thứ hai. Vừa đưa ra khỏi túi, “mặt trăng” tỏa một thứ ánh sáng dịu mát vào khắp mọi nơi. Long liền mang “mặt trăng” đi lần xuống giếng, tiến vào các hang các hốc.

Dưới ánh sáng trăng, quỷ đành lộ mặt, không thể tàng hình nổi. Cho nên chỉ một chốc, chưa giập miếng bã trầu, quan và lính đã tóm được hai con quỷ. Chính đó là hai con xà tinh quen thói hại người, thường dùng một cái hang ở đáy giếng làm sào huyệt.

Trước mặt Long, hai con quỷ cúi đầu van lạy xin quan sinh phúc tha cho tính mạng, từ rày không dám làm hại ai nữa. Long sai lính giải chúng đi đày thật xa. Từ đây dân huyện ấy sống yên ổn.

lm0801-j01-title04-1-1653443933.png

Bài học hay từ những câu truyện cổ tích

Một số câu chuyện cổ tích mang yếu tố hoang đường, phản ánh nhiều mặt về cuộc sống vật chất và tinh thần, về tâm tư và ước vọng của người xưa. Đồng thời mang đến những bài học thú vị, hấp dẫn, bổ ích và có ý nghĩa về cuộc sống.

11275873-thi-1653815362.jpg
Những câu chuyện cổ tích mang yếu tố hoang đường, phản ánh nhiều mặt về cuộc sống, cùng với những bài học thú vị, bổ ích.