Từ 2021, làm những hành động này với đồng nghiệp sẽ bị đuổi việc ngay lập tức

Bộ luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực từ 1/1/2021, bổ sung nhiều quy định liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của người lao động, trong đó có những quy định về quấy rối tình dục.
Từ 2021, làm những hành động này với đồng nghiệp sẽ bị đuổi việc ngay lập tức - Ảnh 1

Người lao động quấy rối tình dục đồng nghiệp tại nơi làm việc sẽ bị sa thải ngay lập tức. Ảnh minh họa

Quấy rối tình dục nơi làm việc

Theo Điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, việc xác định có hay không có hành vi quấy rối tình dục được căn cứ theo:

- Quấy rối tình dục có thể xảy ra dưới dạng trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc; hoặc những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi, nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối.

- Quấy rối tình dục tại nơi làm việc bao gồm:

+ Hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục;

+ Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục;

+ Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.

Nơi làm việc được hiểu là bất cứ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động, bao gồm cả những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như các hoạt động xã hội, hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, bữa ăn, hội thoại trên điện thoại, các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử, phương tiện đi lại do người sử dụng lao động bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp và địa điểm khác do người sử dụng lao động quy định.

Sa thải người quấy rối tình dục nơi làm việc

Sa thải là hình thức kỷ luật lao động nặng nề nhất đối với người lao động được quy định tại Điều 125 Bộ luật Lao động 2019. Trong đó, tại khoản 2 của điều này quy định, áp dụng hình thức sa thải đối với người lao động có hành vi:

"Tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động”…

Như vậy, nếu người lao động có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động như có hành động sàm sỡ, động chạm, vuốt ve, cưỡng hôn… hoặc có lời nói gợi ý về tình dục, gửi ảnh khiêu dâm cho đồng nghiệp… thì sẽ bị sa thải.

Người bị quấy rối tình dục được quyền nghỉ việc mà không cần báo trước

Nếu như người quấy rối tình dục bị áp dụng biện pháp xử lý kỷ luật sa thải, thì cũng theo Bộ luật Lao động 2019, người bị quấy rối được quyền nghỉ việc mà không cần phải báo trước cho người sử dụng lao động.

Điểm d khoản 2 Điều 35 của Luật chỉ rõ:

2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:

d) Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

Theo quy định cũ tại Bộ luật Lao động 2012, người lao động bị quấy rối tình dục được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước với người sử dụng lao động ít nhất 03 ngày.