Vì sao có người ăn cả chùm vải không sao, kẻ nếm vài quả đã loét miệng? Cách ăn để vải không thành “độc dược”

Nhiều người ăn vải liền thấy cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường.

Vải là loại quả ngon ngọt không thể bỏ qua trong mùa hè. Loại quả được mô tả là "nữ hoàng của các loại trái cây" có vỏ màu đỏ tươi, thịt cùi trong mịn, mùi thơm, nhiều nước, hương vị ngọt ngào. 

Tuy nhiên, không phải ai ăn vải cũng hợp. Có người ăn hàng chùm không sao, có người ăn vài miếng đã sưng, phù mặt, nôn nao người, vài ba ngày mới hết. Trường hợp nặng, một số người bị co giật, tụt huyết áp, không sơ cứu kịp thời có thể dẫn tới tử vong. 

Quả vải thơm ngon được nhiều người thích. (Ảnh minh họa) 

 Vì sao có người ăn vải lại rước bệnh? 

Thông thường, vị ngọt của trái cây được quyết định bởi hai loại đường là sucrose (có thể được thủy phân thành glucose và fructose) và fructose. Tất cả các hoạt động tế bào trong cơ thể của chúng ta về cơ bản được cung cấp bởi glucose. Trong khi đó, đường trong quả vải chủ yếu là fructose. Cơ thể không thể hấp thụ và sử dụng trực tiếp được đường này, do đó, gan có trách nhiệm chuyển hóa fructose thành glucose, trước khi cơ thể sử dụng.

Trong trường hợp cơ thể bạn có thể chuyển hóa fructose thành glucose, bạn không gặp vấn đề gì khi ăn vải. Tuy nhiên, nếu cơ thể bạn thiếu các enzym cần thiết để chuyển hóa đường fructose, bạn rất dễ dị ứng khi ăn vải, thể hiện qua các triệu chứng như tiêu chảy, sưng bọng mắt... 

Không chỉ có vậy, quả vải còn chứa một số thành phần độc hại, chẳng hạn như α-methylenecyclopropylglycine và hypoglycine A, đặc biệt ở những quả vải chưa chín thì hàm lượng này còn cao hơn. Đây là nguyên nhân gây ra tình trạng hạ đường huyết trong cơ thể. 

Ăn quả vải còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khác. Nhiều người bị sưng mí mắt, đau họng, nổi mụn. Theo quan điểm của y học hiện đại thì đây là biểu hiện của tình trạng viêm nhiễm hoặc dị ứng. Hàm lượng đường trong quả vải cao tới 16,6%, gấp 2,5 lần dưa hấu và dâu tây nên lượng đường cao dễ làm khô miệng và làm trầm trọng thêm tình trạng mụn. Khi bạn ăn vải, quá trình chuyển hóa đường sẽ làm cạn kiệt vitamin B của cơ thể, gây ra bệnh viêm môi góc cạnh (hay còn gọi là viêm khóe miệng). 

Trẻ em và những người miễn dịch yếu nên hạn chế ăn vải. (Ảnh minh họa)

Ăn vải sao cho an toàn? 

Trước hết, khi mua vải, chỉ nên chọn quả chín, da căng, không còn các đường hằn sâu. Quả vải chưa chín có hàm lượng độc tố cao hơn vải chín. Nếu quả vải màu quá đỏ hoặc đỏ lẫn đen, rất có thể quả vải bị nhuộm, nguy hiểm tới sức khỏe. 

Bạn không nên ăn vải khi bụng đói. Nên ăn xen kẽ giữa các bữa chính. Bạn cũng cần ăn đủ ba bữa chính, giàu tinh bột để đảm bảo đủ nồng độ đường huyết trong máu.

Theo "Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người dân Trung Quốc năm 2022", chỉ nên ăn 200-350 gam trái cây mỗi ngày là thích hợp, với quả vải cũng không ngoại lệ. 

Một số người không nên ăn vải, ví dụ như trẻ em và những người có khả năng miễn dịch yếu, bệnh nhân tiểu đường, béo phì hay mắc các bệnh về răng miệng.