Tương lai nào cho khách sạn 5 sao trong nước?

Dịch Covid-19 phức tạp, giãn cách xã hội khiến các khách sạn lớn, khu resort đặc biệt là khách sạn 5 sao gặp nhiều khó khăn chồng chất.

Du lịch "rớt nước mắt" chờ ngày hồi phục

Bão Covid-19 bắt đầu đổ bộ từ cuối năm 2019, nhiều chủ khách sạn chấp nhận cảnh "chìm nổi" vì không đủ nguồn lực để vượt sóng lớn.

Ngành du lịch mệt mỏi, thế giới đóng cửa, việc nhập cảnh giữa các quốc gia chưa bao giờ lại khó khăn đến vậy. Trong nước, nhiều khu vui chơi, tổ hợp giải trí, tụ điểm tham quan trở nên vắng vẻ, hoặc "cửa đóng, then cài", những thiệt hại về nền kinh tế du lịch thật sự nhức nhối, trở thành thách thức lớn với các quốc gia nói chung, đối với Việt Nam nói riêng.

Lệnh cấm bay, hạn chế đi lại và sự e ngại của du khách do lo sợ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến nhiều khách sạn "chảy máu mắt". Dĩ nhiên, câu chuyện phục hồi hay giải thể sẽ phải phụ thuộc vào thời điểm dịch Covid-19 được kiểm soát trên thế giới.

Bất động sản - Tương lai nào cho khách sạn 5 sao trong nước?

Một khách sạn trên phố cổ Hà Nội "bán mình" trong mùa dịch Covid-19 (Ảnh: Dân Trí)

Trước đó, ngành du lịch trong nước có nhiều tín hiệu khả quan, tuy nhiên, vào tháng 6/2020, dịch Covid-19 bùng phát trở lại trong cộng đồng tại một số địa phương trên cả nước. Tương lai ngành du lịch lại bị đặt lên bàn cân bởi sự ảnh hưởng tiêu cực từ các biến chủng virus mới.

Các doanh nghiệp du lịch chưa kịp phục hồi sau đợt dịch trước, lại phải hứng chịu tiếp cú "giáng đòn" có phần "nặng đô". Các gói kích cầu du lịch gần như bị đóng băng, các tour dự kiến bị khách hàng hủy không thương tiếc.

Theo thống kê, hết năm 2020, lượng khách quốc tế chỉ đạt 3,8 triệu lượt, giảm gần 80% so với năm 2019; khách du lịch trong nước cũng giảm gần 50%; tổng thu du lịch cả nước thiệt hại lên đến 530.000 tỷ đồng.

90 - 95% các doanh nghiệp lữ hành tạm dừng hoạt động, hơn 30.000 cơ sở lưu trú với 650.000 phòng trên cả nước nhưng công suất phòng chỉ đạt 20 - 25% ở các tỉnh, thành phố; một số địa bàn du lịch trọng điểm, nhiều khách sạn buộc phải đóng cửa hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng vì không cầm cự nổi.

Bước sang năm 2021, số liệu của bộ VH-TT&DL cho biết, trong 6 tháng đầu, du lịch tiếp tục chịu sự ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Ước tính số liệu khách du lịch nội địa đạt 30,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 134.000 tỷ đồng, giảm 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Tổ chức Du lịch thế giới dự báo, du lịch quốc tế sẽ phải mất từ 3 - 4 năm (có thể hơn thế) để phục hồi trở lại.

Tín hiệu đáng mừng, những thông tin tích cực từ việc triển khai vaccine đã khiến những mảng xám trong ngành du lịch "quang mây" trở lại. Thời điểm này, các nhà đầu tư cần phải "ra tay" để không bỏ lỡ cơ hội mới. Tuy nhiên, tất cả vẫn đang là một bài toán hóc búa.

Khách sạn 5 sao liệu có cần "cho nhau lối đi riêng"?

Bước sang năm thứ 2 đại dịch Covid-19, không được hưởng "gió mát", chi phí vận hành lớn, nợ ngân hàng dồn xiết hàng tháng buộc nhiều chủ khách sạn 3-4 sao phải rao bán "con cưng" để gom vốn chuyển đổi loại hình kinh doanh khác.

Tại Nha Trang, Đà Nẵng, 95% khách sạn đã đóng cửa, phần còn lại chủ yếu hoạt động như các cơ sở cách ly tạm thời.

Tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, một số khách sạn đã nhanh nhạy hoán cải một phần cơ sở vật chất để trở thành các khu cách ly. Nhờ đó, công suất phòng một số khách sạn có chút cải thiện.

Trong nửa đầu năm 2021, TP.HCM có hơn 50% cơ sở lưu trú hạng 3 sao hoặc tương đương tạm ngưng hoạt động; các cơ sở lưu trú hạng 4 sao và 5 sao hoặc tương đương hoạt động cầm chừng. Doanh thu lưu trú giảm 70%, doanh thu hoạt động ăn uống giảm 80%, doanh thu các hoạt động dịch vụ khác giảm 68% so với năm 2019.

Về tình hình kinh doanh khách sạn tại Hà Nội, tháng 6/2021 công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1- 5 sao ước đạt khoảng 25.7%, giảm 0.7 % so với tháng 5/2021 và giảm 3.5 % so với cùng kỳ năm 2020. 6 tháng đầu năm 2021, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1- 5 sao ước đạt khoảng 24%, giảm 7.8 % so với cùng kỳ năm 2020.

Bất động sản - Tương lai nào cho khách sạn 5 sao trong nước? (Hình 2).

Bao giờ các khách sạn 5 sao ở Hà Nội mới trở lại thời hoàng kim? (Ảnh: Vietnamnet)

Sở Du lịch Hà Nội cho biết, phân khúc khách sạn cao cấp 3-5 sao như Hilton, Hanoi Opera, Melia, Authentic Hanoi, Thắng Lợi,... rơi vào khủng hoảng trầm trọng, hầu như "không sáng đèn".

Vậy với các khách sạn 5 sao có bề dày hoạt động thì sao? Dịch Covid-19 bùng phát, kéo dài dai dẳng không dành ngoại lệ cho lĩnh vực du lịch, khách sạn. Các ông chủ lớn đã dày công đầu tư, thâu tóm đều gặp không ít khó khăn.

Theo khảo sát của Tạp chí Công Thương, có khoảng 60% khách sạn 5 sao tại TP.HCM và Hà Nội được nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ cổ phần và làn sóng này vẫn tiếp diễn. Các khách sạn 5 sao được đánh giá là phân khúc đầu tư ít rủi ro và mang lại dòng tiền đều đặn, thuộc nhóm bất động sản thương mại tiêu dùng được khối ngoại cực kỳ ưa chuộng.

Việc nhà đầu tư chọn mua quyền điều hành khách sạn và cơ sở nghỉ dưỡng, thay vì sở hữu khách sạn là xu hướng đầu tư tiết kiệm chi phí và giảm thiểu rủi ro khi bỏ vốn quá lớn. Nhằm tìm kiếm cơ hội kinh doanh, một số nhà đầu tư trong nước lội ngược dòng trong các vụ mua bán, sáp nhập khách sạn.

Năm 2019, khách sạn 5 sao InterContinental Hanoi Westlake tại Hà Nội bất ngờ đổi chủ. Theo thông tin từ phía Berjaya (Malaysia), giá trị của thương vụ là 1.244 tỷ đồng, tương đương định giá khách sạn lên tới gần 1.700 tỷ đồng. Trong quý I/2018, một công ty đầu tư Việt Nam - Bamboo Capital cũng đã mua dự án Resort Malibu với giá khoảng 14,8 triệu USD từ Công ty Indochina Hoi An Beach Villas Co., Ltd.

Ngược dòng thời gian, ngày 1/8/2006, quỹ VinaCapital khiến giới đầu tư chú ý khi chính thức công bố mua lại 70% cổ phần (trị giá 43 triệu USD) của đối tác Đức và Pháp tại khách sạn Hilton HaNoi Opera. Đến năm 2009, VinaCapital thoái hoàn toàn khỏi Hilton HaNoi Opera và thu về khoản lợi nhuận 23%. Vị chủ nhân mới Hilton HaNoi Opera cũng cực kỳ kín tiếng...

Tất cả cả thương vụ "lịch sử" cùng các ông chủ đầy tham vọng đều không tính được thách thức do "cơn bão" Covid-19 mang lại, nên dù đã đổ một núi tiền, chưa "xuôi chèo mát mái" được bao lâu thì đều đối diện ác mộng dịch bệnh mang lại.

Hoạt động M&A trong lĩnh vực khách sạn từng được coi là hoạt động "một chiều", các nhà đầu tư ngoại bởi chủ yếu thâu tóm, mua lại cổ phần hoặc toàn bộ dự án của các dự án trong nước. Tuy nhiên, hiện nay, việc nhà đầu tư nội mua lại dự án của đối tác ngoại không còn là chuyện hiếm.

Theo Sohovietnam, đơn vị chuyên tư vấn các thương vụ M&A bất động sản, nhu cầu của nhiều nhà đầu tư đặt mua nhà hàng, khách sạn tại Việt Nam tăng lên trong thời gian gần đây. Chỉ riêng lĩnh vực khách sạn và khu nghỉ dưỡng, tổng số tiền sẵn sàng đầu tư nằm trong khoảng 8.000-10.000 tỉ đồng. Tiêu chí đầu tư tập trung vào các tài sản đã xây xong, đang vận hành hoặc xây dựng dở dang, đất dự án. Có thể thấy xét trên khía cạnh M&A, thị trường nhà hàng, khách sạn và du lịch Việt Nam đang là một trong những địa điểm hàng đầu được giới đầu tư quan tâm.

Báo cáo Triển vọng đầu tư khách sạn toàn cầu năm 2021 của JLL cho biết, 70% nhà đầu tư đang nhắm mục tiêu đến các khách sạn ở châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Đầu tư vào khách sạn toàn cầu trong năm nay dự kiến ​tăng 35% so với năm 2020, lên 35 tỷ USD.

Tiềm năng hậu đại dịch của ngành du lịch khách sạn Việt Nam cơ bản được đánh giá cao. Phân tích của hãng McKinsey cho thấy, nhu cầu du lịch trong nước vẫn tiếp tục gia tăng, và sẽ phục hồi khá nhanh nhờ những ai không thể ra nước ngoài sẽ chuyển hướng sang tiêu tiền trong nước, ở một mức độ cao hơn cả năm 2019.

Có lẽ, sẽ vẫn còn khe cửa hẹp cho các khách sạn 5 sao trong nước chờ thời cơ "phục hận"

Min (Tổng hợp) - Người Đưa Tin Pháp Luật