Tự chủ đại học phải đem lại giá trị cao hơn cho tiếng nói chuyên môn

Theo Bộ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, tự chủ đại học phải đem lại giá trị cao hơn cho tiếng nói chuyên môn, để tiếng nói của người thầy, nhà khoa học, chuyên gia quan trọng trong cơ sở giáo dục.

Tự chủ đại học tăng chất lượng, song, còn lúng túng

Tại hội nghị giáo dục đại học năm 2021 diễn ra ngày 24/8, bà Nguyễn Thu Thuỷ (Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học, bộ GD&ĐT) cho biết, tự chủ đại học ghi nhận sự thay đổi rất lớn về nhận thức và sự triển khai quyết liệt của các trường. 142/175 đơn vị công lập, 34/35 đơn vị trực thuộc bộ GD&ĐT đã hoàn thành kiện toàn hội đồng trường. Bộ đang soạn thảo, xây dựng văn bản sửa đổi về trường của cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang và triển khai thành lập hội đồng trường tại các trường công an, quân đội.

Theo báo cáo từ vụ Giáo dục đại học, nhờ tự chủ, đội ngũ ở các trường đã gia tăng về chất lượng, tỉ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ là 31,12%, tăng so với trước (28,9% năm 2019 và 30% năm 2020).

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, số bài báo ISI/SCOPUS của các cơ sở giáo dục đại học năm 2020 tăng 4 lần so với năm 2016. Sau 5 năm, các cơ sở giáo dục đại học vượt 75.400 bài, chiếm hơn 77% trong tổng số bài báo ISI/SCOPUS cả nước.

Về đảm bảo chất lượng, kết quả kiểm định giai đoạn 2016-2021 cũng tăng dần qua các năm. Đến cuối tháng 7/2021, 170 cơ sở và 241 chương trình đào tạo đạt chuẩn trong nước; 216 chương trình đào tạo và 7 cơ sở đạt chuẩn kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài.

hoi-nghi-truc-tuyen-giao-duc-dai-hoc-6261-1629818267.jpg
Hội nghị giáo dục đại học năm 2021 diễn ra ngày 24/8.

Bên cạnh kết quả đạt được, một số nơi triển khai tự chủ chậm trễ, lúng túng. Mặc dù triển khai tốt nhưng công tác tuyển sinh đang đứng trước nhiều thách thức, tác động của Covid-19 tới việc xác nhận nhập học, di chuyển, phương thức học tập năm học mới… Quy mô khối ngành cũng thay đổi. Một số cơ sở tuyển sinh tốt song chưa đầu tư điều kiện đảm bảo chất lượng tương xứng với quy mô đào tạo, nhiều nơi thiếu nguồn lực. Một số trường tuyển sinh thấp so với năng lực (năm 2020, có khoảng 25% cơ sở giáo dục đại học có tỉ lệ nhập học thấp). Số chương trình đào tạo được kiểm định tăng nhưng chưa đáp ứng được mục tiêu.

Hội nghị đã ghi nhận ý kiến tham luận và trao đổi của các cơ sở giáo dục đại học, các bộ, ban ngành và vụ cục chuyên môn thuộc bộ GD&ĐT. Các ý kiến đều đánh giá cao những công việc đã triển khai và kết quả của giáo dục đại học trong năm học 2020-2021; đồng thời nhất trí với định hướng cho năm học tiếp theo.

Về tự chủ chuyên môn học thuật, PGS.TS Nguyễn Phong Điền (Phó Hiệu trưởng trường đại học Bách khoa Hà Nội) chia sẻ, nhà trường chủ trì 7 nhóm trường đại học kỹ thuật cùng xây dựng chuẩn chương trình đào tạo kỹ sư mới, trong đó, tăng học trải nghiệm nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên và sẽ triển khai đại trà từ năm học này.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền hoan nghênh các văn bản mới được ban hành gần đây và sẽ ban hành tới đây đã đảm bảo trao quyền cho thủ trưởng các cơ sở đào tạo, tạo đà cho các trường đẩy mạnh tự chủ. Trong đề xuất, đại diện lãnh đạo trường đại học Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh tính đồng bộ của văn bản quy phạm pháp luật và sự cần thiết một nền tảng báo cáo trực tuyến để hoạt động này hiệu quả hơn.

Chia sẻ tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải (Phó Giám đốc đại học Quốc gia Hà Nội) cũng cho rằng, toàn ngành giáo dục đã nhanh chóng thích ứng và phát huy hiệu quả trong dạy học ở tất cả các cấp học, bằng cách chuyển đổi số. Gắn với đó, ông lưu ý, chuyển đổi số phải đảm bảo điều kiện chất lượng; cân nhắc cho phép kiểm định chất lượng trực tuyến trong nước; xây dựng hệ thống học liệu chia sẻ chung trong các cơ sở giáo dục đại học trong nước; đào tạo bồi dưỡng cho giảng viên kiểm tra đánh giá trực tuyến; siết chặt đầu ra khi triển khai Đề án 89; Bộ phối hợp các trường có kế hoạch tài chính chặt chẽ khi triển khai đào tạo giáo viên.

Tự chủ phải đem lại giá trị cao hơn cho tiếng nói chuyên môn

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, năm học tới, tự chủ đại học sẽ tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng toàn diện, có chiều sâu và hiệu quả.

“Tự chủ không gì khác là để đại học năng động hơn, giải phóng được nguồn lực và sức sáng tạo, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nếu tự chủ không mang lại được điều đó thì cơ chế, chính sách phải điều chỉnh”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Từ đó, Bộ trưởng yêu cầu, cần tiếp tục rà soát về phương diện thể chế để từng bước đồng bộ, tạo cơ chế chính sách đầy đủ thuận lợi cho tự chủ. Ngoài ra, muốn triển khai tự chủ đúng hướng, cần nâng cao nhận thức và thống nhất cách hiểu để áp dụng các quy định về tự chủ - điều mà thời gian qua vẫn chưa thấu đáo ở một số trường đại học.

“Thực thi quyền tự chủ phải làm sao để quyền đó lan tỏa tới được chủ thể quan trọng là người thầy, là các nhà khoa học. Tự chủ phải đem lại giá trị cao hơn cho tiếng nói chuyên môn, để tiếng nói của người thầy, nhà khoa học, chuyên gia phải trở thành tiếng nói quan trọng trong quản trị, vận hành cơ sở giáo dục đại học. Có làm được điều đó, tự chủ đại học mới đầy đủ và có chiều sâu”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định.

Đi cùng với tự chủ, một mảng việc cũng được vị tư lệnh ngành chỉ đạo tăng cường trong năm học tới là công tác đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng, trong đó, vai trò kiểm soát thông qua các bộ công cụ của cơ quan quản lý nhà nước là yếu tố quan trọng.

hoi-nghi-truc-tuyen-giao-duc-dai-hoc-7602-1629818267.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, năm học tới, tự chủ đại học sẽ tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng toàn diện, có chiều sâu và hiệu quả.

Cụ thể, Bộ trưởng cho biết, bộ GD&ĐT sẽ triển khai rà soát các bộ tiêu chuẩn, tiêu chí, củng cố và phát triển các trung tâm kiểm định và đội ngũ kiểm định viên; hoàn thiện hệ thống chế tài xử phạt và sẽ làm sát thực tế hơn, nghiêm minh hơn. Ngoài ra, sẽ quan tâm nhiều hơn đến công tác hậu kiểm định.

Trong bối cảnh tuyển sinh chịu tác động của tình hình dịch bệnh những năm gần đây, Bộ trưởng bộ GD&ĐT cũng đề cập đến tinh thần đổi mới công tác tuyển sinh, gắn với việc kỳ thi tốt nghiệp THPT phải năng động hơn để thích nghi và có sự đổi mới theo hướng tăng cường phân cấp trong thi tốt nghiệp THPT.

Đây là việc đang trong quá trình chuẩn bị, tuy nhiên, theo Bộ trưởng, 2 đại học quốc gia và các đại học vùng có thể bắt tay ngay vào việc xây dựng và củng cố hệ thống các trung tâm khảo thí, tạo tiền đề cơ sở vật chất cho các chủ trương đổi mới thi trong thời gian sắp tới.