Từ vụ 13 học sinh dương tính với ma túy sau khi ăn kẹo lạ, phụ huynh cần làm gì?

Hiện nay ma túy tồn tại dưới nhiều dạng tinh vi, không chỉ là hút, chích, viên nén, dạng bột mà còn được trá hình dưới dạng trà sữa, bánh kẹo… rất khó nhận biết.

Chiều 25/10, thông tin với VTC News, đại diện Trường THPT Hoành Bồ (Tp.Hạ Long, Quảng Ninh) cho biết, cơ quan công an đang điều tra, làm rõ vụ việc 13 học sinh của trường có dấu hiệu ngộ độc sau khi ăn một loại kẹo không rõ nguồn gốc.

Cụ thể, vào lúc 7h45 cùng ngày (25/10), trong thời gian diễn ra lễ chào cờ đầu tuần, 1 học sinh lớp 10 có biểu hiện ngộ độc như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, tê bì chân tay. Tiếp đó, có thêm 12 học sinh có biểu hiện tương tự. Ngay khi phát hiện sự việc, Ban Giám hiệu nhà trường cùng tổ y tế đã sơ cứu và chuyển các học sinh này đến Bệnh viện Đa khoa Hạ Long.

Qua rà soát nhanh cho thấy, các học sinh trên cùng ăn một loại kẹo không rõ nguồn gốc (màu xanh, có in chữ nước ngoài) do một học sinh nam trong lớp mang đến.

Nhà trường đã báo cáo các cơ quan chức năng đồng thời phối hợp với Công an Tp.Hạ Long lập biên bản sự việc, niêm phong gói kẹo học sinh đã sử dụng và xác minh các thông tin liên quan để phục vụ điều tra.

Bệnh viện Đa khoa Hạ Long cho biết đến thời điểm này, bệnh viện đã tiếp nhận 13 học sinh đều có biểu hiện kích thích, buồn nôn. Sau khi test nhanh, 13 học sinh đều có kết quả dương tính với ma túy (THC-cần sa). Hiện sức khỏe của các học sinh trên đã ổn định và đang được tiếp tục theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa Hạ Long.

Thực tế hiện nay sự thay đổi liên tục hình thức, hình dạng của các sản phẩm bánh kẹo chứa các chất cấm, chất gây nghiện đã khiến việc ngăn chăn các sản phẩm này xâm nhập và gây hại cho môi trường học đường gặp nhiều khó khăn. Các hình thức mới liên tục được phát hiện, thành phần gây nghiện mới được bổ sung vào thực phẩm ngày càng nhiều hơn, cho thấy mức độ tinh vi của các đối tượng phạm tội. Một số sản phẩm ma túy “đội lốt vô hại” từng được phát hiện có thể kể đến như:

Ma túy “tem giấy”: Là miếng giấy được tẩm chất gây ảo giác LSD (Lysergic Axit Diethylamide). Đây là chất gây ảo giác mạnh, được xem là chất ma túy nguy hiểm nhất.

Ma túy “nước vui”: Xuất xứ từ Trung Quốc, đựng trong các lọ nhỏ khoảng 10-15ml, trộn lẫn với các loại nước có ga theo một tỉ lệ nhất định để uống. Loại ma túy này sẽ tạo cho người sử dụng cảm giác hưng phấn, vui vẻ kéo dài.

Nấm thần: Hình dáng không khác những loại nấm thường dùng làm thực phẩm, mới du nhập vào Việt Nam. Loài nấm này biến đổi màu sắc kỳ ảo, gây ảo giác bay bổng, cười khóc vô cớ, người trầm cảm trở nên linh hoạt khác thường.

Đời sống - Từ vụ 13 học sinh dương tính với ma túy sau khi ăn kẹo lạ, phụ huynh cần làm gì?
Đời sống - Từ vụ 13 học sinh dương tính với ma túy sau khi ăn kẹo lạ, phụ huynh cần làm gì? (Hình 2).

Các hình thức biến tướng của cần sa dưới dạng đồ ăn, thức uống thông thường.

Kẹo mút cần sa: Thành phần các loại bánh kẹo này có chứa tinh dầu cần sa, làm cho người dùng có cảm giác kích thích, mơ màng.

Điểm chung của những loại ma túy này là có bề ngoài nhìn như vô hại như một cái kẹo mút, ly nước ngọt, miếng giấy… , nhưng thực chất lại là những loại độc dược “trá hình”, thực sự rất nguy hiểm.

TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương (Hà Nội) cho biết, cần sa là loại ma túy được chế từ hoa và lá khô của cây cần sa có tên là Cannabis Sativa. Loại ma túy này còn được biết đến với những tên khác như "cỏ", bồ đà, tài mà...

Đời sống - Từ vụ 13 học sinh dương tính với ma túy sau khi ăn kẹo lạ, phụ huynh cần làm gì? (Hình 3).

“Crispy Fruit Mango”, loại ma túy có tên “nước xoài”, được pha vào nước để uống, tạo ảo giác.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, với liều dùng nhỏ, ảnh hưởng của cần sa có thể kéo dài trong vòng 5 giờ đồng hồ và người sử dụng có thể cảm thấy khỏe khoắn, sảng khoái một cách lạ thường. Nhưng mặt khác, nó khiến người sử dụng giữ thăng bằng và kiểm soát cơ thể kém, khó tập trung, nhịp tim nhanh hơn, mất tập trung vào công việc khác.

Những ảnh hưởng này thường làm người sử dụng cảm thấy mọi thứ đều chậm chạp và có cảm giác buồn ngủ. Tiến sĩ Hùng cho biết, trước đó, ông từng điều trị cho một nam sinh là Việt kiều Canada bị nghiện cần sa do thường xuyên ăn bánh, kẹo chứa cần sa.

Sự phát triển liên tục và không ngừng của đời sống xã hội, sự du nhập của các “trào lưu thời thượng”, sự tinh vi của các đối tượng buôn bán, vận chuyển kinh doanh các sản phẩm có chứa chất cấm, đã gây nên nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn sự xâm nhập của các sản phẩm này vào đời sống học đường. Người ta thường nói: “Không có nguy hiểm nào bằng nguy hiểm ẩn mình”. Vậy nên, đây chính là hiểm họa đáng sợ nhất, khi không biết “kẻ thù” là ai thì thật khó để đề phòng và đấu tranh.

Để bảo vệ chính con em mình, gia đình nên gần gũi để hiểu được tâm lý, cũng như nắm bắt các hoạt động vui chơi, ăn uống của trẻ, hạn chế cho trẻ ăn vặt trong trường học. Đặc biệt cần sớm nhận biết những thay đổi tâm sinh lý, biểu hiện của trẻ để kịp thời can thiệp. Khi thấy các em có triệu chứng bất thường như mất ngủ hoặc ngủ bất thường (ngày ngủ, đêm thức), hốt hoảng, sợ sệt, hành vi kỳ dị… thì nên đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và hướng dẫn phòng ngừa, điều trị; hoặc phát hiện có những hành vi, biểu hiện liên quan đến ma túy, cần báo ngay với cơ quan công an gần nhất để kịp thời xử lý.

Về phía nhà trường, giáo viên chủ nhiệm cần theo dõi chế độ ăn, ngủ nghỉ và sinh hoạt chung của các em để nắm bắt thông tin và can thiệp kịp thời khi có những sản phẩm lạ, biểu hiện lạ của học sinh trong lớp.

Bên cạnh đó, quan trọng nhất, chính là nhiệm vụ nâng cao nhận thức của mỗi học sinh về tác hại của các chất gây nghiện cũng như các sản phẩm chứa chất gây nghiện “đội lốt” bánh kẹo nơi cổng trường.

Khả năng “biến hóa” trà trộn của các sản phẩm nguy hại trên càng tinh vi, vai trò và trách nhiệm của gia đình, nhà trường cũng càng phải được nêu cao, luôn cảnh giác và cập nhật, đón đầu thông tin, hạn chế những cơ hội mà kẻ gian lợi dùng để trao đổi chất cấm.

Minh Hoa (t/h) - Người Đưa Tin