Vén bức màn bí ẩn và uẩn khúc phía sau hội, nhóm gieo duyên cho gia đình hiếm muộn

Nắm bắt tâm lý của nhiều cặp vợ chồng bị hiếm muộn, mong muốn xin con nuôi, một số trang mạng xã hội được lập ra với danh nghĩa “gieo duyên” nhưng thực tế hoạt động khá phức tạp, có bóng dáng của nhiều “cò” cho nhận con nuôi…

Vào cuộc lần theo những thông tin cho, nhận con đầy bí hiểm

Trong vai một cô gái tỉnh lẻ đang làm việc tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội), do lỡ lầm nên chót mang bầu, giờ sắp đến ngày sinh, muốn cho con nuôi để con mình có cuộc sống tốt đẹp hơn, PV đã lần theo một nhóm kín “Cho và nhận con nuôi” để tìm hiểu.

Tính đến thời điểm tại nhóm này có hơn 11 nghìn thành viên. Mỗi ngày, trong nhóm ghi nhận có hàng chục tài khoản facebook đăng tải thông tin vì hoàn cảnh khó khăn, lầm lỡ muốn cho con nuôi hoặc những gia đình hiếm muộn mong muốn nhận con nuôi. Ngay bên dưới là hàng trăm người bình luận, có những người tha thiết nhận nuôi đứa trẻ, có người ngậm ngùi muốn cho con. Bên cạnh đó là những bình luận về giới tính, dự kiến ngày sinh, về những yêu cầu của những người cho đối với người nhận.

Từ thông tin đăng trên nhóm, PV đã tiếp cận với một số trường hợp đang mang bầu muốn cho con. Nghìn lẻ lý do được các bà bầu đưa ra khi nói về chuyện muốn cho đi giọt máu cả mình như: lầm lỡ, kinh tế khó khăn, vỡ kế hoạch hay ly dị chồng…

Trên các hội nhóm, thông tin cho nhận con nuôi được đăng tải hàng ngày.

Trên nhóm “Cho và nhận con nuôi”, nickname Hoàng M. chia sẻ bài viết: “Ở Bắc Ninh, có gia đình hiếm muộn nào muốn nhận con nuôi không ạ. Em bầu gần sinh rồi nên muốn gieo duyên cho gia đình thật sự cần bé và em cũng muốn đôi bên gặp nhau để hiểu rõ về nhau hơn, thực tâm không lừa đảo”. Dòng trạng này đã nhận được rất nhiều bình luận, đa số hỏi về giới tính của bé, có người ngỏ ý muốn cô gái vào Sài Gòn hoặc ra Hà Nội sinh, người thì ra điều kiện chỉ nhận bé trai đã sinh rồi…

Bên cạnh những dòng trạng thái muốn cho con, ngay phía dưới nhiều người ngỏ ý muốn nhận con nuôi. Nickname Trung Q. cũng chia sẻ: “Mình muốn tìm một bé về nuôi. Trai gái không quan trọng. Mình ở Hà Nội. Có giấy tờ tùy thân tất cả đầy đủ. Có tiền bồi dưỡng cho các mẹ một chút gọi là công sinh. Yêu cầu bé đã sinh rồi. Mình cũng có một bé rồi, được gần 1 tuổi. Mình có đầy đủ khả năng và kinh tế để lo cho bé. Ai thật tâm thì inbox mình”.

Từ những chia sẻ trong các hội nhóm cho thấy, mạng xã hội là kênh kết nối thông tin nhanh chóng, nhiều người có nhu cầu cho, nhận con nuôi cũng sử dụng mạng xã hội như một cầu nối. Nhiều hội nhóm cho, nhận con nuôi được lập ra hoạt động sôi nổi. Những thông tin về bà mẹ, em bé hay thậm chí là nhận làm thủ tục giấy tờ cho những ai đang có nhu cầu cũng được chia sẻ rất công khai.

Tại đây, thông tin người cho và người nhận được trao đổi khá nhanh chóng. Niềm tin được xây dựng chỉ dựa vào vài lời giới thiệu về hoàn cảnh, lý do muốn cho con cũng như những điều kiện đi kèm như chăm sóc sau sinh, đặc biệt là chi phí bồi dưỡng cho người mẹ…

Những kẻ "xin con hộ" là ai?

Theo tìm hiểu của PV, bên cạnh những cặp vợ chồng có nhu cầu nhận con nuôi thật sự, trên các hội nhóm xuất hiện bóng dáng “cò” môi giới cho, nhận con nuôi.

Lập một số tài khoản khác nhau và đăng tin muốn cho con nuôi, chúng tôi khá bất ngờ khi nhiều người inbox xin nhận và hứa hẹn sẽ có một khoản hậu hĩnh bồi dưỡng cho sản phụ sau sinh. Trong số 6 người inbox cho PV, có đến 4 người nói muốn nhận con nuôi nhưng là nhận hộ người nhà đang sinh sống ở Trung Quốc?

Nickname N.V.N.H nhắn tin cho PV gợi ý nhận con nuôi cho chị gái bên Trung Quốc và cho số điện thoại của người chị để chúng tôi tiện trao đổi qua zalo. Theo đó, PV tạp chí Người Đưa Tin đã liên lạc theo số điện thoại và người phụ nữ tự xưng tên D.P.Y.T. Chị này ngỏ ý nếu chúng tôi đồng ý cho con sẽ đón sang Trung Quốc ngay trong tháng 7 để tiện chăm sóc và hứa sẽ bồi dưỡng 30 triệu đồng sau sinh.

Hàng loạt những "bà mẹ" xa lạ muốn xin con và đưa con sang...Trung Quốc.

“Chị nhận con nuôi là muốn xin bầu về nuôi tại nhà để chăm sóc cả mẹ lẫn con ngay từ trong bụng cho khỏe mạnh, con không bị thiếu dinh dưỡng”, chị T. nói.

Khi chúng tôi hỏi vì sao muốn nhận con nuôi mà chị T. không về trong nước, người phụ nữ này nói: “Nếu ra pháp luật sẽ rất phức tạp và tốn kém, lên UBND phường, rồi phải lăn tay xác minh đủ thứ, chứng minh thu nhập…. Đó là cho nhận công khai luôn và sau này đứa trẻ sẽ biết, nó sẽ tự ti, mặc cảm còn mình cho kiểu kín đáo, là thỏa thuận dân sự giữ hai bên thôi”.

Tương tự, một người tên Trần L. nhắn tin cho chúng tôi dò hỏi: “Sang Trung sinh thì inbox mình. Mình có anh chị bên đó cần xin, chỉ nhận bé trai thôi bạn nhé”!

Từ những “đầu mối” xin con hộ, hàng loạt câu hỏi thường trực trong đầu tôi, liệu có uẩn khúc gì từ việc… xin con nuôi hộ? Những “đầu mối” đứng ra nhận con nuôi có thực sự là người nhà như giới thiệu hay “cò mồi” và liệu có bao nhiêu đứa trẻ đã được nhận làm con nuôi mà không phải đối mặt với rủi ro?

(Còn Nữa)

Nhận con nuôi về thừa kế

Thấy tôi có vẻ đắn đo về việc “xuất ngoại” cho con, người phụ nữ tên T. quả quyết: “Có nhiều người làm ăn bậy bạ, chỉ vì kiếm tiền mà bất chấp lương tâm. Vợ chồng chị đang mở công ty bên này nên muốn nhận con trai về thừa kế. Em tin hay không thì tùy vào duyên. Nếu sang bên này sinh con xong mà không về được, chỉ cần mất một sợi lông chân em có thể báo công an”.