Vay tiền liên tiếp qua nhiều app, người đàn bà bán nhà để trả nợ

Kinh tế khó khăn, Lê Thị Thương (45 tuổi, trú tại Long Biên, Hà Nội) vay tiền qua nhiều app khác nhau để trang trải cuộc sống hàng ngày. Đến hạn trả nợ, Thương lại vay mượn hàng xóm để thanh toán cho các app rồi biến mất. 

Vay tiền hàng xóm trả nợ app

Mấy tháng nay, nhiều người sống ở một chung cư tại Long Biên, Hà Nội xôn xao vì bị hàng xóm bùng nợ. Theo chị N.P.T. (35 tuổi, trú tại chung cư trên), một chiều tháng 7, chị nhận được điện thoại của chị Lê Thị Thương (hàng xóm) nói con đang nhập viện cấp cứu, muốn vay nóng 5 triệu đồng, sang tuần sẽ trả ngay.

Chị T. kể, Thương mới chuyển đến nhưng tính tình xởi lởi, đã quen với cả tầng, hay có bánh kẹo, hoa quả chia cho hàng xóm. Vì thế, khi Thương hỏi vay tiền, dù cũng đang khó khăn do dịch bệnh nhưng chị vẫn chuyển khoản cho Thương vay 5 triệu đồng.

Thương vay tiền qua nhiều app khác nhau, lãi mẹ đẻ lãi con không trả kịp (Ảnh minh họa).

Đến hẹn trả tiền, chị T. gọi điện cho Thương thì không liên lạc được. Không chỉ vậy, khi nói chuyện với mấy người hàng xóm, chị biết ai cũng bị Thương vay tiền, ít thì 2 triệu đồng, nhiều thì 10 triệu đồng. “Thương đưa ra nhiều lý do khác nhau, lúc thì con ốm, lúc thì công việc kinh doanh gặp trục trặc...Chị ta rất khéo miệng nên ai cũng mềm lòng cho vay”, chị T. kể.

Tất cả những người này đều không liên lạc được với Thương. Chị T. còn thấy Thương rao bán căn hộ. “Chúng tôi tìm mọi cách nhưng không gọi được cho Thương. Qua người này người kia mới gọi được cho người đàn ông sống cùng Thương thì người này bảo Thương vay tiền app, lãi mẹ đẻ lãi con nhiều quá, không trả được nên mới vay đến hàng xóm. Giờ đang bán nhà để trả nợ”, chị T. kể.

Người đàn ông trên cho biết, Thương vay tiền của nhiều app. Không có tiền trả nợ, Thương lại vay của app khác để trả tiền cho app trước đó. “Lãi cao, không trả kịp nên mới vay nợ khắp nơi”, người này nói.

Gần đây nhất, chị T. nhận được điện thoại của Thương hẹn sau khi bán được nhà sẽ trả hết nợ. “Nghe trình bày, tôi cũng cảm thương, thôi thì tin người thêm một lần nữa”, chị T. nói.

Hệ lụy từ tín dụng đen

Trao đổi với PV, ông Lương Quang Tuấn - nguyên là Kiểm sát viên vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án trật tự - xã hội thuộc VKSND Tối cao cho biết: Sau đại dịch Covid-19, khó khăn về tài chính đã bủa vây, “gõ cửa” từng nhà, từng người. Có thể nói, đây là thời điểm “vàng”, là mảnh đất màu mỡ, để tín dụng đen phát triển.

Ông Lương Quang Tuấn - nguyên là Kiểm sát viên vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án trật tự - xã hội thuộc VKSND Tối cao.

Thủ tục vay tín dụng đen khá đơn giản, không cần tài sản thế chấp, không phụ phí, nhận tiền nhanh chóng… nên “kênh” này đã thu hút nhiều người có nhu cầu vay tiền.

Chỉ cần ra đường, để ý quan sát trên bờ tường, cột điện là có thể thấy rất nhiều những thông tin quảng cáo, rao vặt, mời chào hỗ trợ tín dụng như: Vay tín chấp thủ tục đơn giản, chỉ cần alo là có tiền, hỗ trợ vay tiền, giải ngân ngay trong ngày...

Đối tượng vay tín dụng đen thường là các hộ nghèo, cận nghèo, thanh niên mới lớn ở các làng quê, người thất nghiệp, người có việc cần tiền đột xuất, người ham mê cờ bạc, bóng đá…

Thủ tục cho vay nhanh chóng, đơn giản nhưng người vay phải chịu lãi suất cho vay của tín dụng đen rất cao, từ 100% - 300%, thậm chí lên đến 700%/năm.

Cũng theo ông Tuấn, những giao dịch dân sự này do các bên tự thỏa thuận, không được chứng thực bởi pháp luật, không có tài sản bảo đảm. Nếu người vay không có khả năng trả nợ hoặc chậm trả lãi, các đối tượng cho vay sẽ dùng nhiều thủ đoạn ép bên vay và người thân phải trả.

Từ lý do này nên sẽ phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật như: Cưỡng đoạt, cướp tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản... Đây chính là hệ lụy khôn lường từ việc tiền qua app, vay tín dụng đen.

Theo ông Lương Quang Tuấn, pháp luật đã có chế tài rất nghiêm khắc, phạt nặng người cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, việc thực thi còn gặp khó vì bản chất của việc vay hoặc cho vay liên quan đến cá nhân nhiều hơn, chỉ khi người vay sợ bị xã hội đen đòi nợ hoặc không thể trả được nợ thì mới báo cho cơ quan chức năng.

“Để phát hiện ra một đường dây “tín dụng đen” không hề dễ vì “tín dụng đen” hoạt động không công khai, núp bóng, khiến cơ quan chức năng khó phát hiện và xử lý”, ông Tuấn cho biết thêm.

Đưa ra giải pháp để hạn chế, đẩy lùi “tín dụng đen”, theo quan điểm của ông Tuấn thì các tổ chức tín dụng hoặc các ngân hàng cần có nhiều gói vay linh hoạt hơn để hỗ trợ người dân, người có thu nhập thấp. Cùng với đó, các tổ chức tín dụng cần đa dạng hóa những loại hình tín dụng phục vụ đời sống, tiêu dùng cho người dân với thủ tục đơn giản, thuận tiện.

“Để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này, cần có các giải pháp trước mắt và lâu dài. Trước hết cần tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về “tín dụng đen”, bẫy “tín dụng đen”. Tăng cường công tác truyền thông, xử lý nghiêm minh các vụ việc do “tín dụng đen” gây ra.

Các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý hoạt động của các tổ chức, cá nhân hoạt động tín dụng núp dưới vỏ bọc “công ty, cửa hàng hỗ trợ tài chính” đang xuất hiện ngày càng nhiều”, ông Lương Quang Tuấn cho hay.

* Tên nhân vật đã được thay đổi

Theo Người Đưa Tin